Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất thể hiện sự tâm huyết, trăn trở từ cơ sở
Sáng 15/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức gặp mặt, đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023.
Các đồng chí: Ngô Thanh Danh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông; Lưu Văn Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Nông; Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chủ trì.
Chương trình còn có sự tham gia của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Sau phần khai mạc, định hướng, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khái quát tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 10 tháng và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2023.
Ban Tổ chức chương trình đã nhận được 77 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị của các xã, phường, thị trấn với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chương trình có 10 đại biểu ý kiến trực tiếp xoay quanh về tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, nông nghiệp, quản lý bảo vệ rừng, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở, an ninh trật tự…
Nhiều vấn đề kiến nghị từ cơ sở ở Đắk Nông được các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành giải đáp trực tiếp, đồng thời ghi nhận, tổng hợp trả lời bằng văn bản.
Phát biểu kết luận và bế mạc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh cho biết, đây là lần đầu tiên, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn.
Phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông Ngô Thanh Danh tại Chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn năm 2023
Các ý kiến, kiến nghị, đề xuất thể hiện sự tâm huyết, băn khoăn, trăn trở, những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Riêng một số ý kiến, kiến nghị chưa được giải đáp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, tiếp thu, sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết thấu đáo. Tỉnh sẽ báo cáo, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết, nghiên cứu, bổ sung, cụ thể bằng cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ, giải pháp vào quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông khẳng định, cấp ủy cơ sở là hạt nhân lãnh đạo chính trị có vai trò quan trọng, quyết định tổ chức thành công mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã có vai trò đặc biệt quan trọng, là những “thủ lĩnh đứng mũi chịu sào” trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mọi hoạt động kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, là cầu nối gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhân dân. Những thành tựu tỉnh đạt được qua nửa nhiệm kỳ 2020 – 2025 và 9 tháng năm 2023 có sự đóng góp rất to lớn và quan trọng của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cấp cơ sở.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Hành động - Phát triển”, cấp ủy cơ sở và người đứng đầu chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tiễn; quyết tâm, quyết liệt thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược để tỉnh Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đạt mục tiêu “trở thành tỉnh trung bình khá vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên”.
“Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu cấp ủy cơ sở, người đứng đầu các xã, phường, thị trấn nêu gương sáng về khát vọng cống hiến, tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, lấy hiệu quả phục vụ, thành công, hạnh phúc của Nhân dân và sự phát triển của địa phương làm mục tiêu phấn đấu”, đồng chí Ngô Thanh Danh nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thanh Danh cũng đã chỉ rõ một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng bộ tỉnh. Về kinh tế cần phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển mạnh mẽ các chương trình khởi nghiệp; thúc đẩy, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp, thành lập hợp tác xã trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Các địa phương tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản - môi trường, quản lý dân cư, chỉnh trang đô thị và trật tự xây dựng.
Về văn hóa – xã hội chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; lấy sự hài lòng, đồng thuận, niềm tin, đời sống tốt hơn của Nhân dân làm thước đo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền địa phương. Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Công tác quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được chú trọng, giữ vững. Trong đó, chú trọng phát hiện sớm, xử lý kịp thời những vụ việc phát sinh, không để hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở...
Liên quan đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của cấp ủy cơ sở để cập nhật, cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Toàn Đảng bộ tỉnh đẩy mạnh hơn nữa xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chi bộ, thôn, buôn, bon, tổ dân phố, ban công tác Mặt trận và các chi, hội đoàn thể được xây dựng vững mạnh, hoạt động hiệu quả, thực sự là cầu nối của cấp ủy, chính quyền với Nhân dân. Toàn Đảng bộ triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Chi bộ bốn tốt”; chú trọng phát triển đảng viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng.
Cấp ủy, chính quyền cơ sở tập trung lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, giản dị, gần gũi với Nhân dân. Đội ngũ cán bộ cấp cơ sở phải thực sự gương mẫu, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, tận tâm, tận tụy với công việc, nắm vững thực tiễn, sâu sát cơ sở, thực hiện tốt phong cách “trọng dân, gần dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân, biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin”.
Ngoài ra, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần lãnh đạo chính quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật; chỉ đạo đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở.