Mẹo vặt

Các ngành học kiếm "triệu view" trên mạng xã hội 2024

Trung Kiên 29/07/2024 20:38

Các ngành học kiếm "triệu view" được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi, với nhiều điểm đáng lưu ý về thu nhập, nguyên tắc mà sinh viên nên biết để có thể đi lâu dài với nghề.

Các ngành học kiếm "triệu view" trên mạng xã hội 2024

ngành học kiếm triệu view
Các ngành học kiếm "triệu view" trên mạng xã hội 2024

Truyền thông đa phương tiện được đánh giá là ngành học xuất phát điểm của các nhà sáng tạo nội dung "triệu view" trên nền tảng số.

Khi theo học ngành này, bạn sẽ được đào tạo bài bản về kỹ năng viết, khả năng sử dụng phần mềm đồ họa, sản xuất và phát triển những ấn phẩm truyền thông mang bản sắc cá nhân.

Đồng thời, sinh viên ngành truyền thông đa phương tiện còn được trau dồi thêm một số kỹ năng cứng như: quay dựng video, sản xuất ảnh, thu âm podcast. Đây đều là những kỹ năng cần phải có của một nhà sáng tạo nội dung.

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường lao động TPHCM, từ 2015 đến năm 2025, mỗi năm sẽ cần đến 21.600 người trong nhóm ngành Truyền thông - quảng cáo. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đăng ký ngành mỗi năm chỉ khoảng 5.000-6.000 thí sinh/năm.

Điều này cho thấy, ngành công nghệ đa phương tiện trong tình trạng "khan hiếm" nhân lực và sinh viên sau khi tốt nghiệp luôn được các doanh nghiệp chào đón; người phát triển sản phẩm đa phương tiện cần có hiểu biết tốt về nền tảng công nghệ, cũng như các kỹ năng thiết kế cần thiết.

Hiện, nhiều trường đào tạo ngành này như: Học viện Báo chí & Tuyên truyền; Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; Trường Đại học Duy Tân; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM và ĐHQG Hà Nội), Trường Đại học Công nghệ TPHCM, Trường Đại học FPT...

Chẳng hạn ngành công nghệ đa phương tiện của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có hai chuyên ngành: Phát triển ứng dụng đa phương tiện và Thiết kế đa phương tiện. Các ngành này không xét tuyển theo chuyên ngành, khi vào trường, sinh viên tự chọn chuyên ngành.

Ở chuyên ngành thiết kế đa phương tiện, sinh viên sẽ vận dụng các kiến thức về thiết kế tương tác và nghệ thuật hình ảnh đối với các loại hình dữ liệu đồ họa 2D và 3D trong việc thiết kế các sản phẩm nội dung số.

Ở chuyên ngành phát triển ứng dụng đa phương tiện, sinh viên có thể tổng hợp được các kiến thức chuyên sâu để phân tích, thiết kế, phát triển và kiểm thử để phát triển các phần mềm ứng dụng đa phương tiện tương tác như Web, Game, tạo kỹ xảo âm thanh và hình ảnh trong các lĩnh vực điện ảnh, truyền hình…

Ngành công nghệ đa phương tiện của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội năm nay lấy 50 chỉ tiêu, với các khối ngành A00, A01. Những năm trước, điểm chuẩn ngành này lần lượt là: Năm 2022 là 24,75; 2023 khoảng 24,63.

Theo đại diện nhà trường, trong 2 năm học đầu tiên, ngành học cung cấp các nền tảng kiến thức cơ bản như mỹ thuật cơ bản, xử lý dữ liệu đa phương tiện, tư duy thiết kế và ngôn ngữ lập trình.

Trong những năm tiếp theo, sinh viên sẽ tiếp tục phát triển kiến thức chuyên sâu về công nghệ đa phương tiện và truyền thông.

Ngành học sẽ trang bị cho sinh viên những kỹ năng và kiến thức không chỉ để phát triển và tạo ra những thiết kế đồ họa bắt mắt và hấp dẫn mà còn để đưa ra các giải pháp kỹ thuật cho việc sản xuất các sản phẩm phục vụ trong các lĩnh vực khác nhau và cung cấp nội dung trên các nền tảng khác nhau.

Ngành truyền thông đa phương tiện của Trường ĐHKHXH&VN (ĐHQG TPHCM) năm nay dự kiến tuyển sinh 70 chỉ tiêu với các khối/tổ hợp xét tuyển: D01 toán - ngữ văn - tiếng Anh, D14 ngữ văn - lịch sử - tiếng Anh, D15 ngữ văn - địa lý - tiếng Anh.

Năm 2023, điểm chuẩn các ngành này lần lượt là: Tổ hợp xét tuyển D01 là 27.20; D14, D15 - 27.25. Điểm đánh giá năng lực ĐHQG TPHCM: 910.

Cử nhân truyền thông đa phương tiện ở đây có thể làm việc trong các công ty truyền thông chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí, các công ty tổ chức sự kiện, các kênh truyền hình...

Trong khi đó, Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) mới tuyển sinh ngành điện ảnh và nghệ thuật đại chúng. Ngoài việc trang bị các kỹ năng biên kịch điện ảnh, truyền hình, sân khấu…, người học có thể sáng tạo nội dung số.

Ngoài ra, quan hệ công chúng cũng được nhiều người lựa chọn với mức điểm chuẩn đầu vào cao.

Một số trường tuyển sinh ngành này gồm: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM…

Ngoài việc sản xuất ra những clip triệu view, nền tảng của ngành học này cũng có thể giúp bạn trở thành diễn giả, nhà đào tạo (trainer) cho các tổ chức, doanh nghiệp trong việc sản xuất nội dung số.

