Cách phòng trừ sâu hại cho cây trồng trong mùa khô
Mùa khô thường phát sinh nhiều loại sâu bệnh, dịch hại, Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để bảo vệ cây trồng.
Bước vào mùa khô năm nay, nhiều vùng trồng cà phê của tỉnh gặp không ít khó khăn do nắng nóng gay gắt, nguy cơ thiếu nước tưới và nhiều loại sâu hại phát sinh.
.jpg)
Gia đình ông Nguyễn Văn Kiên ở phường Nghĩa Đức, TP. Gia Nghĩa có gần 2,5ha cà phê. Trong những ngày gần đây, vườn cà phê của ông Kiên đã xuất hiện rệp sáp hại trái non.
Ông Kiên cho biết: “Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này, do thời tiết thất thường đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại xuất hiện trên vườn cây. Trong đó, phổ biến nhất là rệp sáp hại trái non”.
Theo ông Kiên, với kinh nghiệm lâu năm trồng cà phê, ông chưa bao giờ thấy tình trạng rệp sáp khó phòng trừ như hiện nay. Thông thường ông phun thuốc khoảng 3 lần/vụ là không còn dấu hiệu của rệp sáp. Thế nhưng, gần 2 tháng qua, cứ cách từ 4 - 7 ngày, ông phun thuốc trừ một lần, nhưng rệp sáp vẫn còn lác đác, trú ẩn trong cuống trái cà phê non.
.jpg)
“Có khả năng rầy rệp bị kháng thuốc. Nếu không phun kỹ, vài ngày sau rệp sẽ xuất hiện trở lại. Do vậy, dù tốn công nhưng tôi vẫn tìm cách để phòng trừ, nhằm hạn chế rệp sáp lây lan ra cả vườn”, ông Kiên cho biết thêm.
Còn gia đình bà Lê Thị Nhân ở xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp canh tác hơn 2ha cà phê trồng xen hồ tiêu. Hiện vườn cà phê của bà Nhân cũng không tránh khỏi tình trạng rệp sáp và nấm bệnh gây hại.
Tại vườn cà phê của bà Nhân, không chỉ cà phê bị rầy rệp gây hại mà nhiều trụ tiêu cũng bị nhiễm bệnh. Những trụ tiêu bị nhiễm bệnh còn lưu lại những vết của tảo, đốm lá, cháy lá, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của vườn cây.
.jpg)
Theo ông Phạm Tấn Minh, Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông, bước vào giai đoạn mùa khô, sâu bệnh ở vườn tiêu là không đáng kể. Tuy nhiên, các dấu hiệu bệnh có thể xuất hiện từ mùa mưa sót lại hoặc từ vườn cà phê lây lan sang.
Ông Minh cho biết: “Nếu phát hiện rệp sáp xuất hiện gây hại trên vườn cà phê, hồ tiêu, bà con cần sử dụng các loại thuốc lưu dẫn hai chiều để xử lý hiệu quả cho vườn cây. Tuy nhiên, trong quá trình dùng thuốc, các nhà vườn cần lưu ý không nên phun theo đại trà mà phun theo hình thức cục bộ trên những cây bị bệnh”.
Theo khuyến cáo của Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh Đắk Nông, để phòng ngừa sâu bệnh hại trong mùa khô hiệu quả, bà con nông dân cần tiến hành xử lý vệ sinh vườn kết hợp tỉa cành, tạo tán kịp thời. Ngoài tỉa cành, việc tưới nước và bón thêm phân lân, kali cân đối sẽ giúp tăng tỷ lệ đậu quả, chống chịu sâu bệnh và thích ứng với thời tiết bất thường trong mùa khô.
.jpg)
Đồng thời, cần thường xuyên thăm vườn, nhằm phát hiện sớm sự xuất hiện của rệp, mật độ rệp trên cây để có giải pháp phòng trừ sớm, kịp thời và hiệu quả. Khi tưới nước, bà con có thể kết hợp sử dụng vòi nước với áp suất cao xịt mạnh vào cành, chùm quả có rệp sáp để rửa trôi lớp phấn sáp, muội đen của rệp; sau đó phun thuốc sẽ hiệu quả hơn.
Khi sử dụng thuốc, bà con có thể kết hợp các loại thuốc sinh học như Abamectin, nấm ba màu... để phun ở những vườn có mật độ rệp thấp.
Đối với vườn có mật độ rệp sáp và sâu ăn lá cao, nên sử dụng các loại thuốc hóa học theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp) để phun đều trên cây. Các loại thuốc cần pha theo nồng độ hướng dẫn để phun đủ lượng nước thuốc và phun kỹ vào chùm trái, cành bị rệp gây hại; phun nhắc lại lần 2 sau 7 ngày.