Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Xuân Hải báo cáo tình hình thực hiện phát triển KT-XH |
Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh nhận định: Trong điều kiện KT-XH của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, hạn hán… tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020. Tuy nhiên, dưới sự nỗ lực điều hành của UBND tỉnh, KT-XH năm 2020 phát triển tương đối ổn định. Trong 16 nhóm chỉ tiêu có 12 nhóm ước đạt và vượt kế hoạch đề ra, 4 nhóm chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Như vậy, ước thực hiện năm 2020, toàn tỉnh cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đề ra theo nghị quyết HĐND tỉnh.
Báo cáo cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển KT-XH năm 2020 còn hạn chế ở một vài lĩnh vực, nên tỉnh, các ngành, địa phương cần phải quan tâm. Đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch; sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc vào giá cả thị trường, thiếu tính bền vững. Số vụ phá rừng, vi phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ rừng giảm nhưng vẫn ở mức cao và phức tạp. Công tác trồng rừng hàng năm được triển khai nhưng kết quả đạt thấp, dẫn đến tỷ lệ che phủ rừng nhiều năm qua không đạt chỉ tiêu đề ra. Việc triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 còn nhiều hạn chế, số vốn chuyển nguồn từ năm trước còn lớn. Thu hút đầu tư vào tỉnh chưa đáng kể; đa số doanh nghiệp nhỏ, năng lực thấp. Các dự án kêu gọi đầu tư gặp nhiều vướng mắc chưa triển khai. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh cho các nhà đầu tư chưa tốt…
Kỳ họp nghe các báo cáo tình hình phát triển KT-XH |
Về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát, điều chỉnh một số chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Dự báo của các ngành năm 2021, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tồn tại những khó khăn, thách thức, nên các giải pháp phát triển KT-XH phải cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng phấn đấu hoàn thành mục tiêu. Việc tính toán các chỉ tiêu phải chính xác khả thi và có hướng phát triển ổn định.
Đối với tình hình phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025, báo cáo thẩm tra nhận định: Trong điều kiện KT-XH cả nước nói chung, tỉnh nói riêng còn nhiều khó khăn, nhưng UBND tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và HĐND tỉnh nên đã đạt dược những kết quả tích cực. Trong 16 nhóm chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 22 ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh, có 11 nhóm chỉ tiêu ước đạt và vượt kế hoạch, 5 nhóm chỉ tiêu không đạt, nhưng cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển KT-XH đã đề ra.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Đạo trình bày báo cáo thẩm tra |
Bên cạnh những kết quả đạt được, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế. Cụ thể, mục tiêu 3 đột phá về kinh tế: tổ hợp công nghiệp bô xít - nhôm - sắt xốp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và du lịch chưa rõ nét. Việc xác định tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP chưa thống nhất giữa số liệu của Tổng Cục thống kê và Cục thống kê tỉnh đã ảnh hưởng đến công tác đánh giá, dự báo, hoạch định chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội nói chung và vốn đầu tư công từ ngân sách nói riêng chưa đáp ứng dược yêu cầu phát triển, chưa huy động được tối đa nguồn vốn trong dân cư, thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Việc đánh giá môi trường đầu tư khá lạc quan, trong khi thực tế môi trường đầu tư của tỉnh chưa đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư, hồ sơ thủ tục giấy phép “con” còn khá nhiều…
Vì vậy, kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị phải đề ra rõ các mục tiêu chiến lược, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể. Trên cơ đó, hàng năm tỉnh xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, lượng hóa các chương trình, đề án để thực hiện thành công các nhiệm vụ trọng tâm, các đột phá chiến lược đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
Trong đó, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025 bình quân từ 7,5-8%, toàn tỉnh phải có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với các giải pháp phù hợp để phát triển trong bối cảnh KT-XH còn khó khăn. Việc xác định tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giai đoạn 2021-2025 cần phải xem xét, tính toán cho phù hợp để vừa đảm bảo tính thực tế và phản ánh kết quả nhiệm vụ thực hiện chương trình.
Giai đoạn tới cần đưa ra nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và chi phí, mang lại hiệu quả thiết thực cho các cơ quan Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.