Các nước kém phát triển kêu gọi cải cách chương trình phân bổ viện trợ

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)| 07/03/2023 15:06

Lãnh đạo các nước kém phát triển kêu gọi sửa đổi các quy định phân bổ hàng tỷ USD tiền viện trợ và cho vay, trong bối cảnh đối mặt với gánh nặng nợ nần, hàng loạt cuộc khủng hoảng diễn ra chồng chéo.

Cac nuoc kem phat trien keu goi cai cach chuong trinh phan bo vien tro hinh anh 1Tổng thống Timor Leste Jose Ramos Horta. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về các nước kém phát triển (LDC), diễn ra tại Doha, Qatar, từ ngày 5-9/3, lãnh đạo các nước kém phát triển đã kêu gọi việc sửa đổi các quy định phân bổ hàng tỷ USD tiền viện trợ và cho vay, trong bối cảnh đối mặt với gánh nặng nợ nần và hàng loạt cuộc khủng hoảng diễn ra chồng chéo.

Các nước kém phát triển cho biết biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 bùng phát, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt do xung đột Nga-Ukraine và những khoản nợ ngày càng lớn đang cản trở các nước này trong quá trình phục hồi và phát triển.

Tổng thống Timor Leste Jose Ramos-Horta cho rằng các chương trình viện trợ chưa được triển khai phù hợp cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến thất bại trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế của các nước kém phát triển.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nước phương Tây đã cấp tài trợ chính thức cho các nước kém phát triển hoặc cho vay với lãi suất thấp, tổng số tiền khoảng 185 tỷ USD trong năm 2021. Các khoản viện trợ chính thức cho mục tiêu phát triển này là một trong những trụ cột của hệ thống tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh hệ thống tài chính toàn cầu hiện nay chưa phục vụ lợi ích tập thể; trong đó các nước nghèo chịu ảnh hưởng do không có dự trữ ngoại hối mà lãi suất cho vay lại cao.

[LHQ kêu gọi tăng cường hỗ trợ các quốc gia kém phát triển nhất]

Đại dịch COVID-19 cũng là thách thức lớn, đặc biệt với các nước kém phát triển khi được phân bổ ít vaccine hơn, sau đó phải vay với lãi suất thấp để chi trả cho các biện pháp khẩn cấp chống dịch.

Trước thềm hội nghị, Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), ông Achim Steiner đã kêu gọi gia tăng các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ 52 nước đang đối mặt khủng hoảng nợ, thậm chí đứng trước nguy cơ vỡ nợ, giảm bớt gánh nặng này.

Chia sẻ quan điểm trên, Phó Thủ tướng Lesotho Nthomeng Majara đã kêu gọi các chủ nợ giãn nợ "khẩn cấp" hoặc xóa nợ cho các nước đang đối mặt khủng hoảng.

Trong khi đó, Tổng thống Seychelles Wavel Ramkalawan cho rằng đã đến lúc các tổ chức tài chính quốc tế cần đa dạng hóa các thước đo đánh giá sự phát triển của một đất nước, thay vì chỉ dựa trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) như hiện nay.

Tổng thống Ramkalawan cho rằng thước đo này chưa chắc đã phù hợp với mọi quốc gia.

Cac nuoc kem phat trien keu goi cai cach chuong trinh phan bo vien tro hinh anh 2Tổng thống Seychelles Wavel Ramkalawan. (Nguồn: jpost.com)

Những lời kêu gọi tại hội nghị càng làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), vốn đã đối mặt nhiều tranh cãi khi áp đặt các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" đối với những nước kém phát triển cần vay vốn.

Trung Quốc hiện là nước chủ nợ lớn nhất nhưng gần đây đã cho thấy sẵn sàng hợp tác với IMF và các tổ chức khác để tái cơ cấu các khoản nợ hoặc giảm bớt nợ.

Các tổ chức phi chính phủ cũng tiến hành thảo luận bên lề hội nghị, nhằm tìm ra giải pháp đối với vấn đề nợ toàn cầu. Một số ý kiến cho rằng một thỏa thuận tương tự như công ước khí hậu có thể là giải pháp; trong đó các nước giàu sẽ buộc phải có trách nhiệm hơn đối với hệ thống kinh tế không bền vững hiện nay.

Tại một hội nghị về khí hậu diễn ra năm 2009, các nền kinh tế lớn đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm (tới năm 2020) cho những quốc gia đang phát triển để bù đắp cho những tác động xuất phát từ tình trạng ấm lên của Trái Đất, song đến nay mục tiêu này vẫn chưa được thực hiện.

Hôm 4/3, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết nợ nước ngoài của các nước nghèo đã tăng rất mạnh trong thập kỷ qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, giá lương thực và nhiên liệu tăng vọt, cũng như khủng hoảng tài chính.

Một số nước đã rơi vào tình trạng vỡ nợ trong 2 năm qua; trong đó, một số nước châu Phi như Nigeria, Mali và Burkina Faso đã mất tới 20 năm phát triển.

Các nước này bị cuốn vào vòng xoáy của bạo lực chính trị gia tăng, thiếu các dịch vụ cơ bản, điều kiện an ninh, y tế và giáo dục không được đảm bảo./.

Hoàng Châu (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-kem-phat-trien-keu-goi-cai-cach-chuong-trinh-phan-bo-vien-tro/849780.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/cac-nuoc-kem-phat-trien-keu-goi-cai-cach-chuong-trinh-phan-bo-vien-tro/849780.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các nước kém phát triển kêu gọi cải cách chương trình phân bổ viện trợ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO