Các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19

21/05/2025 14:30

Tính đến thời điểm hiện tại số lượng nhiễm Covid 19 ngày càng tăng cao, theo đó, bài viết cập nhật các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19.

Các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19 (Hình ảnh từ Internet)

Các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19 (Hình ảnh từ Internet)

Các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19

Covid-19 còn được gọi là Vi rút Corona (CoV) là một họ vi rút ARN lớn, có thể gây bệnh cho cả động vật và con người. Ở người, coronavirus có thể gây ra một loạt bệnh, từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng bệnh nặng như Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV) năm 2002 và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012.

SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (qua giọt bắn là chủ yếu) và qua bàn tay tiếp xúc với các vật dụng, bề mặt bị nhiễm SARS-CoV-2 rồi đưa lên mắt, mũi, miệng. SARS-CoV-2 cũng có khả năng lây truyền qua hạt khí dung ở trong những không gian kín, đông người và thông gió hạn chế hoặc nơi có nhiều thao tác tạo khí dung như trong các cơ sở điều trị. Thời gian ủ bệnh trung bình hiện nay khoảng 4 ngày. Người bệnh COVID-19 có thể phát tán vi rút và lây cho người khác từ 2 ngày trước khi khởi phát cho tới 3 ngày sau khi hết triệu chứng. Người không triệu chứng vẫn có thể đào thải vi rút và lây nhiễm cho người khác.

Theo đó, tại Mục II Quyết định 2671/QĐ-BYT hướng dẫn việc chuẩn đoán Covid-19 như sau:

Trường hợp bệnh nghi ngờ

- Là người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở.

- Là người có yếu tố dịch tễ và biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP) có chỉ định nhập viện.

- Là người không có đủ biểu hiện lâm sàng như ở điểm (a) nhưng có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

* Người có yếu tố dịch tễ là người tiếp xúc gần với người bệnh khẳng định/nghi ngờ hoặc người sống trong khu vực ổ dịch đang hoạt động.

Trường hợp bệnh xác định

- Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtime RT-PCR).

- Là người có triệu chứng lâm sàng (nêu tại điểm a, điểm b của mục 2.1 Quyết định 2671/QĐ-BYT) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Diễn biến bệnh Covid 19

Cụ thể, diễn biến với người khi mắc bệnh Covid-19 theo từng ngày được thể hiện như sau:

Thời kỳ ủ bệnh: trước khi có triệu chứng đầu tiên khoảng 5 ngày, trong thời gian này hầu hết người bệnh không có triệu chứng gì.

- Ngày 1 đến ngày 3: triệu chứng giống bệnh cảm cúm thông thường, cảm giác gai rét, mệt mỏi nhẹ, tuy nhiên người bệnh vẫn có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường.

- Ngày 4: sốt, cổ họng bắt đầu đau nhẹ, người lờ đờ.Bắt đầu khản tiếng.Đau đầu nhẹ, tiêu chảy nhẹ. Người bệnh có thể chán ăn và ăn kém đi.

- Ngày 5-8 ngày: sốt cao hơn, ho có đờm hoặc ho khan không đờm.Đau họng nhiều hơn, đau khi nuốt nước bọt, khi ăn hoặc nói. Cơ thể mệt mỏi, đau mỏi các cơ, buồn nôn và tiêu chảy cũng có thể gặp.

- Ngày 9 trở đi: phần lớn người mắc COVID-19 sẽ dần hồi phục sau 10-14 ngày, một số trường hợp đặc biệt nếu không được kiểm soát tốt có thể diễn biến trở nặng và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Các biện pháp phòng chống Covid 19

Căn cứ Mục III Quyết định số 3985/QĐ-BYT năm 2023 hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh Covid-19 như sau:

* Biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu

Mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây:

- Khuyến khích thực hiện 2K (Khẩu trang - Khử khuẩn). Khuyến khích đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Viện phòng bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo Quyết định 2609/QĐ-BYT năm 2023 về Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, đặc biệt sau khi tiếp xúc với bề mặt nghi ngờ.

- Nâng cao sức khỏe: có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý.

- Tăng cường thông khí, vệ sinh môi trường khu vực nhà ở, trường học, nơi làm việc.

- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp cấp tính (ho, sốt, khó thở...).

- Cơ sở giáo dục, cơ quan, công sở, cơ sở sản xuất kinh doanh hướng dẫn học sinh, sinh viên, người lao động thực hiện các biện pháp phòng bệnh nêu trên.

* Biện pháp phòng bệnh đặc hiệu

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương. Triển khai lồng ghép tiêm vắc xin phòng COVID-19 với hoạt động tiêm chủng thường xuyên theo hướng dẫn tại Phụ lục 4.

* Kiểm dịch y tế biên giới

Thực hiện giám sát hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu theo quy định tại Nghị định 89/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007 về kiểm dịch y tế biên giới.

* Thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch

Các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị giám sát, xét nghiệm, phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.

x

Nổi bật

    Mới nhất
    Các dấu hiệu nhận biết khi bị Covid 19
    • Mặc định
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO