1. Nội dung thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
- Cử tri Đắk Nông kiến nghị Chính phủ xem xét việc tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết số 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, vì hiện nay tình hình dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn và vẫn còn ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân.
Trả lời: Hiện nay, Chính phủ đang giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành tổng kết đánh giá tình hình triển khai thực hiện chính sách; nghiên cứu đề xuất, bổ sung hoặc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách nhằm khôi phục và phát triển thị trường lao động phù hợp với tình hình trong thời gian tới như chính sách về hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ kinh doanh... để tiếp tục hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhằm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và ổn định đời sống cho người lao động.
- Cử tri kiến nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi Việt Nam cho phù hợp với thực tế hiện nay và chú ý đến việc thống nhất tên gọi chung cơ quan tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở; địa vị của Hội Người cao tuổi cho tương xứng với vị trí, vai trò của người cao tuổi; chế độ, chính sách đối với người cao tuổi cần nâng cao hơn nhưng giảm độ tuổi được thụ hưởng xuống; các nội dung có liên quan đến cán bộ hội...
Trả lời: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của cử tri Đắk Nông. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến cử tri, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Người cao tuổi.
2. Nội dung thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Tài nguyên - Môi trường
- Cử tri Đắk Nông ý kiến: Hiện nay, lĩnh vực đất đai còn nhiều vấn đề tồn tại, dễ phát sinh tiêu cực, lãng phí, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước, nếu không tháo gỡ sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Đặc biệt, quan tâm đến một số vấn đề cụ thể như: công tác quy hoạch và xây dựng kế hoạch sử dụng đất; giá đất; hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và đối tượng ưu tiên khi thực hiện công việc này...
- Hiện nay, tình hình giá đất tăng cao, có nơi tăng rất cao gây lũng đoạn thị trường bất động sản. Ở một số địa phương, nhiều đối tượng lợi dụng việc tăng giá đất để đầu cơ, tăng giá gây thất thu ngân sách Nhà nước, tạo lên những cơn sốt đất ảo, trong khi nhiều người dân không có đất để ở, sản xuất. Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường xem xét, sớm có giải pháp để khắc phục, quản lý việc đầu cơ giá đất và hạn chế việc tăng giá đất như hiện nay.
Bộ Tài nguyên - Môi trường trả lời: Thực hiện chương trình xây dựng Luật của Quốc hội, Bộ Tài nguyên - Môi trường được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV trên cơ sở bám sát, thể chế hóa nội dung tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đối với các nội dung cử tri Đắk Nông kiến nghị, Bộ Tài nguyên - Môi trường sẽ nghiên cứu, xem xét để bổ sung quy định cho phù hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Nội dung liên quan đến thẩm quyền trả lời của Bộ Công an; TAND Tối cao
- Cử tri Đắk Nông kiến nghị Chính phủ bổ sung ngân sách để lắp đặt nhiều hơn nữa camera giám sát giao thông trên các tuyến đường giao thông huyết mạch; từ đó, tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm giao thông bằng hình thức phạt nguội, nhằm hạn chế tối đa tiêu cực trong công tác xử lý các hành vi vi phạm giao thông. Đồng thời, việc nâng mật độ lắp đặt camera cũng góp phần răn đe, ngăn chặn để hạn chế các hành vi vi phạm trật tự giao thông cũng như các vi phạm an ninh trật tự khác.
Bộ Công an trả lời: Thời gian qua, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông khai thác, sử dụng có hiệu quả các hệ thống camera giám sát đã được trang bị phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Đồng thời, tiếp tục triển khai, thực hiện các dự án, đề án ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông như: Đề án 165 “Đầu tư, lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”... Bộ Công an ghi nhận kiến nghị của cử tri để xây dựng các dự án lắp đặt camera giám sát trên các quốc lộ trọng điểm góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
- Liên quan đến công tác xét xử, cử tri Đắk Nông ý kiến: Thời gian qua còn có nhiều vụ án oan sai, gây bất bình trong dư luận xã hội, thiếu công bằng đối với người bị kết án oan sai. Mặt khác, khi xảy ra oan sai thì các cơ quan phải thực hiện nhiều công việc như thỏa thuận bồi thường, xin lỗi, thực hiện bồi thường hoặc ứng ngân sách Nhà nước cho các đối tượng gây oan sai bồi thường theo quy định, điều này gây lãng phí về thời gian và ngân sách của Nhà nước. Do đó, cử tri đề nghị các cơ quan tố tụng và các cơ quan có liên quan cần có giải pháp để khắc phục vấn đề trên.
TAND Tối cao trả lời: Những năm gần đây, mặc dù các loại tội phạm có xu hướng gia tăng, nhưng với sự quyết tâm cao của các cơ quan tiến hành tố tụng, kết quả giải quyết các vụ án hình sự ngày càng có chuyển biến tích cực, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm pháp luật, kết án oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Trong 5 năm qua, trung bình, mỗi năm Tòa án nhân dân thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 79.129 vụ án /135.187 bị cáo; xét xử 77.270 vụ án /129.981 bị cáo. Kết quả xét xử theo thủ tục phúc thẩm và xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực cho thấy tỷ lệ các bản án, quyết định hình sự bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đã giảm từ 1,3% (năm 2017) xuống 0,6% (năm 2021). Kết quả này đạt các yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra và theo phương hướng tốt hơn. Trong số các bị cáo đã xét xử, chỉ có 1 trường hợp bị Tòa án cấp sơ thẩm tuyên có tội, sau đó được Tòa án cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội và một số rất ít trường hợp bản án bị hủy để điều tra lại, nhưng sau đó bị can được đình chỉ điều tra vì hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Vì vậy, ý kiến của cử tri cho rằng thời gian qua có nhiều vụ án oan sai là không đúng.
Về việc nếu xảy ra oan sai “thì các cơ quan phải thực hiện nhiều công việc như thỏa thuận bồi thường, xin lỗi, thực hiện bồi thường hoặc ứng ngân sách Nhà nước cho các đối tượng gây oan sai bồi thường”: đây là quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhằm khôi phục quyền lợi của những người bị kết án oan sai. Tòa án hoặc các cơ quan tố tụng phải thực hiện theo đúng quy định.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các vụ án hình sự nói riêng và các vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các Tòa án nói chung, các tòa án không ngừng phát huy tinh thần đổi mới: “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; chủ động, sáng tạo đề ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét xử, điển hình như: 14 giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, tạo điều kiện và bảo đảm cho những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử; bảo đảm khách quan, thận trọng, công tâm, đúng pháp luật; đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường kỷ luật công vụ, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân và các Hội thẩm nhân dân...
4. Nội dung liên quan đến thẩm quyền trả lời của Bộ Thông tin-Truyền thông
- Cử tri Đắk Nông kiến nghị: Chính phủ trình Quốc hội có tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương trình chuyển đổi số và có chế độ ưu đãi với nguồn nhân lực công nghệ thông tin, nhân lực có trình độ cao về công nghệ thông tin làm trong cơ quan Nhà nước, có chế độ thu hút nhân tài trong lĩnh vực chuyển đổi số. Đẩy mạnh chương trình khoa học công nghệ, chuyển đổi số để hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thành chương trình chuyển đổi số tại địa phương trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng... Thành công cuối cùng của chuyển đổi số quốc gia chính là việc người dân được thụ hưởng thành quả từ chuyển đổi số mang lại. Như vậy, chuyển đổi số quốc gia mới thực chất, không hình thức, làm theo phong trào, gây lãng phí. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương này.
Bộ Thông tin - Truyền thông trả lời:
- Về tỷ lệ % chi ngân sách dành cho chương trình chuyển đổi số: Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã xác định “Kinh phí thực hiện Chương trình này bao gồm: ngân sách Nhà nước; nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao ưu tiên nguồn lực để thực hiện các hoạt động chuyển đổi số”. Mức trung bình mà Chính phủ các nước chi cho chuyển đổi số để xây dựng Chính phủ số là khoảng 1% ngân sách. Trong Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số được phê duyệt tại Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xác định trách nhiệm: “UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng phương án bảo đảm kinh phí, phấn đấu tỷ lệ chi cho chuyển đổi số, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số trong tổng chi ngân sách Nhà nước cao hơn mức trung bình của thế giới.”
- Về chính sách hỗ trợ đặc thù cho cán bộ làm về công tác công nghệ thông tin: Tại Điều 21, khoản 3, Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước có quy định: “Thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách: Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp”.
- Về đẩy mạnh chương trình khoa học, công nghệ, chuyển đổi số để hỗ trợ cho các cơ quan Nhà nước sớm hoàn thành chương trình chuyển đổi số tại địa phương trong các ngành như du lịch, logistics, nông nghiệp, y tế, năng lượng...: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã đem lại những kết quả tích cực. Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc trong 193 quốc gia 2014 đến năm 2020 tăng 13 bậc, từ xếp hạng thứ 99 lên xếp hạng thứ 86, tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; các cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng như dân cư, bảo hiểm y tế, hộ tịch điện tử, đăng ký doanh nghiệp đã được đưa vào sử dụng, bước đầu phát huy hiệu quả, hướng tới giảm giấy tờ cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính. Việc trao đổi văn bản điện tử, báo cáo, chỉ đạo, xử lý công việc trên môi trường mạng đã đi vào nền nếp. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường triển khai các giải pháp sau:
+ Tổ chức phổ biến, quán triệt tới toàn bộ các tổ chức, cá nhân liên quan về việc tăng cường quản lý đầu tư bảo đảm hiệu quả, an toàn thông tin, an ninh mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
+ Thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn theo thẩm quyền.
+ Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến theo hướng dẫn của Bộ Thông tin – Truyền thông. Triển khai thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2022 theo danh mục đã được phê duyệt tại Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Triển khai thiết lập mạng lưới công nghệ số cộng đồng để kịp thời hỗ trợ triển khai Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số từ Trung ương đến tận cấp đơn vị, cấp cơ sở, phường, xã, tổ, đội; tham gia vào Mạng lưới công nghệ số cộng đồng toàn quốc.
+ Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
- Về đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa tới công tác tuyên truyền, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và đẩy mạnh việc hiện thực hóa chủ trương này: Ngày 28/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Trong đó bao gồm các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao nhận thức, truyền thông về chuyển đổi số. Bộ Thông tin – Truyền thông đã hướng dẫn và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai Đề án.
Một số nội dung mà Bộ Thông tin – Truyền thông đã và đang phối hợp với các địa phương để giúp người dân nhận thức rõ hơn về chuyển đổi số cũng như thụ hưởng các thành quả từ chuyển đổi số là việc triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương. Đến nay, 41/63 địa phương đã triển khai với 36.300 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 200.000 thành viên tham gia, triển khai đến tận thôn, xóm tại địa phương; thúc đẩy triển khai sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân, doanh nghiệp tại địa phương. Ngoài ra, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng chỉ đạo các cơ quan báo chí xây dựng và duy trì thường xuyên các chuyên trang, chuyên mục chuyển đổi số trên các báo điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng.
5. Nội dung liên quan đến thẩm quyền trả lời của Bộ NN&PTNT
Cử tri Đắk Nông kiến nghị: Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN&PTNT tăng cường sản xuất, nhập khẩu và quản lý chặt chẽ việc mua bán phân bón trên thị trường, nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Vì hiện nay vẫn còn tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, phân bón không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường, gây ảnh hưởng đến việc đầu tư, chăm sóc cây trồng và gây thiệt hại trong việc đầu tư, sản xuất của người dân.
Bộ NN&PTNT trả lời: Trước tình hình giá phân bón có diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, Bộ đã tổ chức hội nghị trao đổi, làm việc với Hiệp hội phân bón Việt Nam, một số doanh nghiệp sản xuất phân bón chủ lực để đánh giá và tìm giải pháp cho vấn đề này. Trong các giải pháp mà các doanh nghiệp sản xuất đã cam kết thực hiện, giải pháp về hợp lý hóa các chi phí sản xuất, duy trì giá bán hợp lý, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối, minh bạch hóa giá bán để phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất đang được Cục Bảo vệ thực vật theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Bộ NN&PTNT đồng chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội nghị trực tuyến vào ngày 11/8/2021 với 13 tỉnh/thành phố Đồng bằng Sông Cửu Long và một số doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn trong nước để cập nhật thị trường phân bón trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam và đề xuất giải pháp góp phần bình ổn thị trường phân bón.
Tại Hội nghị, Bộ Công thương cũng đã yêu cầu lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bình ổn thị trường phân bón; chủ động phối hợp với các Sở NN&PTNT, các ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với mặt hàng phân bón và có các giải pháp ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, không bảo đảm chất lượng. Đồng thời, Bộ Công thương đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có Văn bản số 4856/BCT-HC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về giải pháp bình ổn thị trường phân bón. Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ nhằm đẩy giá phân bón lên cao. Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 6115/VPCP-KTTH ngày 2/9/2021, thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, thực hiện các giải pháp đối với các kiến nghị của Bộ Công thương bảo đảm bình ổn giá phân bón và cân đối cung cầu thị trường trong nước, đáp ứng nhu cầu phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-BCT ngày 23/8/2021 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hành vi hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhập lậu, v.v...
Bộ NN&PTNT đã có văn bản số 7504/BNNBVTV, ngày 9/11/2021 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình sản xuất, cung cầu và giải pháp bình ổn thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công thương “Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón, kém chất lượng”. Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 9077/VPCP-NN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu ý kiến của Bộ NN&PTNT để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phân bón góp phần bình ổn thị trường phân bón. Hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, hiệp hội, cơ quan truyền thông đã và đang tích cực triển khai thực hiện các nội dung nêu trên. Một trong số các giải pháp mà Chính phủ, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành, địa phương đã và đang quyết liệt thực hiện là: Tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát thị trường phân bón, chống đầu cơ tăng giá, đặc biệt là các hành vi đầu cơ tăng giá, sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng và áp dụng các biện pháp hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, lưu thông để góp phần bình ổn thị trường trong nước, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiêu thụ phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp trong nước với mức giá phù hợp.
6. Nội dung thuộc thẩm quyền trả lời của Bộ Công thương
Cử tri Đắk Nông kiến nghị: Trong bối cảnh tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ sinh hoạt và sản xuất như xăng dầu, gas, phân bón, thức ăn chăn nuôi... liên tục tăng trong thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục có các biện pháp bình ổn giá xăng dầu và các mặt hàng vật tư nông nghiệp và hướng dẫn xử lý việc tăng giá vật tư, nguyên nhiên, vật liệu cho các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, cử tri đề nghị Chính phủ có các giải pháp để hỗ trợ người dân, thành phần lao động yếu thế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và sản xuất trong tình hình vật giá đang ngày càng tăng cao.
Bộ Công thương trả lời: Do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế thế giới và cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina đã khiến nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu hạn chế, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, xu hướng gia tăng lạm phát tại nhiều nước trên thế giới... đã tác động khiến giá các mặt hàng xăng dầu, gas, vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi... ở thị trường trong nước tăng cao so với cùng kỳ những năm trước, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Trong thời gian qua, Bộ Công thương đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm góp phần bình ổn giá, hỗ trợ doanh nghiệp, người nông dân và người dân vượt qua khó khăn như sau:
Đối với mặt hàng phân bón: Bộ Công thương đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất phân bón lớn chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phát huy công suất sản xuất, giảm tồn kho, kiểm soát kênh phân phối, tiết giảm chi phí sản xuất, ưu tiên tối đa tiêu thụ phân bón tại thị trường trong nước, định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón; Làm việc trực tiếp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá tình hình sản xuất, nắm bắt tình hình biến động giá cả trong nước và thế giới, tình hình cung ứng phân bón ra thị trường, các biện pháp chỉ đạo điều hành hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm cung ứng tối đa cho thị trường nội địa...
Trong thời gian tới, nhằm góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện tái sản xuất, Bộ Công thương sẽ phối hợp thực hiện đồng bộ một số nội dung sau: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, nhất là chương trình bình ổn thị trường; Phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính rà soát, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, tránh tình trạng giá tăng – giảm bất hợp lý; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu: Thời gian qua, Bộ Công thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, các thông tư hướng dẫn và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Việc điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công thương – Tài chính thực hiện minh bạch, công khai theo đúng quy định, công thức tính giá cơ sở, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, việc trích và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn có liên quan. Các thông số về Giá xăng dầu thế giới (Platt Singapor) để thực hiện tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu, mức trích lập, chi, số dư Quỹ bình ổn giá, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu được Bộ Công thương công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương, gửi cho các cơ quan báo chí và doanh nghiệp biết, thực hiện theo từng kỳ điều hành giá xăng dầu.
Nhằm hỗ trợ cho đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19, góp phần bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, trong công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, liên Bộ Công thương - Tài chính đã chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) (với mức chi từ 100 - 1.500 đồng/lít tùy loại) nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước, điều chỉnh giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới. Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 1/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) biến động tăng từ 10,10% đến 47,49% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành ngày 1/8/2022 so với đầu năm 2022 (ngày 11/1/2022) chỉ tăng từ 1,14% - 43,15%.
Ngoài ra, để kịp thời, đáp ứng yêu cầu của xã hội, trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, tăng cao, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, mục tiêu phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, việc sử dụng công cụ Quỹ BOG bị hạn chế do không còn nhiều dư địa (số dư Quỹ BOG đang ở mức thấp, số dư Quỹ BOG tại nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đang ở mức âm), Bộ Công thương đã kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ xem xét, điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn và tiếp tục giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 8/7/2022 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn.
Hiện số dư Quỹ BOG đang dần được khôi phục, thời gian tới, liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ tiếp tục thực hiện công tác điều hành giá xăng dầu theo hướng phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong nước, duy trì công cụ Quỹ BOG để có dư địa điều hành giá xăng dầu khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ đời sống của người dân, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; duy trì mức chênh lệch giá giữa xăng sinh học E5RON92 và xăng khoáng RON95 ở mức hợp lý để khuyến khích sử dụng xăng sinh học nhằm bảo vệ môi trường theo chủ trương của Chính phủ. Ngoài ra, bên cạnh công cụ Quỹ BOG, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ (nếu cần thiết) chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát, điều chỉnh các loại thuế, phí áp dụng đối với mặt hàng xăng dầu để có cơ sở bình ổn giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống của Nhân dân.