Các chương trình tiêm chủng trẻ em tăng tốc trở lại sau dịch COVID-19

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)| 18/07/2023 11:55

Theo dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, số trẻ em được tiêm vaccine định kỳ trong năm 2022 đã tăng 4 triệu trẻ so với năm trước đó.

Cac chuong trinh tiem chung tre em tang toc tro lai sau dich COVID-19 hinh anh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa bệnh bại liệt cho trẻ em tại Lahore, Pakistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 17/7, Liên hợp quốc cho biết việc tiêm chủng định kỳ cho trẻ em đang tăng trở lại sau khi ghi nhận sự sụt giảm nghiêm trọng trong suốt thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, song cảnh báo vẫn tồn tại những khoảng trống nguy hiểm.

Theo dữ liệu do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố, số trẻ em được tiêm vaccine định kỳ trong năm 2022 đã tăng 4 triệu trẻ so với năm trước đó.

Giám đốc chương trình tiêm chủng và vaccine của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Kate O'Brien coi đây là một tín hiệu tích cực, đồng thời cho biết nhìn chung, các nước trên khắp thế giới đang phục hồi và tỷ lệ tiêm chủng đang gần bằng mức trước đại dịch.

Cùng chung nhận định trên, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định dữ liệu trên “đáng khích lệ,” song theo ông, điều này chưa phản ánh thực trạng bất bình đẳng nghiêm trọng và dai dẳng trong vấn đề tiêm chủng.

Ông nhấn mạnh trẻ em là đối tượng chịu thiệt thòi nhất nếu các quốc gia không thúc đẩy việc “phủ sóng” tiêm vaccine.

Báo cáo của UNICEF cho thấy bất chấp những tiến bộ đạt được, vẫn còn 20,5 triệu trẻ em đã bỏ lỡ ít nhất một mũi tiêm định kỳ trong năm 2022.

Con số này giảm so với thống kê 24,4 triệu trẻ của năm 2021, song vẫn cao hơn so với mức 18,4 triệu trẻ vào năm 2019 - thời điểm đại dịch chưa bùng phát.

Tỷ lệ bao phủ vaccine ở hầu hết quốc gia thu nhập thấp đều phục hồi chậm chạp hơn, thậm chí là tiếp tục giảm. Bà O'Brien cũng đã bày tỏ quan ngại về tình trạng phục hồi "không đồng đều này."

Cả WHO và UNICEF đều đặc biệt lo ngại về sự chậm trễ trong tiêm vaccine phòng bệnh sởi -một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới. Theo đó, trong số 73 nước ghi nhận tỷ lệ bao phủ vaccine phòng sởi giảm mạnh trong đại dịch COVID-19, có 15 nước đã ghi nhận mức độ "phủ sóng" tiêm chủng như trước đại dịch, 24 nước đang trên đà phục hồi, trong khi có tới 34 nước ghi nhận tỷ lệ sụt giảm hoặc trì trệ.

Thống kê cho thấy trong năm 2022, tỷ lệ trẻ em trên thế giới được tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên trong năm đầu đời đạt 83%, tăng so với tỷ lệ 81% của năm 2021, song thấp hơn so với mức 86% của thời kỳ trước đại dịch.

Cũng trong thời gian trên, tỷ lệ tiêm vaccine phòng virus HPV cũng tăng so với mức trước đại dịch, nhưng vẫn thấp hơn so với mục tiêu 90%.

Giám đốc UNICEF Catherine Russell cảnh báo trẻ em trên thế giới vẫn có nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do các bệnh có thể ngăn ngừa được nếu chính phủ các nước không khắc phục được những  khoảng trống về tiêm chủng./.

Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/cac-chuong-trinh-tiem-chung-tre-em-tang-toc-tro-lai-sau-dich-covid19/875739.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/cac-chuong-trinh-tiem-chung-tre-em-tang-toc-tro-lai-sau-dich-covid19/875739.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Các chương trình tiêm chủng trẻ em tăng tốc trở lại sau dịch COVID-19
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO