Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Đắk Nông

Bình Minh 14/04/2023 08:18

Ngày 10/4/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có Thông báo số 03/TB-ĐĐBQH về nội dung trả lời của các bộ, ngành Trung ương đối với các ý kiến, kiến nghị cử tri Đắk Nông gửi đến sau Kỳ họp thứ 4 và Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV. Báo Đắk Nông đăng toàn bộ nội dung của thông báo này.

ADQuảng cáo
070120230244-duong-khac-mai-dak-nong(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý về các dự thảo luật (sửa đổi)

1. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Bộ Công thương

1.1. Vấn đề thứ nhất: Giá xăng dầu trên thị trường hiện nay rất biến động, nhiều cây xăng dầu treo biển báo hết xăng không bán, gây khó khăn cho việc lưu thông và sản xuất của người dân, nhất là vào thời điểm cuối năm, người dân địa phương đang vào vụ chính thu hái cà phê, nhu cầu thông thương ngày càng cao chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Đề nghị Bộ Công thương có giải pháp bình ổn giá xăng dầu và sớm đưa ra các giải pháp  bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu nhằm giúp người dân ổn định đời sống, phát triển sản xuất, kinh doanh.

*Bộ Công thương trả lời (tại Công văn 1290/BCT-KHTC ngày 13/3/2023)

Để bình ổn giá xăng, bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu cần thiết của người dân, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục triển khai một số các giải pháp sau:

- Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

- Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

- Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động tìm kiếm nguồn cung, chia sẻ thù lao với các đại lý, khách hàng để ổn định chuỗi cung ứng, duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu nhập khẩu tối thiểu hàng năm được Bộ Công thương phân giao; chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu ổn định hoạt động sản xuất để cung ứng cho thị trường, khách hàng.

- Kiến nghị Bộ Tài chính thực hiện điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, bảo đảm doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính tạo điều kiện về tín dụng và thủ tục hải quan cho các doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu xăng dầu cung ứng cho thị trường.

Với việc triển khai các giải pháp trên, nguồn cung xăng dầu thị trường trong nước sẽ cơ bản được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân và doanh nghiệp, không xảy ra tình trạng thiết hụt nguồn cung xăng dầu cục bộ, đứt gãy chuỗi cung ứng.

301120220815-202211111903229315_pham-thi-kieu-dak-nong(1).jpg
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

1.2. Vấn đề thứ hai: Tỉnh Đắk Nông đã thực hiện thí điểm thành công dự án khai thác, chế biến bô xít của Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, tỉnh được quy hoạch 4-5 nhà máy alumin và các nhà máy điện phân nhôm đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, là nơi hội tụ các điều kiện để hình thành ngành công nghiệp nhôm quốc gia. Để phát triển ngành công nghiệp nhôm, vận hành đồng loạt số lượng lớn nhà máy như trên phải cần rất nhiều điện năng, đặc biệt là nguồn điện tại chỗ với giá cả đầu vào rẻ hơn để phát huy tối đa hiệu quả dự án. Vì vậy, cử tri đề nghị Chính phủ cần có định hướng, quy hoạch phát triển nguồn điện tại chỗ để vừa phát huy hiệu quả ngành công nghiệp nhôm vừa tận dụng tiềm năng phát triển điện năng lượng tái tạo của địa phương như thủy điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời.

*Bộ Công thương trả lời (tại Công văn 1297/BCT-KHTCngày 13/3/2023)

Bộ Công thương ủng hộ đề xuất của cử tri về phát triển nguồn điện tại chỗ để vừa phát huy hiệu quả của ngành công nghiệp nhôm vừa tận dụng tiềm năng phát triển điện từ năng lượng tái tạo của địa phương, góp phần tận dụng các tiềm năng đặc thù của địa phương để phát triển kinh tế xã hội. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xác định chính xác nhu cầu phụ tải của địa phương để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét cân đối tổng thể trong quy hoạch phát triển điện lực nhằm đạt hiệu quả chung.

