Biểu tượng của mạng xã hội TikTok. (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 14/6, một nhóm gồm 6 Thượng nghị sỹ và 2 Hạ nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa của Mỹ đã đưa ra dự luật nhằm bảo vệ dữ liệu của người dùng nước này.
Đây là dự luật mới nhất trong một loạt đề xuất nhằm đối phó với các quan ngại liên quan đến dữ liệu của người dùng Mỹ khi sử dụng các ứng dụng mạng xã hội của nước ngoài, trong đó có TikTok.
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden, thuộc đảng Dân chủ, cho biết dự luật sẽ ngăn chặn hành vi thu thập, đánh cắp và gửi các dữ liệu cá nhân của người dân Mỹ cho các công ty nước ngoài.
Dự luật này yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ phân loại các dữ liệu cá nhân có thể gây hại cho an ninh quốc gia nước này cũng như đưa ra danh sách các nước có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, dự luật cũng sẽ điều chỉnh việc cung cấp trực tiếp dữ liệu cá nhân của các công ty môi giới dữ liệu và các công ty như TikTok cho các chính phủ nước ngoài trong danh sách hạn chế.
Nhiều nghị sỹ Mỹ cho rằng ứng dụng TikTok của Trung Quốc đã gây ra nguy cơ về bảo mật nghiêm trọng đối với dữ liệu của người dùng. Tại Mỹ, có 150 triệu người dùng đang sử dụng TikTok.
Về phần mình, TikTok phủ nhận mọi hành vi cáo buộc sử dụng dữ liệu không phù hợp và cho biết công ty đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các biện pháp bảo mật dữ liệu.
Công ty cũng đang tiến hành việc cắt quyền truy cập dữ liệu người dùng ở Mỹ với tất cả các nhân viên của công ty, đảm bảo chỉ có người có thẩm quyền mới có thể truy cập.
Trước đây, Chính phủ Mỹ cũng đã có nhiều động thái nhằm hạn chế những rủi ro có thể xảy ra liên quan đến ứng dụng này.
Ngày 1/3, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu và thông qua dự luật, trao cho Tổng thống Joe Biden quyền cấm TikTok, song đến nay dự luật vẫn chưa được triển khai.
Ngày 17/5, Thống đốc bang Montana Greg Gianforte cũng đã ký luật cấm TikTok trên khắp lãnh thổ bang, trở thành bang điều tiên tại Mỹ cấm nền tảng chia sẻ video ngắn phổ biến này.
Montana sẽ quy định việc các cửa hàng ứng dụng của Google và Apple cung cấp ứng dụng TikTok trong biên giới bang này là bất hợp pháp. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 1/1/2024. Montana cho biết TikTok có thể bị phạt cho mỗi lần vi phạm và phạt thêm 10.000 USD mỗi ngày nếu vi phạm lệnh cấm.
Ngoài ra, Apple và Google cũng có thể bị phạt 10.000 USD mỗi lần vi phạm mỗi ngày nếu của hàng ứng dụng trực tuyến của họ vi phạm lệnh cấm.
Sau thông tin trên, TikTok - ứng dụng thuộc sở hữu của công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance - đã ra thông báo cho biết dự luật "vi phạm quyền của Tu chính án thứ nhất của người dân Montana bằng cách cấm TikTok một cách bất hợp pháp." Đồng thời, TikTok khẳng định "sẽ bảo vệ quyền của người dùng bên trong và bên ngoài Montana”./.