Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Đắk Nông

Bình Minh 24/02/2023 09:21

Ngày 16/2/2023, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đã có Thông báo số 02/TB-ĐĐBQH tổng hợp nội dung trả lời các ý kiến, kiến nghị cử tri Đắk Nông của các bộ, ngành, Trung ương. Báo Đắk Nông đăng toàn bộ nội dung của thông báo này.

ADQuảng cáo
41.-duong-khac-mai-dak-nong-tranh-luan-(1).jpg
Đại biểu Dương Khắc Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Đắk Nông chất vấn tại hội trường Quốc hội.

1. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị liên quan đến Bộ Nội vụ

1.1. Vấn đề thứ nhất: Đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu trình Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế phù hợp, không cắt giảm 10% biên chế theo cách cào bằng đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế, giáo dục và đào tạo ở các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có địa bàn chia cắt trong khi lại có mức tăng dân số cơ học lớn vì dân di cư không theo kế hoạch như tỉnh Đắk Nông.

* Bộ Nội vụ trả lời (tại Công văn số 6298/BNV-TCBC, ngày 11/12/2022)

Tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, yêu cầu tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị phải thực hiện, bảo đảm đến năm 2026 giảm 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Đối với lĩnh vực sự nghiệp giáo dục và đào tạo và lĩnh vực y tế có số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước chiếm trên 80% số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh Đắk Nông, nếu không thực hiện việc giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thì không thực hiện được mục tiêu tinh giản biên chế nêu trên. Theo đó, để bảo đảm thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của Đảng nêu trên, đề nghị tỉnh Đắk Nông thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước bảo đảm chi thường xuyên sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, chuyển đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang tự bảo đảm chi thường xuyên và thực hiện xã hội hóa các dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục và y tế để giảm số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đối với lĩnh vực giáo dục, tại Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026 (sau đây gọi tắt là Quyết định số 72-QĐ/TW), Bộ Chính trị đã quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó tỉnh Đắk Nông được bổ sung 115 biên chế giáo viên. Do đó, đề nghị tỉnh Đắk Nông xây dựng kế hoạch để quản lý và sử dụng hiệu quả số biên chế được giao.

Mặt khác, theo Quyết định số 70-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị; Quyết định số 72-QĐ/TW, Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý biên chế các và tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương (bao gồm cả biên chế của chính quyền địa phương), Ban Thường vụ tỉnh ủy trực tiếp quản lý biên chế được giao cho địa phương. Theo đó, việc quyết định về biên chế công chức, biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước của chính quyền địa phương, trong đó có biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh Đắk Nông do Ban Tổ chức Trung ương quyết định. Vì vậy, đề nghị cử tri kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Nông để có văn bản đề nghị Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn theo thẩm quyền.

1.2. Vấn đề thứ hai: Thời gian qua, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên cả nước nói chung, tỉnh Đắk Nông nói riêng nghỉ việc nhiều, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo. Nguyên nhân chính được cho là mức thu nhập còn thấp, không đảm bảo trang trải cuộc sống. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ cần sớm quan tâm, xem xét đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, nhân viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước, đặc biệt cần quan tâm đến lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo.

*Bộ Nội vụ trả lời (tại Công văn số 6601/BNV-TL, ngày 22/12/2022)

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư có xu hướng gia tăng năm 2020 đến nay nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có nguyên nhân về chế độ chính sách tiền lương khu vực công còn nhiều khó khăn so với nhu cầu cần thiết của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động như ý kiến cử tri nêu. Trước thực trạng nêu trên, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và các năm sau, Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV thông qua từ ngày 1/7/2023 nâng mức lương cơ sở từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 20,8%) để tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; đồng thời Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương nghiên cứu hoàn thiện các nội dung cụ thể của chính sách tiền lương và phụ cấp mới trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thực hiện vào thời điểm thích hợp sau năm 2023, bảo đảm theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

2. Cử tri tỉnh Đắk Nông có ý kiến Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Cụ thể, cử tri Đắk Nông kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần thống nhất về quy trình giám định, xem xét lý do vượt tổng mức của các cơ sở khám chữa bệnh trên bàn tỉnh Đắk Nông để sớm chi trả kịp thời cho các cơ sở khám chữa bệnh. Vì hiện nay, số kinh phí vượt tổng mức giai đoạn 2018 – 2021 chưa được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đồng ý thanh quyết toán, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trong thực hiện tự chủ, chi trả các chế độ cho viên chức, người lao động, chậm thanh quyết toán cho các công ty cung ứng thuốc, vật tư. Nếu vượt tổng mức kinh phí không được thanh quyết toán thì các cơ sở khám chữa bệnh không thể tiếp tục khám khi đã sử dụng hết quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) được giao.