1.3. Vấn đề thứ ba: Để bảo đảm việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng các dự án điện gió theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, cử tri tỉnh Đắk Nông nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn việc công trình điện gió, hành lang an toàn của cột tháp gió có phải là công trình có hành lang bảo vệ hay không; đồng thời hướng dẫn xác định phạm vi hành lang bảo vệ an toàn của cột tháp gió, tạo điều kiện để địa phương thực hiện bảo đảm theo quy định. Ngoài tỉnh Đắk Nông, một số địa phương cũng đang gặp khó khăn, vướng mắc về bồi thường, hỗ trợ trong hành lang an toàn của cột tháp gió có đầu tư về lĩnh vực này.

* Bộ Công thương trả lời (tại Công văn 1297/BCT-KHTCngày 13/3/2023)

Công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện cao áp đối với các công trình điện nói chung được thực hiện theo quy định cụ thể tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện; Nghị định số 51/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP và Thông tư số 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn điện.

Đồng thời, ngay từ khi lựa chọn vị trí, bắt đầu triển khai xây dựng công trình điện gió, chủ đầu tư công trình điện gió có trách nhiệm nghiên cứu và thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan, trong đó có quy định:

(i) “Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người dân sinh sống” theo Khoản 2, Điều 13, Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 15/2/2019 của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió và hợp đồng mua bán điện mẫu cho các dự án điện gió (Thông tư 02) và các quy định có liên quan tại Thông tư 02.

(ii) “Bảo đảm đầu tư xây dựng công trình … phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của địa phương; bảo đảm ổn định cuộc sống của Nhân dân” theo Khoản 1, Điều 4, Luật Xây dựng.

(iii) Bảo đảm không lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung (theo quy định tại Điều 12 của Luật Xây dựng).

(iv) Bảo đảm nguyên tắc không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh (theo Khoản 2, Điều 6, Luật Đất đai).

Ngay từ khi lựa chọn vị trí, xây dựng công trình điện gió, nếu các bên quan tâm đúng mức tới các quy định liên quan thì vướng mắc trên có thể không xuất hiện.

- Theo Khoản 4, Điều 13, Thông tư 02: “UBND tỉnh có thể cho phép sử dụng đất tại khu vực dự án điện gió cho các mục đích phù hợp (trồng trọt, canh tác nhỏ) và phải bảo đảm an toàn cho việc vận hành các công trình điện gió”.

- Đối với các nội dung khác, đề nghị địa phương chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát hiện trạng khu vực xây dựng công trình điện gió (như sự tồn tại và tính hợp pháp của các bên trước và sau khi xuất hiện công trình điện gió; sự tuân thủ quy định của công trình điện gió) để xem xét, giải quyết phù hợp với thẩm quyền và quy định của pháp luật.

- Về vướng mắc liên quan đến đền bù, hỗ trợ: Nội dung này, Bộ Công thương đề nghị địa phương tham khảo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp.

1.4. Vấn đề thứ tư: Tỉnh Đắk Nông với địa hình chia cắt, những nơi trồng cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, điều, cao su,…) các nhà dân ở khoảng cách khá xa, đặc biệt lượng dân di cư sinh sống rải rác, manh mún gây khó khăn cho việc bố trí kinh phí xây dựng tuyến đường điện. Do nguồn vốn còn hạn chế nên đến nay mới triển khai đầu tư được 37/182 thôn, bon nên cử tri nhiều lần phản ánh, kiến nghị. Để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020, cử tri tỉnh  Đắk Nông kính đề nghị Bộ Công thương quan tâm xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương tiếp tục triển khai thực hiện dự án đến năm 2025, đồng thời có kế hoạch bố trí kinh phí để tỉnh triển khai dự án bảo đảm theo quy định và kịp thời cấp điện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn tại địa phương.

* Bộ Công thương trả lời (tại Công văn 1297/BCT-KHTCngày 13/3/2023)

Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Nông (Dự án) giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư tại Văn bản số 5859/VPCP-KTN ngày 6/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương đầu tư. Ngày 30/10/2014, Bộ Công thương có Văn bản số 10798/BCT-TCNL về việc thỏa thuận danh mục, quy mô dự án cấp điện nông thôn tỉnh Đắk Nông từ lưới điện quốc gia, giai đoạn 2014-2020. Tỉnh phê duyệt Dự án tại Quyết định số 1643/QĐ-UBND ngày 31/10/2014 với quy mô cấp điện 12.950 hộ thuộc 182 thôn trên địa bàn 56 xã; tổng mức đầu tư 711 tỷ đồng; khối lượng đầu tư: Gồm 175 trạm biến áp; khoảng 261 km đường dây trung áp; khoảng 563 km đường dây hạ thế. Giai đoạn 2013 – 2020, NSTW cấp 121 tỷ đồng (91 tỷ đồng thuộc vốn NSTW và 30 tỷ thuộc Dự án sử dụng vốn do EU tài trợ), hoàn thành đầu tư cấp điện khoảng 1.800 hộ dân thuộc 37 thôn/bon trên địa bàn 10 xã.

- Trên cơ sở nhu cầu cấp thiết tối thiểu về nhu cầu sử dụng điện của khoảng 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, trong đó có tỉnh Đắk Nông với danh mục như kiến nghị. Ngày 15/6/2021, Bộ Công thương trình Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025” tại Tờ trình số 3462/TTr-BCT với mục tiêu đến năm 2025 hầu hết các hộ được sử dụng điện với nhu cầu vốn khoảng 29.779 tỷ đồng. Căn cứ các quy định Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14, với kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 5965/BC-BKHĐT ngày 6/8/2021. Theo đó, vốn đang được xác định như sau:

+ Vốn NSTW trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 cấp cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 4.382,1 tỷ đồng (thực hiện cấp điện đảo Côn Đảo; hoàn thành 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020).

+ Bộ Công thương đang đề xuất sử dụng vốn EU thuộc Chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững (SETP) khoảng 1.785 tỷ đồng cấp điện đảo An Sơ – Nam Du và 27 tỉnh ở danh mục cấp điện bằng năng lượng tái tạo tại Quyết định số 1740/QĐ-TTg, trong đó tỉnh Đắk Nông được cân đối 29 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Công thương đang giải trình cơ chế tài chính sử dụng vốn EU-SETP và hiệu chỉnh giải pháp đầu tư (đầu tư lưới điện và năng lượng tái tạo) để làm cơ sở trình Chính phủ phê duyệt Chương trình.

+Với phần vốn chưa được cân đối (khoảng 20.284,5 tỷ đồng), Bộ Công thương đang tiếp tục đề xuất Chính phủ phê duyệt Chương trình có sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng, vốn vay ODA ưu đãi của các tổ chức quốc tế và huy động các nguồn lực xã hội khác để đầu tư đạt mục tiêu hầu hết các hộ được sử dụng điện theo các Kết luận, Nghị quyết số 26-KL/TW năm 2003 của Bộ Chính trị về chiến lược và quy hoạch phát triển ngành Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010, định hướng đến năm 2020; số 18-NQ/TW năm 2007 Bộ Chính trị ban hành về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; số 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 và Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV. Khi được Chính phủ cho phép huy động các nguồn lực từ các tổ chức tín dụng, ODA ưu đãi quốc tế, Bộ Công thương sẽ triển khai các bước tiếp theo để người dân sớm được sử dụng điện đạt tiêu chuẩn kỹ thuật - dịch vụ cung ứng điện, trong đó có danh mục đầu tư 145 thôn, bon còn lại của tỉnh Đắk Nông.

1.5. Vấn đề thứ năm: Chủ trương bàn giao lưới điện phân phối, đặc biệt là lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm đáp ứng yêu cầu đầu tư, nâng cấp chất lượng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; giúp người dân sử dụng điện an toàn, ổn định, được hưởng giá bán điện theo quy định của Chính phủ và không phải chịu thêm chi phí qua các cấp trung gian. Tuy nhiên, việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trên địa bàn tỉnh, cụ thể là đối với Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ điện Đức Minh, có trụ sở đóng tại xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Hiện nay, người dân sinh sống tại khu vực được Hợp tác xã dịch vụ điện Đức Minh quản lý bán điện phản ánh thực trạng lưới điện hạ áp nông thôn khu vực này đang xuống cấp trầm trọng, chất lượng điện năng chưa đảm bảo gây mất an toàn khi sử dụng; thường xuyên xảy ra khiếu kiện liên quan đến vấn đề mua bán điện.

Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc thực hiện thỏa thuận bàn giao, tiếp nhận giữa Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ điện Đức Minh và Công ty Điện lực Đắk Nông chưa đạt đến sự thống nhất vì một số lý do như sau: (1) Việc bàn giao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của Hợp tác xã; (2) Chưa thống nhất được chính xác giá trị tài sản giữa các bên liên quan để thực hiện chuyển giao lại cho ngành điện; (3) Việc hoàn trả vốn đầu tư cho Hợp tác xã chưa thống nhất giữa Hợp tác xã dịch vụ điện năng và ngành điện.

Cử tri mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm đưa ra giải pháp dứt điểm để ngành điện trực tiếp quản lý vận hành lưới điện, đảm bảo các vấn đề về điện áp, an toàn điện, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến mua bán điện tại khu vực này trong thời gian qua; để ngành điện đầu tư, nâng cấp hệ thống điện hạ thế, phục vụ nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

* Bộ Công thương trả lời (tại Công văn 1273/BCT-KHTC ngày 13/3/2023)

Hiện nay, thủ tục, trình tự công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BCT ngày 4/12/2013 của Bộ Công thương - Bộ Tài chính về hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn. Đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC để triển khai công tác bàn giao đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật.

301120220907-202211111924223343_tran-thi-thu-hang-dak-nong(1).jpg
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông tham gia phát biểu ý kiến

2. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị một số nội dung liên quan đến Bộ Tài nguyên và Môi trường

2.1. Ý kiến thứ nhất: Mô hình homestay trong những năm qua phát triển sôi động, số lượng tăng trưởng mạnh mẽ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Về bản chất, homestay là hình thức kinh doanh mà người dân bản địa sẽ cung cấp những sản phẩm dịch vụ cho khách. Vốn dĩ ngôi nhà ấy phải được xây dựng từ trước và được cải tạo thêm cơ sở hạ tầng phù hợp theo quy định của pháp luật để đón khách tới sống chung, thường mỗi nhà sẽ có tầm 3 - 5 phòng dành để đón khách. Chính điều này giúp các chủ nhà có thêm thu nhập nhưng đó không phải nguồn thu nhập chính của họ. Nhưng hiện nay, khi nhu cầu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tăng lên thì nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân bắt đầu nhận thấy tiềm năng và tìm kiếm cơ hội đầu tư ở mô hình này và phát triển thành mô hình quy mô lớn hơn, đa dạng dịch vụ hơn là farmstay. Tuy nhiên, để đáp ứng về cảnh quan, môi trường, đất xây dựng cho các dự án homestay, farmstay không ít trường hợp được hình thành từ loại đất như đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, thậm chí nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ,…mà pháp luật lại chưa có quy định cụ thể để điều chỉnh loại hình du lịch này, dẫn đến còn rất nhiều sai phạm khi thực hiện xây dựng.

Bên cạnh đó, pháp luật đất đai hiện hành chưa coi đất kinh doanh dịch vụ du lịch là một loại đất trong phân loại đất nên không có căn cứ pháp lý để giải thích và xác định thế nào là đất kinh doanh dịch vụ du lịch. Pháp luật cần có quy định theo hướng thừa nhận và xác định rõ đất kinh doanh dịch vụ tránh việc mâu thuẫn với quyền lợi của các chủ thể kinh doanh khác.

Cử tri kiến nghị Chính phủ cần rà soát, nghiên cứu cơ chế mới trong quy hoạch kế hoạch sử dụng đất với thị trường bất động sản nói chung và homestay, farmstay nói riêng theo hướng chuyên nghiệp hóa hơn, đồng thời bổ sung cơ chế hành lang pháp lý để loại hình du lịch này vận hành phù hợp hơn.

* Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời (tại Công văn số 1140/BTNMT-PC ngày 28/2/2023)

Theo quy định tại Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất (Phụ lục số 01) quy định:

- Tại Mục 1.1.2 quy định về đất trồng cây lâu năm “… Trường hợp đất trồng cây lâu năm có kết hợp nuôi trồng thủy sản, kinh doanh dịch vụ thì ngoài việc thống kê theo mục đích trồng cây lâu năm còn phải thống kê theo các mục đích khác là nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (trường hợp sử dụng đồng thời vào cả hai mục đích khác thì thống kê theo cả hai mục đích khác)”.

- Tại Mục 2.1 quy định về đất ở: “… Trường hợp đất ở có kế hoạch sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp (kể cả nhà chung cư có mục đích hỗn hợp) thì ngoài việc thống kê theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, theo mục đích đất ở phải thống kê cả mục đích phụ là đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp”.

- Tại mục 2.2.5 quy định đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp “Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp là đất làm mặt bằng để xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (kể cả trụ sở, văn phòngđại diện, sân kho và nhà kho của tổ chức kinh tế); đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm”.

Như vậy, Luật Đất đai hiện hành đã có quy định về đất thương mại, dịch vụ và quy định về thống kê đối với đất trồng cây lâu năm, đất ở có kết hợp sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Tuy nhiên, để xác định cụ thể mục đích sử dụng đất, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung quy định về đất sử dụng đa mục đích tại Điều 209 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), cụ thể như sau:

“1. Đất sử dụng đa mục đích là đất được sử dụng kết hợp vào nhiều mục đích khác để làm tăng hiệu quả sử dụng đất, bao gồm:

a) Đất sử dụng hỗn hợp là đất được Nhà nước cho phép sử dụng vào hai mục đích trở lên mà không thể phân định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích trên thực địa;

b) Đất sử dụng kết hợp là đất được Nhà nước cho phép sử dụng vào nhiều mục đích trở lên mà không thể phân định được ranh giới rõ ràng giữa các mục đích trên thực địa.

2. Việc sử dụng đất đa mục đích đảm bảo nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

b) Không làm thay đổi mục đích sử dụng đất chính;

c) Không làm ảnh hưởng đến việc bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường;

d) Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề;

e) Thực hiệnđầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định;

g) Phải tuân thủ các pháp luật chuyên ngành.

3. Mục đích sử dụng đất chính được xác định theo quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mụcđích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

2.2. Ý kiến thứ hai: Luật Đất đai 2013 quy định người sử dụng đất là hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất thì khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đồng loạt có chữ ký của tất cả thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế phát sinh một số trường hợp có thành viên trong hộ gia đình tham gia quân ngũ hoặc sinh sống, lao động tại nước ngoài thì việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất không thực hiện được. Điều này ảnh hưởng đến lợi ích tài chính, quyền và nghĩa vụ của các thành viên khác trong hộ gia đình. Vì vậy, cử tri kiến nghị cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này cần nghiên cứu bổ sung thủ tục đặc biệt áp dụng đối với những trường hợp cá biệt nêu trên nhằm tạo thuận lợi cho cơ quan chuyên môn và người dân thuận tiện trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có nhu cầu.

*Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời (tại Công văn số 1585/BTNMT-PC ngày 19/3/2023)

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 212, Bộ luật Dân sự thì trường hợp hộ gia đình đưa quyền sử dụng đất tham gia các giao dịch, liên quan đến việc định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định. Do đó, khi người sử dụng đất là hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất thì khi thực hiện quyền của người sử dụng đất là tất cả các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình đều phải đồng ý, thống nhất để bảo đảm quyền và không xảy ra việc tranh chấp, khởi kiện.

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho đối tượng sử dụng là hộ gia đình và việc giải quyết quan hệ có liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5, Điều 143 và Điều 235 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đang được gửi lấy ý kiến Nhân dân. Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng cảm ơn cử tri đã quan tâm và mong muốn cử tri nghiên cứu Luật Đất đai (sửa đổi) để tiếp tục có những ý kiến góp ý giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong thời gian tới.

3. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Bộ Giao thông Vận tải

3.1. Vấn đề thứ nhất: Đắk Nông nằm ở cửa ngỏ phía Nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ; ngoài ra tỉnh là điểm nối quan trọng giữa vùng tam giác phát triển Việt Nam – Lào – Campuchia nên có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh. Do đó, cần thiết phải xây dựng cảng hàng không và sân bay, trên thực tế, các loại hình sân bay chuyên dùng quy mô nhỏ có tiềm năng khá lớn, tiện dụng và đáp ứng với nhu cầu vận chuyển hàng hóa, du lịch, phục vụ an ninh quốc phòng của địa phương. Tuy nhiên hiện nay, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt vẫn chưa có tên sân bay Nhân Cơ. Cử tri tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sớm bổ sung quy hoạch sân bay Nhân Cơ, tỉnh Đắk Nông là sân bay chuyên dụng quốc phòng kết hợp dân sự nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của địa phương.

* Bộ Giao thông vận tải trả lời (tại Công văn số 2100/BGTVT-KHĐT ngày 3/3/2023)

Đối với nội dung đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự, Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 5517/BGTVT-KHĐT ngày 2/6/2022 trả lời đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông. Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ chủ trương và đề nghị tỉnh chủ động làm việc, thống nhất với Bộ Quốc phòng để bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dụng theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.

3.2. Vấn đề thứ 2: Tại ngã 5 của trung tâm huyện Cư Jút, nút giao giữa quốc lộ 28 và quốc lộ 14, xung quanh bao gồm các trụ sở bệnh viện, trường học, khối cơ quan hành chính huyện, vào giờ cao điểm tập trung nhiều phương tiện lưu thông, thường xuyên xảy ra va chạm, tai nạn gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông đường bộ. Cử tri đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm, đầu tư xây dựng vòng xuyến (vòng xoay) tại ngã 5 này nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị và an toàn giao thông.

* Bộ Giao thông vận tải trả lời (tại Công văn số 1862/BGTVT-KHĐT ngày 27/2/2023)

Tại ngã 5 của trung tâm huyện Cư Jút, nút giao giữa quốc lộ 28 và quốc lộ 14 có lý trình tại Km1796+060 đường Hồ Chí Minh, thuộc dự án đầu tư xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 14 (đoạn từ Km1794+00 đến Km1824+00) tỉnh Đắk Nông theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 quản lý, vận hành khai thác; đoạn tuyến đã được bàn giao đưa vào khai thác từ năm 2015.

Thực hiện ủy quyền của Cục Đường bộ Việt Nam (Văn bản số 2174/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 23/12/2022), Khu quản lý đường bộ III (QLĐBIII) đã có Văn bản số 189/KQLĐBIII-TTAT ngày 7/2/2023 đồng ý chủ trương về phương án cải tạo nút giao theo đề xuất của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14. Hiện tại, Công ty TNHH Đầu tư xây dựng lắp đặt công trình Toàn Mỹ 14 đang tổ chức lập dự án cải tạo nút giao và gửi hồ sơ đến Khu QLĐBIII để thỏa thuận hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán công trình cải tạo nút giao nêu trên làm cơ sở để triển khai thực hiện.

4. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị: Trong năm 2021, tỉnh Đắk Nông đã công nhận được 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (2 vùng hồ tiêu, 1 vùng cà phê và 1 vùng lúa) theo văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo quy định tại Quyết định số 66/201/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ thì vùng trồng, vùng chăn nuôi đề xuất phải đảm bảo đạt 5 tiêu chí. Tuy nhiên, quy định các tiêu chí chưa được lượng hóa cụ thể nên khó đánh giá mức độ đạt được, gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ, đánh giá và thẩm định. Cụ thể như sau:

- Một số đối tượng cây trồng không được quy định tại Khoản 5, Điều 2 Quyết định này như lúa thương phẩm, ngô giống, ngô thương phẩm, đậu nành, khoai lang,… Hiện nay, tỉnh Đắk Nông có 1 vùng sản xuất ngô tại xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô cơ bản đã được hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UBND tỉnh công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng do cây ngô không thuộc đối tượng được quy định dẫn đến chưa thể tổ chức họp Hội đồng thẩm định để công nhận.

