Vào mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm cao giúp SARS-CoV-2 phát triển và lây lan nhanh hơn, nhất là biến thể Delta. Theo Bác sĩ nội trú Đàm Thị Thanh Tâm (Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), yếu tố thời tiết chỉ là một trong những điều kiện thuận lợi cho loại virus này tăng khả năng gây bệnh và lây lan thành làn sóng dịch bệnh mới. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở nước ta, SARS-CoV-2 vẫn lây lan mạnh trong thời tiết nóng. Điều này chủ yếu là do phương thức lây nhiễm của virus này thông qua giọt bắn, dịch tiết của con người, bề mặt tiếp xúc.
Dịp nắng nóng, nhiều người ở trong môi trường kín, bật máy lạnh, điều hòa thường xuyên nên dễ tích tụ virus, lây lan dễ dàng hơn qua đường các con đường trên. Các ổ dịch thường xuất hiện ở những nơi đông đúc như khu dân cư, khu công nghiệp; môi trường nhiều người, kín khí như các quán bar, quán karaoke, nhà hàng, siêu thị, ...
Do đó, để phòng Covid-19, môi trường sống cần giữ thông thoáng. Vào mùa đông lạnh, nhiệt độ xuống thấp, gia đình phải thường xuyên đóng kín nhà cửa thì cần lưu ý. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ bằng các dung dịch sát khuẩn, nhất là ở các bề mặt thường xuyên tiếp xúc nhiều như tay nắm cửa, chỗ vịn cầu thang, điện thoại... Khi thời tiết không quá rét buốt có thể mở cửa để thông thoáng nhà cửa, tạo sự trao đổi khí giữa hai môi trường. Để giảm nguy cơ mắc Covid-19, người lớn và trẻ em nên tuân thủ khuyến cáo 5K.
Ngôi nhà thường xuyên đóng cửa vào mùa đông lạnh nên cẩn lau dọn thường xuyên để sạch sẽ. Ảnh: Freepik |
Theo bác sĩ Thanh Tâm, trải qua mùa đông thứ hai đối phó với Covid-19, kịch bản chống dịch ở các nước ta và nhiều nước trên thế giới có khác so với trước đây. Khoảng một năm trước, hầu hết các nước đều đặt mục tiêu không còn Covid-19 thì hiện nay nhiều quốc gia và các khu vực thay đổi chủ trương sống chung an toàn với Covid-19, tăng độ bao phủ tiêm chủng vaccine Covid-19 sớm nhất và nhanh nhất có thể. Theo các chuyên gia y tế của WHO, hiện nay rất khó có thể xóa bỏ hoàn toàn Covid-19, mà căn bệnh này sẽ có thể luôn tồn tại, giống như virus cúm mùa hay một số virus khác.
Hiện nay, nước ta cũng đang đẩy mạnh công tác tiêm chủng để tăng độ bao phủ vaccine, giúp cho càng nhiều người nhất được tiếp cận vaccine sớm nhất có thể. Việc tiêm vaccine Covid-19 trước mùa đông lạnh cũng giúp phòng ngừa căn bệnh này có điều kiện thuận lợi lây lan mạnh hơn. Mục tiêu kép mà nước ta hướng đến là vừa chống dịch an toàn, bảo vệ được người dân và vừa phát triển kinh tế, xã hội.
Bên cạnh tiêm vaccine Covid-19, theo bác sĩ Thanh Tâm, mọi người nên tiêm vaccine phòng cúm, sởi, thủy đậu, phế cầu... để giúp tạo khả năng phòng các bệnh truyền nhiễm, hạn chế đồng nhiễm nhiều virus, vi khuẩn cùng lúc. Người già, trẻ nhỏ nên giữ ấm vùng mũi họng vì đây là "lá chắn" đầu tiên giúp ngăn virus, vi khuẩn xâm nhập sâu vào đường hô hấp, tấn công và gây bệnh đường hô hấp dưới như phế quản, phổi. Khi ra ngoài, ngoài việc đeo khẩu trang, bạn có thể mang khăn choàng cổ, mặc áo kín cổ để giữ ấm bộ phận này.
Mỗi ngày, chúng ta cần đánh răng ít nhất 2 lần mỗi sáng và tối, súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn họng khoảng 2-3 lần. Phụ huynh cũng lưu ý không lạm dụng quá việc xịt, rửa mũi cho trẻ nhỏ. Do vào mùa đông lạnh, một số mẹ thường thấy con bị khô mũi, chảy mũi... thường lo lắng, dẫn tới xịt, rửa mũi nhiều lần mong bệnh được nhanh cải thiện. Với những gia đình có không gian chật hẹp, môi trường ô nhiễm ở thành phố lớn có thể sử dụng các biện pháp lọc không khí, hạn chế nuôi các loại thú cưng đối với các gia đình có người mắc các bệnh về đường hô hấp như viêm mũi dị ứng, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản...
Vi khuẩn, virus thường lây truyền qua giọt bắn khi nói chuyện, khi ho, khi hắt hơi... và lây truyền qua bàn tay bẩn đưa tay lên mắt, mũi, miệng tạo điều kiện cho chúng lây lan. Phụ huynh nên dạy cho trẻ không nên đưa tay lên các bộ phận này, tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu ho, sốt... Trường hợp gia đình có người có dấu hiệu bất thường như sốt, ho, khó thở, đau rát họng, mất ngửi.... cần liên hệ ngay với cơ sở y tế ở địa phương để được tư vấn và làm xét nghiệm SARS CoV-2.
Cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng được sẽ tạo thành "lá chắn" phòng dịch chủ động. Do đó, chúng ta cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, ngủ đủ giấc khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày, uống đủ nước, không thức khuya, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên và điều độ... để có một cơ thể khỏe mạnh nhất và tăng cường miễn dịch phòng chống bệnh tật.