2.1. Bộ Tài chính trả lời (tại Công văn số 13167/BTC-HCSN, ngày 13/12/2022)

- Về cơ quan ban hành và thực hiện quy trình giám định BHYT

Khoản 6, Điều 2, Luật BHYT năm 2008 quy định“Giám định BHYT là hoạt động chuyên môn do tổ chức BHYT tiến hành nhằm đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, làm cơ sở để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT”.

Điều 7, Luật BHYT năm 2008 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính về BHYT: (1) Phối hợp với Bộ Y tế, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng chính sách, pháp luật về tài chính liên quan đến BHYT; (2) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tài chính đối với BHYT, quỹ BHYT.

Điểm I, Khoản 3, Điều 2, Nghị định số 89/2020/NĐ-CP ngày 4/8/2020 của Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của BHXH Việt Nam:“i) Tổ chức ký hợp đồng với các cơ sở KCB có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng KCB BHYT; tổ chức thực hiện giám định BHYT theo quy định của pháp luật BHYT; bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT và chống lạm dụng, trục lợi chế độ BHYT”.

Căn cứ các quy định trên, BHXH Việt Nam là cơ quan ban hành và thực hiện quy trình giám địnhBHYT.

- Về việc thanh toán chi phí KCB BHYT

Chi phí KCB BHYT hằng năm của cơ sở KCB BHYT không vượt quá tổng mức thanh toán theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.

Việc Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi KCB BHYT hằng năm cho BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ năm 2018 nhằm mục tiêu quản lý việc chi từ nguồn BHYT, đảm bảo cân đối quỹ BHYT. Thực tế, BHXH Việt Nam không chuyển kinh phí cho BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chi trả chi phí KCB BHYT (như giao dự toán ngân sách Nhà nước) mà các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng nguồn thu đóng BHYT và quỹ dự phòng (trong trường hợp số thu BHYT dành cho KCB nhỏ hơn số chi KCB trong năm) theo quy định tại Điều 35, Luật BHYT đã được sửa đổi, bổ sung để sử dụng. Việc thanh toán chi phí KCB BHYT thực tế theo giá dịch vụ KCB. Theo đó, chi phí KCB BHYT được quyết toán không vượt quá tổng mức được thanh toán theo quy định (bao gồm cả số đã được quyết toán và số đề xuất thanh toán vượt dự toán).

- Về việc xem xét, quyết định bổ sung thanh toán nguồn kinh phí KCB BHYT vượt dự toán do nguyên nhân khách quan năm 2018-2021

Đối với việc thanh toán kinh phí vượt dự toán giai đoạn 2018-2020

Căn cứ đề xuất của BHXH Việt Nam tại Công văn số 1095/BHXH-CSYT ngày 17/4/2022 và Công văn số 1915/BHXH-CSYT ngày 18/7/2022 về việc đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ thanh toán vượt dự toán chi KCB BHYT, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế có Văn bản số 9324/BTC-HCSN ngày 16/9/2022 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT vượt dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao các năm 2018, năm 2019 và năm 2020 lần thứ 4 (trong đó có tỉnh Đắk Nông) và Công văn số 11359/BTC-HCSN ngày 04/11/2022 gửi Văn phòng Chính phủ về việc giải trình theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện thanh toán đối với các cơ sở KCB BHYT theo quy định.

Đối với việc thanh toán kinh phí vượt dự toán năm 2021

Tại Điểm b, Khoản 3, Điều 2, Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 30/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán chi KCB BHYT năm 2021 quy định: Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số chi KCB BHYT được giao tại Quyết định này, BHXH cấp tỉnh thuyết minh cụ thể số liệu và nguyên nhân, gửi BHXH cấp tỉnh thuyết minh cụ thể số liệu và nguyên nhân, gửi BHXH Việt Nam tổng hợp, báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam xem xét trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.

Do đó, đối với việc thanh toán kinh phí vượt dự toán năm 2021, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ sau khi có báo cáo của BHXH Việt Nam theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 2, Quyết định số 501/QĐ-TTg nêu trên.

2.2. Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời (tại Công văn số 86/BHXH-CSYT, ngày 12/01/2023)

- Về nội dung xây dựng quy trình giám định BHYT

Khoản 6, Điều 2, Luật BHYT năm 2008 quy định“Giám định BHYT là hoạt động chuyên môn do tổ chức BHYT tiến hành nhằm đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia BHYT, làm cơ sở để thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT”.

Điểm I, Khoản 3, Điều 2 Nghị định số 89/2020/ND-CP ngày 4/8/2020 của Chính phủ quy định nhiệm vụ và quyền hạn của BHXH Việt Nam: “i) Tổ chức ký hợp đồng với các cơ sở KCB có đủ điều kiện, tiêu chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng CKB BHYT; tổ chức thực hiện giám định BHYT theo quy định của pháp luật BHYT; bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT và chống lạm dụng, trục lợi chế độ BHYT”.

Căn cứ các quy định trên và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, BHXH Việt Nam đã xây dựng quy trình giám định BHYT để thống nhất thực hiện trong toàn quốc. Quá trình xây dựng dự thảo quy trình giám định, BHXH Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính; sở y tế các tỉnh, thành phố, BHXH các tỉnh, thành phố và các cơ sở KCB. Ngày 12/12/2022, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 3618/QĐ-BHXH kèm theo Quy trình giám định BHYT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 thay thế Quy trình giám định kèm theo Quyết định số 1456/QĐ-BHXH ngày 1/12/2015. Quy trình giám địnhđã được xây dựng với trình tự, thủ tục ban hành đảm bảo thực hiệntheođúng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và phù hợp xu hướng Chính phủ số hiện nay.

- Về thanh quyết toán chi phí KCB theo tổng mức thanh toán

Từ năm 2019 đến nay, thực hiện quy định tại Điều 24, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, đối với các cơ sở KCB thanh toán theo giá dịch vụ, cơ quan BHXH thanh quyết toán với cơ sở KCB không vượt quá tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT. Chi phí của cơ sở KCB trong tổng mức thanh toán nhưng vượt dự toán chi KCB BHYT Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh, cơ quan BHXH thẩm định tổng hợp báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng mức thanh toán được xác định theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với năm 2021, do đặc thù ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT, theo đó Khoản 3 quy định:“Cho phép quyết toán chi KCB BHYT năm 2021 bằng chi phí KCB BHYT theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB sau khi đã được cơ quan BHXH giám định theo quy định tại Khoản 2, Điều 32, Luật BHYT năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 46/2014/QH13…”. Ngày 1/12/2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 6979/BYT-BH triển khai Mục 3, Nghị quyết số 144/NQ-CP. Thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP của Chính phủ và Công văn số 6979/BYT-BH của Bộ Y tế, ngày 27/12/2022 trên cơ sở báo cáo của BHXH tỉnh, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 3986/BHXH-CSYT thông báo chi phí KCB được thanh quyết toán bổ sung theo Nghị quyết số 144/NQ-CP. Đến nay, toàn bộ chi phí KCB BHYT phát sinh năm 2021 sau giám định tại tỉnh Đắk Nông đã được thanh toán, tháo gỡ khó khăn về kinh phí hoạt động cho các cơ sở KCB. Tổng số tiền năm 2021 được thanh quyết toán tại tỉnh Đắk Nông là 205 tỷ đồng, trong đó có 1,8 tỷ đồng chi phí vượt mức tổng thanh toán.

- Đối với chi phí vượt dự toán khách quan từ năm 2018 đến năm 2021

Đối với năm 2018, tỉnh Đắk Nông có 29,9 tỷ đồng chi phí vượt dự toán do nguyên nhân khách quan đã được BHXH Việt Nam thẩm định tổng hợp, báo cáo được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam thông qua, trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 23/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thanh toán tại Công văn số 1194/TTg-KHTH, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH tỉnh hoàn thành việc thanh toán cho các cơ sở KCB.

Năm 2019, tỉnh Đắk Nông có 37,92 tỷ đồng chi phí vượt dự toán đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thanh toán, cơ quan BHXH đã thực hiện thanh quyết toán cho các cơ sở KCB.

Năm 2020, 2021, tỉnh Đắk Nông không vượt dự toán nên đã được thanh toán đầy đủ các chi phí KCB trong Tổng mức thanh toán theo quy định.

BHXH Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT. Việc thanh quyết toán chi phí KCB BHYT được thực hiện theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn của Chính phủ, các Bộ, ngành. Đối với các chi phí đề nghị thanh toán không đúng các quy định hiện hành, BHXH Việt Nam không có cơ sở xem xét thanh toán.

3. Đề nghị hỗ trợ ngân sách cho cơ sở khám chữa bệnh do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19

Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị các bộ, ngành liên quan sớm bố trí ngân sách hỗ trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh bị thiếu hụt nguồn thu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

* Bộ Y tế trả lời (Công văn số 7357/BYT-VPB1, ngày 19/12/2022)

Ngày 8/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 16/2022/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch Covid-19, theo đó tại Điều 7 (Tổ chức thực hiện) đã quy định cụ thể:

1. Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập căn cứ nguồn tài chính và chi thường xuyên thực hiện năm 2021 xác định mức đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại Điều 4 Quyết định này gửi cơ quan chủ quản, đơn vị dự toán cấp I rà soát, thẩm định trước ngày 15 tháng 7 năm 2022.

