Kinh tế

Cách chăm sóc cây dài ngày mùa mưa bão

Trần Thị Thoan 10/09/2024 - 05:29

Nhà nông cần chú trọng nhiều biện pháp để phòng, chống, giúp cây trồng dài ngày khỏi bị ảnh hưởng mưa bão, gây thiệt hại đến mùa màng.

ADQuảng cáo

Thời gian này, ông Lê Đình Tỉnh, thôn 4, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song thường xuyên thăm vườn của mình. Gần 5ha hồ tiêu xen cà phê của gia đình ông đang ở giai đoạn kinh doanh nếu lơ là có thể xuất hiện các yếu tố bất lợi, sâu bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vườn cây.

Ông Tỉnh cho biết, ông chú ý vặt bỏ những chồi vượt cà phê, cắt bỏ những cành nhỏ sát đất để phòng bệnh cho cà phê, hồ tiêu. Ông cắt tỉa cây che bóng, cây chắn gió, tạo tán để tăng ánh sáng cho vườn cây, hạn chế sự xuất hiện của nấm, bệnh gây hại.

dsc_0329.jpg
Ông Lê Đình Tỉnh, thôn 4, xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song thường xuyên bẻ các chồi cà phê vượt vào mùa mưa

Mặc dù có kinh nghiệm chăm sóc cây trồng trong mùa mưa nhưng ông Tỉnh cũng khá lo ngại mùa mưa năm nay diễn ra đi kèm với dông, lốc, mưa lớn dễ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của vườn. Không những ông Tỉnh, mùa mưa bão năm 2024, nhiều diện tích cây trồng của người dân Đắk Nông đã bị ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, đơn vị vừa ban hành văn bản hướng dẫn người dân chủ động các biện pháp ứng phó với mưa bão, các biện pháp khắc phục sau mưa bão cho cây trồng.

Cụ thể, bà con nên cắt tỉa để cây thông thoáng cắt những cành vô hiệu như cành vượt, cành mọc trong tán, cành gần mặt đất, cành bị sâu bệnh; cắt bỏ phần ngọn để hạn chế chiều cao của thân chính nhằm giảm thiểu việc tạo lực cản lớn khi gặp gió mạnh làm cây dễ bị gãy đổ. Nhà nông chằng néo thân cây, các cành lớn theo 3 hướng để hạn chế đổ ngã, nhất là đối với cây sầu riêng, bơ.

dsc_0513.jpg
Người dân nên chú trọng chằng néo cành, quả cây ăn trái mùa mưa

Đối với cây đang mang quả nếu đã đến thời kỳ thu hoạch cần chủ động thu sớm, nếu chưa đến thời kỳ thu hoạch thì neo trái lớn, buộc cành, tỉa bỏ bớt trái trên chùm để tránh va đập gây hư hỏng hoặc rụng trái.

Nếu vườn có hệ thống đê bao và mương tốt thì nên khống chế mực nước trong mương dưới mặt líp dưới 40cm; xẻ mương, rãnh thoát nước để tăng tiêu thoát nước, tránh gây ngập úng cục bộ.

Đối với những vườn đang trong giai đoạn xử lý khô hạn để tạo mầm hoa thì cần sử dụng màng nilon không thấm nước làm mái che trên mặt líp, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của mưa bão đến hiệu quả xử lý ra hoa.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp lưu ý một số biện pháp khắc phục sau khi đã bị ảnh hưởng bởi mưa bão, áp thấp nhiệt đới gây ra. Cụ thể nông dân thực hiện đào rãnh, tập trung bơm hút nước rút nhanh ra khỏi vườn cây.

Những cây bị gãy cành, nghiêng gốc thì cưa cành gãy, vệ sinh đồng ruộng, vườn rẫy gọn gàng. Tại vị trí cưa nên dùng nước vôi hoặc dung dịch thuốc nấm gốc đồng quét vào vết cưa để hạn chế tác hại của nấm xâm nhập vào cành cây gây hại.

dsc_0465.jpg
Nông dân cần đề phòng cây trồng dài ngày gãy đổ do gió, bão

Để phục hồi lại sức khỏe cho cây trồng, nhà nông tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón lá, hạn chế sử dụng phân bón hóa học.

Những vườn xử lý trái vụ đang ra hoa bị ảnh hưởng mưa bão từ nhẹ đến trung bình, chủ vườn tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như NAA, GA3 giảm rụng quả và tăng tỷ lệ đậu quả.

Trường hợp nhà vườn đang xử lý ra hoa, hoặc đang ra hoa, bị ảnh hưởng toàn bộ (cây không thể ra hoa được hoặc hoa bị thối rụng) thì cần cắt bỏ các trục (phát) hoa, tiếp tục chăm sóc, dưỡng cây để chuẩn bị cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp.

Những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển nên phun phân bón lá có chứa Ca, Cu, B, Zn để tránh hiện tượng nứt quả.

Nếu cây bị lỏng gốc, cần dậm chặt đất, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm như Metalaxyl + Mancozeb, Fosetyl alumunium hoặc các chế phẩm Trichoderma đối kháng nấm hại, tưới gốc 2 - 3 lần cách nhau 20 - 25 ngày để phòng trị bệnh thối gốc và rễ cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách chăm sóc cây dài ngày mùa mưa bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO