Dòng chảy thông tin

Các nghi thức về tổ chức tang lễ và bầu Giáo hoàng mới

Bích Liên 22/04/2025 08:21

Giáo hội Công giáo sẽ khởi động giai đoạn “Sede Vacante" (Vacant See), trong đó một hồng y cấp cao sẽ tiếp quản các công việc hằng ngày cho đến khi Giáo hoàng mới được bầu.

giao-hoang-3-resize.jpg.jpg
Giáo hoàng Francis. Ảnh: IRNA/TTXVN

Ngày 21/4, sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ khởi động giai đoạn “Sede Vacante" (Vacant See), trong đó một hồng y cấp cao sẽ tiếp quản các công việc hằng ngày cho đến khi Giáo hoàng mới được bầu.

Cụ thể trong trường hợp này, Hồng y người Mỹ gốc Ireland, ông Kevin Farrell, đã được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm vào vai trò này tháng 2/2019.

Theo truyền thống, vai trò chính của Hồng y Farrell là chứng nhận cái chết, được thực hiện bằng cách dùng một chiếc búa bạc đặc biệt gõ vào trán Giáo hoàng 3 lần bằng và gọi tên khai sinh của ông.

Hồng y cũng được giao nhiệm vụ phá hủy "Chiếc nhẫn của ngư dân," chiếc nhẫn có dấu ấn bằng vàng được đúc riêng cho mỗi Giáo hoàng mới, vốn được sử dụng để niêm phong tài liệu. Hành động này tượng trưng cho sự kết thúc của một triều đại Giáo hoàng.

Các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới sẽ tổ chức một loạt các cuộc họp được gọi là "đại hội đồng" và quyết định ngày chôn cất, cũng như việc tổ chức "novemdiales," tức 9 ngày để tang. Ngày chôn cất phải diễn ra giữa ngày thứ Tư và ngày thứ Sáu sau khi Giáo hoàng mất.

Các Giáo hoàng tiền nhiệm đã được chôn cất tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican, nhưng Giáo hoàng Francis đã yêu cầu được chôn cất tại Vương cung thánh đường Santa Maria Maggiore ở Rome.

Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt bên trong một chiếc quan tài duy nhất bằng gỗ và kẽm, một lần nữa phá vỡ truyền thống.

Các Giáo hoàng trước đều được chôn cất trong 3 chiếc quan tài bằng gỗ bách, chì và cây du.

Theo nhà chức trách Tòa thánh Vatican, sự thay đổi trong nghi lễ tang lễ phản ánh việc Giáo hoàng Francis khi sinh thời luôn cho rằng vai trò của Giáo hoàng là "một mục tử và môn đồ của Chúa Kitô, chứ không phải của một người đàn ông quyền lực của thế giới này."

Bên cạnh đó, quan tài mở của Giáo hoàng Francis sẽ được đặt tại Vương cung thánh đường Thánh Peter, thay vì trên một bệ cao, được chống đỡ bằng đệm theo truyền thống.

Các giáo đoàn sẽ ấn định ngày bắt đầu mật nghị không ít hơn 15 ngày và không quá 20 ngày sau khi Giáo hoàng qua đời.

Đây là cuộc họp kín, trong đó các Hồng y dưới 80 tuổi sẽ chọn Giáo hoàng tiếp theo trong số những người ngang hàng họ. Hiện tại có 135 Hồng y có quyền bỏ phiếu, trong đó có 108 người được Giáo hoàng Francis bổ nhiệm. Trong số này, 53 người đến từ châu Âu, 20 người đến từ Bắc Mỹ, 18 người đến từ châu Phi, 23 người đến từ châu Á, 4 người đến từ châu Đại Dương và 17 người đến từ Nam Mỹ.

Các Hồng y phải ở lại Nhà nguyện Sistine cho đến khi tìm được một Giáo hoàng mới và giữ bí mật tuyệt đối trong quá trình bỏ phiếu.

Sau khi được bầu, tân Giáo hoàng sẽ được dẫn vào một phòng thánh nhỏ gần Nhà nguyện Sistine được gọi là "sala delle lacrime," hay Phòng Nước mắt. Sau đó, tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên lô gia của Vương cung thánh đường Thánh Peter.

Hồng y cao cấp Renato Raffaele Martino sẽ tuyên bố “Chúng ta có một Giáo hoàng!” bằng cách đọc câu nói nổi tiếng bằng tiếng Latin: "Habemus Papam!".

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/cac-nghi-thuc-ve-to-chuc-tang-le-va-bau-giao-hoang-moi-post1034149.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/cac-nghi-thuc-ve-to-chuc-tang-le-va-bau-giao-hoang-moi-post1034149.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các nghi thức về tổ chức tang lễ và bầu Giáo hoàng mới
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO