Các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk phối hợp quản lý, bảo vệ rừng

Đinh Sỹ Tạo| 20/06/2024 16:08

Chiều 20/6, tại TP PleiKu tỉnh Gia Lai, UBND Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết quy chế phối hợp công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa bốn tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Đăk Lắc từ năm 2016 đến nay và thống nhất ký kết quy chế quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh năm 2024. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phát biểu khai mạc hội nghị
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, phát biểu khai mạc hội nghị

Dự Hội nghị đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Đăk Lăk, đại diện Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã; các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Đắk Lắk .

Vùng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk có chiều dài 418km, diện tích vùng giáp ranh rộng, trải dài với 10 huyện thuộc tỉnh Gia Lai và 4 huyện của tỉnh Bình Định, 3 huyện của tỉnh Phú Yên, 4 huyện của tỉnh Đắk Lắk.

Vùng giáp ranh rừng giữa bốn tỉnh được xác định là nơi lưu giữ hệ động thực vật phong phú, có tính đa dạng sinh học cao, hệ thực vật và động vật rất phong phú, đa dạng, nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm.

Đặc biệt, tại đây có Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng nằm ở huyện Kbang, huyện Mang Yang thuộc tỉnh Gia Lai và các Khu Bảo tồn thiên nhiên: Kon Chư Răng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai; An Toàn, huyện An Lão, tỉnh Bình Định; Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, có diện tích rừng rộng, địa hình hiểm trở, điều kiện về cơ sở vật chất, thông tin liên lạc phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều hạn chế do vùng giáp ranh nhiều nơi không có điện lưới, sóng điện thoại di động, không đường đi lại, nằm xa trung tâm hành chính các địa phương nên không có sự phối kết hợp tốt của chính quyền địa phương, các đơn vị chủ rừng vùng giáp ranh, do vậy rất khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Mặt khác, dân cư vùng giáp ranh ngoài dân tộc Kinh còn tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (Jrai, Bana, Ê-đê, Chăm) và đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh phía bắc, đời sống của một bộ phận người dân còn phụ thuộc vào rừng, là những trở ngại trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk phối hợp quản lý, bảo vệ rừng ảnh 1

Hơn 150 đại biểu lực lượng kiểm lâm, các lực lượng phối hợp và chính quyền địa phương vùng giáp ranh dự hội nghị.

Để quản lý, bảo vệ tốt tài nguyên rừng vùng giáp ranh giữa các tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai đã phối hợp với UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk ký kết 3 Quy chế phối hợp trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản tại vùng giáp ranh đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, UBND cấp huyện, các đơn vị chủ rừng xây dựng và ký Quy chế, Kế hoạch phối hợp trong công tác kiểm tra, truy quét ngăn chặn các hành vi phá rừng, khai thác, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái pháp luật; chủ động lực lượng thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương tổ chức chốt chặn các khu vực trọng điểm; phân công đội ngũ bảo vệ rừng tham mưu cho chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp.

Ở phạm vi cấp huyện, các Hạt Kiểm lâm tham mưu UBND các huyện triển khai ký kết Quy chế phối hợp vùng giáp ranh giữa các huyện, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng và UBND các xã vùng giáp ranh phối hợp trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó, các Hạt Kiểm lâm vùng giáp ranh 2 tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng; việc triển khai thực hiện bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể, các hành vi xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh từng bước được kiểm soát và ngăn chặn. Cấp xã: Kiểm lâm làm việc tại địa bàn tham mưu chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, làng về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức tuần tra, truy quét, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn các xã giáp ranh.

Từ khi ký các Quy chế phối hợp đến nay, lực lượng Kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành chức năng, các đơn vị chủ rừng đã tổ chức được 861 đợt tuyên truyền với hơn 31.477 lượt người tham gia, ký cam kết bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng được 191 hộ dân tại các xã giáp ranh với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk.

Căn cứ nội dung Quy chế phối hợp đã ký, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin cho nhau về tình hình quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh, các địa điểm thường xảy ra cháy rừng, phá rừng, lấn, chiếm rừng, khai thác, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật bằng nhiều hình thức như thư điện tử, văn bản, mạng di động… để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống hiệu quả. Trường hợp cần thiết, các cơ quan, đơn vị, địa phương thống nhất tổ chức họp, trao đổi thông tin, thống nhất đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ việc mới có dấu hiệu vi phạm.

Sau các đợt tuần tra, kiểm tra rừng, các đơn vị thông tin cho nhau về kết quả kiểm tra rừng, địa điểm thường xảy ra các vụ việc xâm hại rừng, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm để theo dõi, phát hiện kịp thời có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, hạn chế vụ việc vi phạm

Mặc dù đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về lâm nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau nhưng do đời sống của đa số người dân ở vùng giáp ranh gắn liền với rừng, trình độ dân trí và nguồn thu nhập về kinh tế còn thấp, nhu cầu sử dụng gỗ ngày càng tăng; do đó, một bộ phận người dân vẫn lén lút phá rừng, khai thác; mua, bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái pháp luật với tính chất và hình thức nhỏ lẻ khó phát hiện.

Tình hình vi phạm về Luật Lâm nghiệp ở các khu vực rừng giáp ranh giữa tỉnh Gia Lai và các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk từ năm 2017 đến nay đã được hạn chế nhưng vẫn còn xảy ra chưa được ngăn chặn triệt để. Số vụ việc vi phạm xảy ra tại vùng giáp ranh còn nhiều (565 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, trong đó: xử lý hình sự 37 vụ, xử lý hành chính 528 vụ. Đặc biệt, tại vùng giáp ranh của tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk xảy ra 474 vụ, chiếm 83.89 % tổng số vụ).

Việc phối hợp điều tra, xử lý các đối tượng vi phạm tại vùng giáp ranh gặp nhiều khó khăn, các đối tượng vi phạm thường ở ngoài tỉnh, đến cư trú trái phép, móc nối, cấu kết các đối tượng tại địa phương để thực hiện các hành vi xâm hại đến rừng, khi bị phát hiện hành vi vi phạm thường bỏ trốn, gây khó khăn trong việc truy tìm, điều tra, xác minh đối tượng để xử lý....

Tại hội nghị các địa phương và đơn vị giáp ranh giữa 4 tỉnh đã có nhiều báo cáo tham luận đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quy chế phối hợp nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý bảo vệ rừng vùng giáp ranh, đồng thời thống nhất ký kết Quy chế phối hợp mới trên cơ sở làm rõ, quy định cụ thể hơn các nội dung trong phối hợp: hình thức, phương thức phối hợp, trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan trong tổ chức thực hiện phối hợp.

Quy định rõ Chế độ thông tin, báo cáo, sơ kết, tổng kết để kịp thời báo cáo UBND các tỉnh về tình hình thực hiện Quy chế phối hợp, đánh giá kết quả thực hiện Quy chế và đề ra phương hướng thực hiện trong thời gian đến; kịp thời tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chế cho phù hợp với tình hình thực tế công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/cac-tinh-gia-lai-binh-dinh-phu-yen-dak-lak-phoi-hop-quan-ly-bao-ve-rung-post815324.html
Copy Link
https://nhandan.vn/cac-tinh-gia-lai-binh-dinh-phu-yen-dak-lak-phoi-hop-quan-ly-bao-ve-rung-post815324.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các tỉnh Gia Lai, Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk phối hợp quản lý, bảo vệ rừng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO