Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch Hạ viện Indonesia, Chủ tịch AIPA 2023 Puan Maharani cùng đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Các nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam, đang tích cực thực hiện 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN nhằm ổn định an ninh và giải quyết các thách thức trong khu vực.
Đây là nhận định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi, trường Đại học Malaya của Malaysia khi trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur nhân kỷ niệm 56 năm thành lập ASEAN (8/8/1967-8/8/2023).
Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi nhấn mạnh tới một số thành tựu cụ thể trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thứ nhất, đó là nguyên tắc hợp tác.
ASEAN đặt ra các cơ chế đối thoại, nơi các nước thành viên có thể bày tỏ quan điểm trong một thế giới ngày càng hội nhập. Các cơ chế bao gồm Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM)...
Những diễn đàn, hội thảo giữa lãnh đạo các nước trong tương lai sẽ giúp ASEAN gắn kết, hòa bình, ổn định với trách nhiệm chung về an ninh toàn diện. Trụ cột này hướng tới mục tiêu ASEAN là một khu vực năng động.
Thứ hai, đó là giải quyết và ngăn chặn xung đột. ASEAN đang đóng vai trò tích cực, chủ động và linh hoạt trong việc ngăn ngừa xung đột trong khu vực như vấn đề Biển Đông, thông qua Tuyên bố về Cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đang tiến hành đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).
Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, vốn được thiết lập nhằm tạo ra một thị trường đồng nhất với sản phẩm tốt nhất, thủ tục xuất nhập khẩu thuận lợi và tiêu chuẩn lao động có kỹ năng trong phạm vi ASEAN, Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi nêu bật thành tựu về tự do hóa thương mại.
ASEAN đã xây dựng bộ nguyên tắc ứng xử giữa các nước nhằm bảo đảm quyền lợi từ xuất nhập khẩu hàng hóa cho tới các loại dịch vụ quốc tế trong ASEAN. Tiếp đến là thuận lợi hóa thủ tục đầu tư.
Các nước ASEAN có yêu cầu khác nhau đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và nhập khẩu, việc xây dựng trụ cột kinh tế giúp đơn giản hóa những yêu cầu này và làm gia tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của từng quốc gia. Trụ cột này cũng thúc đẩy quan hệ đối tác đầu tư giữa các doanh nghiệp lớn trong ASEAN.
Cuối cùng là các thành tựu trong Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN được tạo ra làm cầu nối văn hóa giữa các nước trong khu vực.
Về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, ASEAN đang thực thi sáng kiến trao đổi hợp tác giáo dục nội khối, bao gồm trao đổi sinh viên, nhằm đảm bảo nguồn nhân lực cũng như chất lượng giáo dục đào tạo của các nước.
Về trao đổi và bảo tồn văn hóa, mục tiêu này đang được thực thi thông qua các lễ hội và sự kiện văn hóa nhằm nâng cao hiểu biết và đa dạng hóa văn hóa trong xu hướng hội nhập, nhưng vẫn bảo tồn được những nét văn hóa riêng của các nước thành viên.
Theo Tiến sỹ Awang Azman Bin Awang Pawi, trụ cột này giúp giới thiệu, bảo tồn những thành tựu về văn hóa, kinh tế của mỗi quốc gia trong khu vực, giới thiệu với người dân các nước thành viên về lịch sử cũng như mang đến những cơ hội giao lưu như trao đổi, giao lưu văn hóa giữa các trường đại học, cơ hội việc làm, chương trình nghiên cứu chuyên sâu nhằm đa dạng hóa sự phát triển nguồn nhân lực trẻ.
Ông nhấn mạnh ba trụ cột sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển và hợp tác, nhưng đồng thời đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho mỗi quốc gia.
Điều quan trọng là các quốc gia ASEAN vẫn sẽ luôn tôn trọng và đồng hành cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa giúp đỡ lẫn nhau nhằm hướng tới một khối thịnh vượng chung và tăng cường vị thế của ASEAN trên trường quốc tế./.