Quân đội Sudan và Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) ngày 30/4 đồng loạt tuyên bố gia hạn lệnh ngừng bắn hiện hành thêm 72 tiếng. Đây là thỏa thuận mới nhất trong hàng loạt lệnh ngừng bắn vốn bị cả hai bên vi phạm trước đó.
Lệnh ngừng bắn hiện hành sẽ được gia hạn từ 22h GMT ngày 30/4 (tức 5h ngày 1/5 theo giờ Hà Nội). Quân đội Sudan cho biết hai bên đạt được thỏa thuận gia hạn thông qua vai trò trung gian hòa giải của Mỹ và Saudi Arabia.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) cho biết lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Sudan sẽ được gia hạn từ nửa đêm 30/4 (giờ địa phương) và sẽ kéo dài trong ba ngày.
Tuyên bố có đoạn: “Hưởng ứng lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, khu vực và địa phương, chúng tôi tuyên bố gia hạn lệnh ngừng bắn nhân đạo trong 72 tiếng, kể từ nửa đêm hôm nay (30/4), để mở ra các hành lang nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động di chuyển của các công dân và cư dân, đồng thời cho phép họ đáp ứng những nhu cầu của bản thân và tới các khu vực an toàn.”
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok ngày 29/4 cảnh báo tình trạng xung đột tại quốc gia Đông Bắc Phi đầy bất ổn này có nguy cơ trở thành một trong những cuộc nội chiến tồi tệ nhất thế giới nếu không được ngăn chặn sớm.
Hơn 500 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra hôm 15/4 giữa quân đội Sudan dưới quyền chỉ huy của Tổng Tư lệnh Abdel Fattah al-Burhan và RSF do ông Mohamed Hamdan Daglo lãnh đạo.
Nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã được hai bên nhất trí song không hiệu quả, khi số lượng dân thường thiệt mạng tiếp tục tăng lên, tình trạng hỗn loạn vẫn bao trùm thủ đô Khartoum. Nhiều người ở thành phố 5 triệu dân này đã bị mắc kẹt trong nhà mà không có thức ăn, nước uống và điện.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại châu Phi dẫn lời cựu Thủ tướng Hamdok trong cuộc trao đổi với ông trùm viễn thông Mo Ibrahim tại một sự kiện ở Nairobi (Kenya) đánh giá nội chiến ở Sudan sẽ là cơn ác mộng và gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với thế giới.
Cựu Thủ tướng Hamdok nhấn mạnh tình trạng xung đột hiện tại là một “cuộc chiến vô nghĩa” giữa hai đội quân. Không bên nào giành chiến thắng khi bước ra khỏi cuộc chiến này. Đó là lý do tại sao giao tranh phải dừng lại.
Theo Liên hợp quốc, khoảng 75.000 người đã phải sơ tán do xung đột ở Khartoum và các bang Blue Nile, North Kordofan, cũng như khu vực phía Tây Darfur. Cuộc nội chiến cũng đã gây ra làn sóng sơ tán hàng loạt của các công dân nước ngoài và đội ngũ nhân viên quốc tế.
Ông Hamdok từng đảm nhiệm cương vị thủ tướng của quá trình chuyển đổi mong manh ở Sudan sang chế độ dân sự, trước khi bị lật đổ và giam giữ trong một cuộc đảo chính. Mặc dù được phục chức sau đó, nhưng ông đã từ chức hồi tháng Một năm nay./.