Ngày 1/5, Ngoại trưởng các nước Arab đã gặp nhau để thảo luận về giải pháp chính trị cho các cuộc khủng hoảng nhân đạo, an ninh và chính trị ở Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 5/5, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Gamal Roshdy cho biết các ngoại trưởng Arab sẽ nhóm họp tại trụ sở AL ở thủ đô Cairo vào ngày 7/5 để thảo luận vấn đề Syria, trong bối cảnh khu vực Arab đang tiến tới bình thường hóa quan hệ với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau một thập niên bất hòa.
Người phát ngôn Roshdy cho biết thêm cũng trong ngày 7/5 ngoại trưởng các quốc gia Arab sẽ tổ chức cuộc họp riêng để tìm cách giải quyết cuộc xung đột tại Sudan.
Syria bị AL đình chỉ tư cách thành viên của khối năm 2011 sau khi xung đột bùng phát tại nước này.
Mới đây, một số quốc gia Arab, trong đó có Saudi Arabia và Ai Cập, đã tiếp xúc trở lại với Syria qua các chuyến thăm và cuộc gặp cấp cao, mặc dù một số nước vẫn phản đối việc bình thường hóa hoàn toàn nếu không có giải pháp chính trị nào cho cuộc xung đột ở Syria.
Các quốc gia Arab đang cố gắng để đạt được đồng thuận về việc mời Tổng thống Syria al-Assad tham dự Hội nghị thượng đỉnh AL dự kiến diễn ra vào ngày 19/5 tới tại thành phố Riyadh của Saudi Arabia để thảo luận tiến trình bình thường hóa quan hệ và những điều khoản mà theo đó Syria có thể được trở lại AL.
Saudi Arabia trước đây phản đối việc khôi phục quan hệ với chính quyền của Tổng thống al-Assad.
Tuy nhiên, sau khi nối lại quan hệ gần đây với Iran - đồng minh khu vực quan trọng của Syria, Saudi Arabia cho rằng thế giới Arab cần có một cách tiếp cận mới đối với Damascus.
Liên quan vấn đề trên, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi ngày 5/5 cho rằng Syria sẽ có thể sớm trở lại AL, song còn nhiều thách thức phía trước trong việc giải quyết cuộc xung đột tại nước này.
Phát biểu với hãng tin CNN, Ngoại trưởng Safadi cho biết Syria đã có được đủ phiếu ủng hộ trong AL gồm 22 quốc gia thành viên để có thể trở lại liên đoàn này.
Ông nhấn mạnh về mặt biểu tượng, điều này khá quan trọng, nhưng đó chỉ là một khởi đầu rất khiêm tốn của một tiến trình rất dài, khó khăn và đầy thử thách, do tính chất phức tạp của cuộc khủng hoảng sau 12 năm xung đột.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Jordan, sự sẵn sàng của Syria nhằm đạt tiến bộ thực chất trong việc giải quyết cuộc xung đột trên sẽ giúp nước này nhận được sự hỗ trợ quan trọng của các nước Arab vận động chấm dứt các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Damascus - vốn là trở ngại lớn đối với nỗ lực tái thiết đất nước./.