Người dân sơ tán tránh xung đột tại thủ đô Khartoum (Sudan) ngày 24/4/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Anh bắt đầu sơ tán công dân
Theo AFP, ngày 25/4, Anh cho biết nước này đã tiến hành các chuyến bay sơ tán công dân bị mắc kẹt ở Sudan, nơi giao tranh trong các đô thị kéo dài 10 ngày qua đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Anh có đoạn: "Các chuyến bay quân sự của Anh dự kiến sẽ khởi hành từ một sân bay bên ngoài Khartoum. Các chuyến bay này phục vụ những người có hộ chiếu Anh và ưu tiên sẽ được dành cho các gia đình có trẻ em và/hoặc người già hay cá nhân cần chăm sóc y tế."
Tuyên bố lưu ý: "Công dân Anh không nên đến sân bay trừ phi được thông báo. Tình hình vẫn không ổn định và khả năng tiến hành sơ tán của chúng tôi có thể thay đổi trong thời gian ngắn."
Hôm 23/4, Anh đã tiến hành chiến dịch sơ tán các nhà ngoại giao nước này, trong bối cảnh giao tranh đẫm máu nổ ra ở Khartoum.
Giới chức Anh cho biết khoảng 4.000 người Anh mang hai quốc tịch và 400 người chỉ có hộ chiếu Anh đang ở Sudan, trong khi có 2.000 người đã đăng ký với chính quyền Anh, tìm kiếm sự giúp đỡ để rời khỏi quốc gia Bắc Phi này.
Trung Quốc thông báo "sơ tán an toàn"
Theo Reuters, ngày 25/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo hầu hết công dân nước này ở Sudan đã được sơ tán an toàn theo nhóm đến các cửa khẩu biên giới của các nước láng giềng.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ trên, bà Mao Ninh, cho hay đến nay họ chưa nhận được bất kỳ báo cáo thương vong nào liên quan đến công dân Trung Quốc ở Sudan.
Italy sơ tán gần 100 người về Rome
Trước đó, ngày 24/4, hai máy bay quân sự của Italy đã sơ tán 96 người ra khỏi Sudan, khi các quốc gia phương Tây, Arab và châu Á vội vã đưa công dân của họ rời khỏi quốc gia châu Phi đang chìm trong bạo lực này.
Hai máy bay quân sự chở 83 người quốc tịch Italy và 13 người có quốc tịch khác nhau đã hạ cánh tại thủ đô Rome. Phát biểu sau khi đón những người được sơ tán, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani nhấn mạnh: "Đó không phải là một hoạt động (cứu hộ) dễ dàng, tuy nhiên đã có kết quả xuất sắc".
Ông nói thêm rằng tất cả các công dân Italy yêu cầu được rời khỏi Sudan đều được đưa đến nơi an toàn. Một số người Italy - các nhân viên tổ chức phi chính phủ và nhà truyền giáo - đã quyết định ở lại Sudan, trong khi 19 người khác đã được đưa đến Ai Cập hai ngày trước.
Cuộc xung đột giữa quân đội và nhóm bán quân sự Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ở Sudan từ ngày 15/4 đã làm ít nhất 427 người thiệt mạng, bệnh viện và các dịch vụ khác bị gián đoạn và các khu dân cư biến thành khu vực chiến tranh. Sudan bất ngờ rơi vào xung đột khiến hàng nghìn người nước ngoài, bao gồm cả các nhà ngoại giao và nhân viên cứu trợ, bị mắc kẹt.
Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nêu rõ sau 48 giờ đàm phán căng thẳng, Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã nhất trí thực hiện ngừng bắn trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm 24/4 (giờ địa phương). Ông Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh ngừng bắn này./.