- Các tiêu chí về liên kết, sản phẩm lợi thế, công nghệ ứng dụng tại Khoản 1, 2, 3, Điều 2, Quyết định này chỉ nêu nội dung, chưa có định lượng cụ thể gây khó khăn cho Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Chỉ tiêu thứ 4 (về cơ sở hạ tầng) có yêu cầu về liền vùng, liền thửa rất khó áp dụng thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Do vậy, nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định của Quyết định số 66/201/QĐ-TTg và triển khai hiệu quả Đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương, cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn cụ thể về các đối tượng cây trồng khác chưa được quy định tại Quyết định số 66/201/QĐ-TTg cũng như phương pháp đánh giá, lượng hóa cụ thể các tiêu chí tại các khoản 1, 2, 3, 4, Điều 2 của Quyết định để địa phương có cơ sở thực hiện công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời (tại Công văn số 1100/BNN-KHCN ngày 28/2/2023)

Thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, trước mắt và lâu dài cần hình thành được nhiều vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với vai trò chủ chốt là các doanh nghiệp.Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để sản xuất một hoặc một số sản phẩm nông sản hàng hóa có lợi thế của vùng bảo đảm đạt năng suất, chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường. Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg quy định 5 tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hiểu như sau:

- Tiêu chí 1 (Khoản 1, Điều 2): Các tổ chức sản xuất kinh doanh trong vùng liên kết với nhau từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa của vùng, được minh chứng bằng các hợp đồng kinh tế liên kết giữa các tổ chức trong vùng.

- Tiêu chí 2 (Khoản 2, Điều 2): Các nhóm sản phẩm có năng suất cao được xem xét theo năng suất của đối tượng sản xuất trong vùng với năng suất trung bình chung của ngành hàng (tham khảo theo số liệu của Tổng cục Thống kê); chất lượng sản phẩm được so sánh với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cùng loại trên thị trường (có thể áp dụng tiêu chuẩn các thị trường như: Codex, EU, Nhật …) hoặc được chứng nhận sản phẩm VietGAP.

- Tiêu chí 3 (Khoản 3, Điều 2): Về công nghệ ứng dụng để sản xuất trong vùng là các công nghệ cao, mang lại lợi nhuận và làm tăng năng suất lao động (so sánh với năng suất lao động trung bình được Tổng cục Thống kê công bố).

- Tiêu chí 4 (Khoản 4, Điều 2): Về cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo đảm sản xuất, kinh doanh của vùng được thuận lợi (có hệ thống thủy lợi; điện; nguồn nước;…); có quy mô diện tích lớn, liền canh, liền thửa để bảo đảm có thể ứng dụng được công nghệ cao đồng bộ, khuyến khích sản xuất tập trung tạo hàng hóa lớn đảm bảo có năng suất cao, sản lượng lớn, chất lượng cao, đồng đều; đầu tư tập trung, hạn chế manh mún về quy mô diện tích, gây cản trở cho việc ứng dụng công nghệ cao.

- Tiêu chí 5 (Khoản 5, Điều 2): Về đối tượng sản xuất của vùng tại Quyết định 66/2015/QĐ-TTg là những đối tượng tiềm năng phát triển, đã mang lại giá trị xuất khẩu lớn của ngành nông nghiệp trong những năm qua. Thực tế đã có những vùng được UBND cấp tỉnh công nhận có đối tượng sản xuất không thuộc quy định tại Khoản 5, Điều 2, Quyết định 66/QĐ-TTg như vùng nông nghiệpứng dụng công nghệ cao chuối VIFABA (Quyết định số 1213/QĐ-UBND ngày 20/3/2017 củaUBND tỉnh An Giang) là đối tượng lợi thế của tỉnh An Giang, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất thành hàng hóa lớn, chất lượng cao phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu.

Trên đây là tổng hợp kết quả trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri của các bộ, ngành Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp gửi đến Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đơn vị, địa phương để thông báo cho cử tri biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO