"Địa chỉ" khám, chữa bệnh tin cậy
Được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế vào năm 2013, với những nỗ lực không ngừng, đến nay, Trạm y tế xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã thực sự trở thành “địa chỉ” khám, chữa bệnh tin cậy cho người dân trên địa bàn. Hiện tại, trạm có 8 cán bộ y tế với đầy đủ các chuyên môn như bác sĩ, y sĩ đa khoa, dược sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng…
Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế của trạm cũng được đầu tư khá đầy đủ, trong đó có nhiều máy móc hiện đại như máy siêu âm, máy điện tim, bộ khám ngũ quan…Nhờ đó, mỗi năm, số lượt người dân đến khám và điều trị bệnh tại trạm đều tăng đáng kể. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, trạm đã khám, chữa bệnh cho hơn 11.700 lượt người, đạt 151% so với chỉ tiêu.
Công tác y tế dự phòng cũng được trạm hết sức chú trọng, với việc hàng năm, số ca mắc các bệnh truyền nhiễm đều giảm, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sốt xuất huyết, sốt rét, tiêu chảy…Nhiều chương trình mục tiêu y tế quốc gia khác cũng đạt kết quả cao như: tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Cán bộ Trạm y tế xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em trên địa bàn |
Cụ thể, đến nay, tỷ lệ trẻ được tiêm chủng hàng năm của xã đạt 98,5%; tỷ lệ phụ nữ có thai được quản lý thai sản đạt 94%; tỷ lệ phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế đạt 99%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đạt 90%...
Y sĩ Lưu Văn Tuất, Trưởng Trạm y tế xã cho biết: “Việc xây dựng trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia là một trong những động lực quan trọng để trạm phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động. Thực tế cũng cho thấy, từ việc phấn đấu đạt chuẩn, đến nay, chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe tại trạm đã từng bước được nâng cao, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu của người dân”.
Tương tự, tại Trạm y tế xã Đắk Môl (Đắk Song), cùng với quá trình xây dựng chuẩn Quốc gia về y tế xã, chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân trên địa bàn cũng từng bước được cải thiện. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Trạm y tế xã thì đến nay, trạm đã được đầu tư nhiều trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: máy siêu âm, máy điện tim, máy châm cứu, kính hiển vi... Đội ngũ cán bộ y tế cũng thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nhờ đó, người dân trên địa bàn cũng ngày càng tin tưởng vào chất lượng y tế tại địa phương, mỗi khi mắc bệnh, họ đều đến khám và điều trị tại trạm. Trung bình mỗi tháng, trạm tiếp nhận 400-500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh.
Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 52/71 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2004-2010 và 12 trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2011-2020. Hầu hết các trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia đều đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ y tế cả về số lượng và trình độ chuyên môn, góp phần mang lại diện mạo mới cho công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở.
Cán bộ Trạm y tế xã Đắk Sắk (Đắk Mil) hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam |
Phấn đấu mỗi năm có thêm 5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia
Theo Sở Y tế thì hiện nay, công tác xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này hiện đang gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Vì bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020 có nhiều tiêu chí đòi hỏi rất cao so với những tiêu chí trước đây cũng như tình hình thực tế ở địa phương. Mặc dù vậy, ngành vẫn đang nỗ lực không ngừng nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ đúng lộ trình và thời gian quy định, phấn đấu mỗi năm, toàn tỉnh có thêm 5% trạm y tế đạt chuẩn Quốc gia.
Theo đó, ngành đã xây dựng kế hoạch cụ thể từng năm và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn. Cụ thể, về nguồn nhân lực, cùng với việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ y tế dưới nhiều hình thức như: đào tạo tại chỗ, liên thông, liên kết, cử tuyển..., ngành đang tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án 1816 để tranh thủ sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của tuyến trên.
Còn đối với những khó khăn về cơ sở vật chất, cùng với việc tập trung các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, ngành cũng đang đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, chủ động tìm kiếm các nguồn lực, chương trình, dự án để đầu tư, nâng cấp hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các trạm y tế. Đặc biệt, song song với quá trình xây dựng xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, ngành cũng quyết tâm duy trì những tiêu chí, kết quả đã đạt được, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở một cách bền vững.