2. Cơ quan chủ quản, đơn vị dự toán cấp I tổng hợp báo cáo của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập theo mẫu biểu tổng hợp tại Phụ lục kèm theo, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chậm nhất trước ngày 15 tháng 8 năm 2022.

3. Kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch COVID-19 được bổ sung vào dự toán năm 2022 và tổng hợp quyết toán vào niên độ ngân sách năm 2022.

4. Đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm xét duyệt/thẩm định quyết toán năm 2021 của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc. Trường hợp kinh phí hỗ trợ đã được bổ sung còn thiếu, đơn vị dự toán cấp I tổng hợp, gửi cơ quan tài chính chậm nhất trước ngày 1 tháng 10 năm 2022 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Trường hợp kinh phí hỗ trợ đã được bổ sung còn thừa thực hiện nộp trả ngân sách nhà nước.

5. Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách để thực hiện.

6. Việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đơn vị chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ chi thường xuyên theo quy định của pháp luật.

Do vậy, Bộ Tài chính, UBND dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở khám chữa bệnh bị thiếu hụt nguồn thu do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo phân cấp quản lý ngân sách.

4. Cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT xem xét phương án quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp theo đề xuất của tỉnh Đắk Nông 

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 – 2030, phối hợp Bộ Nông nghiệp-PTNT lập quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vướng mắc về chỉ tiêu đất quy hoạch lâm nghiệp đến năm 2030 Trung ương phân bổ 292.981 ha, chiếm 45% diện tích tự nhiên của tỉnh. Với chỉ tiêu này sẽ phát sinh nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện quy hoạch, làm ảnh hưởng lớn tới thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông trong giai đoạn tới (có một điểm đáng lưu ý là do các yếu tố lịch sử để lại nên mặc dù quy hoạch là đất lâm nghiệp nhưng trong thực tế người dân đã trồng cây nông, công nghiệp, nhiều diện tích đã trồng trước năm 2004).

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, quy hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho tỉnh Đắk Nông thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tạo sự hài hòa giữa cơ cấu diện tích đất lâm nghiệp và diện tích các loại đất khác nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn năm 2021 – 2030. Kính đề nghị Bộ Nông nghiệp-PTNT quan tâm, xem xét phương án quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông đến năm 2030 theo đề xuất của tỉnh là 247.565 ha cho phù hợp với tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo sự hài hòa giữa cơ cấu đất lâm nghiệp và các loại đất khác, tạo điều kiện để quy hoạch sử dụng đất đạt hiệu quả, khai thác được tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới.

* Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời (tại Công văn số 8668/BNN-TCLN, ngày 22/12/2022)

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch đến năm 2030 của tỉnh Đắk Nông trong báo cáo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia là 292.981 ha, được xây dựng trên cơ sở: Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 về phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 (theo quy định tại Khoản 2, Điều 6, Luật Quy hoạch); Quyết định số 2195/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 của UBND tỉnh Đắk Nông về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1474/QĐ-UBND ngày 8/9/2017 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng tỉnh Đắk Nông, với diện tích 296.439 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, với chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng 42%, tương đương với 273.389 ha rừng; Dự thảo quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kèm theo Văn bản số 4876/UBND-TH ngày 26/8/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích giành cho phát triển không gian rừng đến năm 2030 trong báo cáo là 292.981 ha, gồm: rừng phòng hộ 49.895 ha, rừng đặc dụng 38.324 ha, rừng sản xuất 204.762 ha.

Để đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu lâm nghiệp và các loại đất khác, sử dụng đất đạt hiệu quả phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong giai đoạn tới, đề nghị UBND tỉnh khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; lập và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 tuân thủ theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Cử tri kiến nghị xem xét TP. Gia Nghĩa được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo Nghị định số 31 của Chính phủ

Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP Ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì toàn bộ các huyện và thị xã của tỉnh Đắk Nông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2020 tỉnh Đắk Nông có 8 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 7 huyện và 1 thành phố (TP. Gia Nghĩa được thành lập Nghị quyết số 835/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở nâng cấp từ thị xã Gia Nghĩa). Như vậy, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP không quy định thành phố Gia Nghĩa thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư, mặc dù địa phương này được xác định là vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại địa bàn TP. Gia Nghĩa, cử tri đại diện khối doanh nghiệp kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm trình Chính phủ xem xét, quyết định TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông được hưởng chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị định số 31/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

* Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời (tại Công văn số 123/BKHĐT-TH, ngày 06/01/2023)

Theo Phụ lục III Danh mục địa bàn đầu tư (ban hành kèm theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ) thì toàn bộ các huyện và thị xã của tỉnh Đắk Nông thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, TP.Gia Nghĩa đã được thành lập trên cơ sở nâng cấp từ thị xã Gia Nghĩa. Do vậy, TP. Gia Nghĩa không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận kiến nghị này và sẽ xem xét trong quá trình sửa đổi pháp luật về đầu tư.