Học gì, làm gì để trở thành nhà sáng tạo nội dung 'triệu view'

Các ký năng cần thiết để sáng tạo nội dung "triệu view"

Tại buổi chia sẻ hướng nghiệp "Sáng tạo chuyện thường" do sinh viên khoa Báo chí và truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức hôm 16.5, anh Trần Lê Ngọc An (25 tuổi), chủ kênh YouTube "An Is Here" thu hút 112.000 lượt theo dõi, cho biết content creator có thể tạo ra thu nhập từ các nguồn khác nhau.

Đầu tiên, nếu đáp ứng được các yêu cầu mà nền tảng quy định, người trẻ hoàn toàn có thể kiếm được tiền từ chính nền tảng thông qua việc cho phép các đơn vị đặt quảng cáo trên kênh của mình. Hình thức thứ hai là tiếp thị liên kết (affiliate marketing), tức nhận lời quảng cáo trực tuyến cho sản phẩm, dịch vụ của đơn vị khác và được trả phần trăm hoa hồng tương ứng.

"Cuối cùng, một trong những hình thức bền vững nhất mà tôi khuyến nghị các bạn nên nhắm đến là 'sản phẩm hóa' kênh truyền thông của mình, tức mở khóa học hay bán sản phẩm một cách độc lập mà không cần phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào. Ngoài ra, content creator cũng có thể mở tài trợ (donate) để người theo dõi ủng hộ", anh Ngọc An chia sẻ.

Anh Đào Minh Tiến (29 tuổi), chủ kênh YouTube "Dế Mèn Du Ký" hơn 21.000 người theo dõi, bổ sung rằng nếu có sức ảnh hưởng, content creator cũng có thể trở thành diễn giả, nhà đào tạo (trainer) cho các tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, họ còn có thể bán lại các gói đa phương tiện như hình ảnh, video do mình thực hiện. "Quan trọng là kiếm tiền một cách văn minh, rõ ràng và giữ được thương hiệu cá nhân", anh nhắn nhủ.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Tiến cho biết thêm dù môi trường sáng tạo nội dung ngày càng cạnh tranh và các nền tảng liên tục thay đổi chính sách, điều quan trọng vẫn là giá trị nội dung của sản phẩm, vì "giá trị tốt ắt có vị trí trong lòng khán giả". Ngoài ra, các bạn cũng cần tập trung xây dựng thương hiệu cá nhân, phát triển đa nền tảng để tránh sự lệ thuộc và luôn học hỏi, đổi mới không ngừng.

Trong khi đó, anh An nhận định, mạng xã hội tuy là nhân tố quan trọng nhưng hiện tại không người dùng nào có thể kiểm soát được các nền tảng này, dù có là content creator. Song, các bạn có thể chọn thích nghi với sự thay đổi của nền tảng nhưng vẫn giữ được chất riêng, hoặc tự chọn nền tảng phù hợp với dạng nội dung mình muốn phát triển nhất.

"Để 'khởi nghiệp' sáng tạo nội dung, các bạn cần nắm kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực mình muốn theo đuổi, như sức khỏe, mỹ phẩm, marketing hay ngoại ngữ. Hãy chọn ngách nội dung bạn muốn khai thác từ những lĩnh vực này và từ đó truyền tải có độ sâu một cách tự tin. Thứ hai, nếu muốn đi lâu dài với nghề, sinh viên cần học kỹ năng lên kế hoạch phát triển cho kênh và cách xây dựng thương hiệu cá nhân", anh An nói.

Ngoài ra, tùy mạng xã hội mà sinh viên muốn phát triển, các bạn cũng cần thành thạo những kỹ năng cứng như cách quay dựng video, sản xuất ảnh, thu âm podcast, viết văn. "Những kỹ năng này có thể tự học hoặc bồi dưỡng ở bên ngoài tùy nhu cầu, và đây là một trong những yếu tố vừa tạo ấn tượng tốt cho người theo dõi ngay từ đầu, và cũng vừa giúp giữ chân khán giả về lâu dài", chàng trai 9X chia sẻ.

Cần có đạo đức nghệ nghiệp khi sáng tạo nội dung

Theo các nhà sáng tạo nội dung "triệu view", tuy sáng tạo là lĩnh vực dường như không có giới hạn, song content creator cũng cần tuân thủ các quy định và tự đặt ra nguyên tắc cho mình. Trước hết, đó là sách nền tảng, khi mỗi mạng xã hội sẽ có các quy định riêng, "như TikTok không cho phép người dùng đăng video có hình ảnh trẻ em hay các vật sắc nhọn như dao kéo...", theo anh Tiến.

Thứ hai chính là đạo đức nghề nghiệp. Chẳng hạn, anh Tiến cho rằng khi nhắc đến một nhân vật nào đó trong nội dung của mình, các bạn cần điều chỉnh thông tin của nhân vật sao cho không ảnh hưởng đến họ. Xa hơn nữa, theo anh An, nếu muốn mượn câu chuyện của ai đó để kể trên kênh của mình, các bạn nên xin phép và nhận được sự cho phép từ đối tượng liên quan, "tương tự như xin bản quyền hình ảnh".

"Hiện nay, các bạn thường chọn sáng tạo nội dung từ chất liệu đời thường, tức kể những gì diễn ra xung quanh cuộc sống của mình như chuyện xử sự của cha mẹ hay người thân trong gia đình. Tuy nhiên, các bạn hãy cẩn trọng trong việc chọn lọc đề tài và nhân vật, tránh dẫn đến những phán xét, ý kiến trái chiều đến những người mình yêu quý", anh Tiến khuyên.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các ngành học kiếm "triệu view" trên mạng xã hội 2024
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO