4 trường hợp được rút trước tài khoản bảo hiểm hưu trí
Cụ thể, người được bảo hiểm được quyền yêu cầu rút trước và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm trả một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí trong các trường hợp sau đây:
1- Người được bảo hiểm bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên theo quy định của pháp luật hiện hành.
2- Người được bảo hiểm mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.
3- Người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài.
4- Người được bảo hiểm được rút trước tài khoản hưu trí để thanh toán các khoản vay (trừ các khoản vay tiêu dùng) của cá nhân tại ngân hàng với điều kiện hợp đồng vay phải có hiệu lực ít nhất 24 tháng trước khi được rút tài khoản hưu trí.
Chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí
Khi người được bảo hiểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc mất việc và không còn là thành viên của hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm, người được bảo hiểm có quyền sau đây:
+ Chuyển giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí từ hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí cá nhân với giá trị tương ứng tại cùng doanh nghiệp bảo hiểm; hoặc
+ Chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí của mình sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm của doanh nghiệp mới. Hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới có thể tại cùng doanh nghiệp bảo hiểm hoặc doanh nghiệp bảo hiểm khác, tùy thuộc doanh nghiệp mới.
Đối với trường hợp chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí trong cùng doanh nghiệp bảo hiểm, căn cứ vào văn bản xác nhận đóng phí của bên mua bảo hiểm và văn bản đề nghị chuyển tài khoản của người được bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chuyển tài khoản theo yêu cầu của người được bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép thu phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí.
Đối với trường hợp chuyển sang hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm tại doanh nghiệp bảo hiểm mới, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí, bằng chứng chứng minh người được bảo hiểm không tiếp tục tham gia hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm tại doanh nghiệp cũ và là thành viên của hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới, doanh nghiệp bảo hiểm phải chuyển toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tích luỹ đến thời điểm nhận được yêu cầu chuyển tài khoản sang doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao sau khi trừ đi phí chuyển tài khoản (nếu có).
Giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được chuyển giao sẽ tích luỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm mới.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhận chuyển giao không được phép tính phí ban đầu đối với giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được chuyển giao.
Tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí khi không có khả năng đóng phí bảo hiểm
Nghị định cũng quy định tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí.
Cụ thể, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm có thể thoả thuận về việc tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp không có khả năng đóng phí bảo hiểm.
Trong thời gian tạm thời đóng tài khoản bảo hiểm hưu trí, doanh nghiệp bảo hiểm không được phép tính bất kỳ khoản phí nào cho bên mua bảo hiểm. Giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí được tích luỹ theo tỷ suất đầu tư do doanh nghiệp bảo hiểm công bố hàng năm theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm không có nghĩa vụ chi trả quyền lợi bảo hiểm trong thời gian này, trừ trường hợp chi trả quyền lợi hưu trí định kỳ khi người được bảo hiểm đạt đến độ tuổi nhất định hoặc chi trả toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí tích lũy đến thời điểm người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn.
Bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm khôi phục lại tài khoản bảo hiểm hưu trí và tiếp tục đóng phí bảo hiểm.