6. Cử tri kiến nghị di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm TP. Gia Nghĩa

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, cử tri đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương về việc di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nhằm đảm bảo an toàn cho cả người dân và lưới điện cũng như tạo điều kiện để phát triển đô thị Gia Nghĩa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung. Các kiến nghị này đã được Bộ Công thương trả lời, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có kế hoạch thực hiện cụ thể. Vì vậy, cử tri tiếp tục kiến nghị nhanh chóng thực hiện công việc di dời này.

* Bộ Công thương trả lời (tại Công văn số 371/BCT-KHTC, ngày 19/1/2023)

Liên quan đến kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV về việc di dời đường dây điện cao thế 500 KV ra khỏi trung tâm TP.Gia Nghĩa nhằm đảm bảo an toàn cho cả người dân cũng như tạo điều kiện để phát triển đô thị Gia Nghĩa và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Bộ Công thương đã có Văn bản số 167/BCT-KH ngày 8/1/2020 gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông thông tin về việc giao và yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.

Ngày 15/3/2022, Bộ Công thương đã có Văn bản số 1290/BCT-KH đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với EVN xác định phương án di dời, đề xuất kinh phí và nguồn vốn thực hiện di dời, đồng thời báo cáo các cơ quan thẩm quyền về phương ánđiều chỉnh bổ sung quy hoạch để có cơ sở triển khai thực hiện. Đến nay, Bộ Công thương chưa nhận phản hồi của UBND tỉnh Đắk Nông.

Ngày 26/9/2022, Bộ Công thương tiếp tục có Văn bản số 1944/ĐL-KHQH gửi EVN; trong đó đề nghị EVN phối hợp với UBND tỉnh Đắk Nông và các cơ quan liên quan để xây dựng phương án tổng thể, đề xuất nguồn kinh phí khả thi để thực hiện, thời gian thực hiện dự kiến; đánh giá kỹ việc di dời đối với an toàn và độ tin cậy cung cấp điện; đề xuất các giải pháp đồng bộ về nguồn và lưới điện đểđảm bảo cung cấp điện trong trường hợp di dời.

7. Cử tri kiến nghị cần quan tâm cân đối hài hoà giữa việc khai thác, bảo vệ tài nguyên quốc gia với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Nông

Tỉnh Đắk Nông có nhiều loại khoáng sản, đặc biệt có trữ lượng và tài nguyên bô xít lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, quy hoạch khoáng sản hiện nay còn nhiều tồn tại, gây không ít khó khăn cho việc thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như phát triển sản xuất, nhiều công trình giao thông không thể triển khai được vì đi qua khu vực quy hoạch khoáng sản.

Vì vậy, cử tri kiến nghị Thủ tướng Chính phủ khi quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần quan tâm cân đối hài hoà giữa việc khai thác, bảo vệ tài nguyên quốc gia với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, việc triển khai quy hoạch, nhất là kế hoạch khai thác bô xít cần phải xác định lộ trình cụ thể, rõ ràng, phù hợp để vừa đảm bảo việc quản lý đất rừng, diện tích che phủ rừng tại địa phương vừa đảm bảo ổn định cuộc sống, sản xuất của người dân có đất nằm trong khu vực quy hoạch, khai thác khoáng sản, tránh tình trạng người dân thì không có đất canh tác nhưng đất thì lại bỏ hoang thời gian dài.

* Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời (tại Công văn số 398/BTNMT-PC, ngày 2/2/2023)

Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch ngành quốc gia về sử dụng tài nguyên có Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Công thương lập trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó có nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác các mỏ bô xít phân bố trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Theo nguyên tắc lập quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch, quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, do đó, các nội dung về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bô xít thuộc quy hoạch ngành quốc gia về sử dụng tài nguyên phải đảm bảo đồng bộ với phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Nông.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị với Bộ Công thương về công tác lập quy hoạch khoáng sản bô xít đảm bảo cân đối, hài hòa giữa việc khai thác, bảo vệ tài nguyên quốc gia với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo Thông báo số 02/TB-ĐĐBQH ngày 16/2/2023
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO