Các tỉnh, thành phố mới đạt 17,9% dịch vụ công trực tuyến
Việc hoàn thành phổ cập dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố mới đạt 17,9%.
Sáng 31/8, tại TP. Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến chuyên đề Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT.
Cùng chủ trì có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Tại điểm cầu Đắk Nông, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự, chủ trì. Lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, TP. Gia Nghĩa tham dự.
Từ năm 2011 đến nay, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về DVCTT. Trong đó, giai đoạn 1 khởi động khi số lượng DVCTT mức cao được triển khai rất ít trên phạm vi cả nước. Giai đoạn 2 phát triển theo chiều rộng, khi có bước phát triển đột phá về số lượng DVCTT.
Việc triển khai DVCTT đã có thành công nhưng không đồng đều giữa các bộ ngành, địa phương. Nhiều đơn vị đạt kết quả rất thấp, nhất là hồ sơ trực tuyến toàn trình. Một số địa phương đạt tỷ lệ rất cao lên tới 69%, tuy nhiên vẫn còn nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp dưới 5%, trung bình khối địa phương mới chỉ đạt 17,9%.
DVCTT toàn trình mang lại hiệu quả thực sự khi mà người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện đơn giản, thuận tiện toàn bộ quy trình trên môi trường mạng và không phải hiện diện tại cơ quan Nhà nước, thể hiện thông qua tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình.
Để bước vào giai đoạn phát triển theo chiều sâu, cần tập trung vào phổ cập DVCTT toàn trình tới mọi người dân, doanh nghiệp, mục tiêu đặt ra là tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 70%.
Việc hoàn thành phổ cập DVCTT toàn trình, Việt Nam sẽ hoàn thành nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, chuyển sang phát triển Chính phủ số.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát các chỉ tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, xu thế về chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, yêu cầu hàng đầu trong quá trình phát triển. Chuyển đổi là vấn đề liên quan đến toàn cầu, toàn diện, toàn dân. Cách tiếp cận hiện nay là tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng vẫn phải có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện chuyển đổi số vẫn còn những tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, công tác lãnh đạo, điều hành, tư duy nhận thức có nơi, có lúc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, nhất là ở các vùng sâu vùng xa. Hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng, vẫn còn hơn 80% hồ sơ DVCTT chưa được xử lý toàn trình...
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số vẫn đối mặt với những thách thức. Thủ tướng yêu cầu nhìn thẳng, nhìn thật vào tư duy nhận thức, hoạt động lãnh đạo điều hành, thể chế để tháo gỡ…