Các lĩnh vực đầu tư rộng cửa thu hút 'nguồn lực vàng'

PV(T/H)| 23/01/2025 18:38

Năm 2024, mặc dù kinh tế và chính trị thế giới có những diễn biến không thuận lợi nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt 16 tỷ USD, được đánh giá là ổn định, tương đương với năm 2023 - năm tăng trưởng kỷ lục của lượng kiều hối.

Kiều hối 2024 về Việt Nam ở mức ổn định

Theo số liệu thống kê, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2024 ước đạt 16 tỷ USD - tương đương với năm 2023 - năm tăng trưởng kỷ lục của lượng kiều hối, trong đó, hơn 9,5 tỷ USD chuyển về TP Hồ Chí Minh. Kiều hối chủ yếu đến từ hai nguồn, gồm kiều bào gửi hỗ trợ thân nhân trong nước và lao động Việt Nam ở nước ngoài gửi về đầu tư, tiết kiệm. Báo cáo tổng kết của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội năm 2024 cho thấy, hiện có trên 700.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với thu nhập ổn định, gửi về nước lượng kiều hối khoảng 3,5 - 4 tỷ USD/năm.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc (PGĐ) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chuyển về TP năm 2024 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, châu Á và châu Mỹ là 2 khu vực có lượng kiều hối chuyển về chiếm tỷ trọng cao nhất, tới 82,2%. So với năm 2023, lượng kiều hối chuyển về của khu vực châu Á tăng 2,5%; châu Mỹ tăng 7,4%; châu Đại Dương tăng 8,7% nhưng lại giảm ở khu vực châu Âu với mức giảm lên đến 23%, châu Phi cũng giảm đến 33%.

PGĐ NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng, những yếu tố khách quan về tình hình kinh tế thế giới; thị trường lao động; thu nhập và việc làm của kiều bào và người Việt Nam đang học tập, làm việc ở nước ngoài; cũng như chất lượng và hiệu quả hoạt động dịch vụ chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và công ty kiều hối tiếp tục là các yếu tố tác động trực tiếp đến lượng kiều hối chuyển về trong năm 2024.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lệnh đánh giá, lượng kiều hối chuyển về TP dù tốc độ tăng trưởng không cao như 2 năm gần đây, nhưng vẫn tiếp tục duy trì ở mức trên 9 tỷ USD. Đặc biệt, cùng với các nguồn vốn ngoại tệ khác, kiều hối chuyển về năm 2024 đã góp phần quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP và phát huy vai trò nguồn cung ngoại tệ để thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ ngoại hối, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng sẽ là động lực thu hút nguồn kiều hối chuyển về trong năm 2025 và giai đoạn tới.

Ngân hàng thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mạnh lượng kiều hối đổ về.

Đại diện Vietcombank cho biết, doanh số kiều hối trong năm 2024 đạt khoảng 1,9 tỷ USD, chiếm gần 28% tổng lượng kiều hối cả nước. Vietcombank đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ ngân hàng số, mở rộng các kênh chuyển tiền trực tuyến và xây dựng hệ thống an toàn, tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của kiều bào.

Hiện Vietcombank đang chủ trì những bước đầu tiên để thành lập Hiệp hội kiều hối Việt Nam, một tổ chức chuyên biệt nhằm nâng cao vị thế ngành kiều hối trên trường quốc tế. Đồng thời cam kết sẽ triển khai các sáng kiến cụ thể, như hỗ trợ cải thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài gửi tiền về.

Các lĩnh vực đầu tư rộng cửa thu hút nguồn lực vàng
Lượng kiều hối về Việt Nam liên tục đạt kỷ lục

Việt Nam rộng cửa hút 'nguồn lực vàng'

Trao đổi với báo chí, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế cho biết, lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng gia tăng qua các năm. Năm 2023, 2024 đều đạt con số cao ở mức 16 tỷ USD.

Theo ông Thịnh, kiều hối góp phần bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, quan trọng trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất, đặc biệt là trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá, tăng lãi suất là không nhỏ và các đồng tiền tại một số quốc gia trên thế giới mất giá mạnh. Thực tế cho thấy, nguồn kiều hối chảy về Việt Nam không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào sản xuất - kinh doanh, góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế, mà còn là nguồn cung giúp ổn định thị trường ngoại hối, từ đó góp phần ổn định tỷ giá VND/USD trong những năm qua.

Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại hối.

Ông Thịnh cho biết thêm, khi lượng kiều hối về trong nước, trước hết các cá nhân chuyển kiều hối đã đóng góp vào phát triển kinh tế cho gia đình. Việc phát triển kinh tế gia đình như xây nhà, mua sắm cũng là đang kích cầu tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, kênh đầu tư bất động sản “hút” lượng kiều hối không nhỏ. “Năm 2024, các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản đã mở rộng tạo điều kiện cho kiều bào về sinh sống, làm việc và đầu tư ở Việt Nam. Quyền lợi của Việt kiều giờ đây không khác gì công dân trong nước liên quan đến bất động sản”, ông Thịnh nói.

Ông Thịnh cho biết, hiện cộng đồng người Việt ở nước ngoài khoảng 6 triệu người. Kiều bào hiện sinh sống tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 80% ở các nước phát triển. Đây chính là yếu tố thuận lợi để kiều hối có thể tăng trưởng trong thời gian tới. Để tăng cường thu hút “nguồn lực vàng”, Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo ra môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách đầu tư ngày càng thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính...

Theo ông Thịnh, cũng nên thành lập những quỹ đầu tư kiều hối. Thông qua quỹ này, kiều bào có nguồn lực dù ít, hay nhiều đều có thể mua trái phiếu để tham gia đầu tư xây dựng thành phố…

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/cac-linh-vuc-dau-tu-rong-cua-thu-hut-nguon-luc-vang-133577.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/cac-linh-vuc-dau-tu-rong-cua-thu-hut-nguon-luc-vang-133577.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các lĩnh vực đầu tư rộng cửa thu hút 'nguồn lực vàng'
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO