Cà phê tươi Đắk Nông “đắt như tôm tươi”
Hiện nay, giá cà phê tươi ở mức cao, có nơi nông dân bán ra cầm chừng, tạo nên khan hiếm cho mặt hàng này.
Chị Võ Thị Vinh, xã Đức Mạnh, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có 3ha cà phê dây và TR4. Năm nay, chị ước thu được khoảng 25 tấn cà phê tươi, tương đương khoảng 5 tấn cà phê nhân.
Chị Vinh cho biết, đầu tháng 1/2024, gia đình bắt đầu vào vụ thu hoạch cà phê. Đây là thời điểm giá cà phê tươi bắt đầu tăng cao. Khi giá cà phê tươi ở mức 16.000 đồng/kg (cao hơn những năm trước khoảng 5.000 đồng/kg), chị đã bán 3 tấn.
“Hiện nay, gia đình vừa thu hoạch xong mùa vụ. Giá cà phê nhân có thời điểm tại xã Đức Mạnh lên đến 73.000 đồng/kg, cao nhất từ trước đến nay, nhưng chúng tôi vẫn chưa bán. Chúng tôi đang kỳ vọng giá cà phê nhân sẽ cao hơn nữa”, chị Vinh chia sẻ.
Anh Trần Đại Phúc, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, có hơn 2,5ha cà phê. Anh trồng cà phê theo hướng hữu cơ và tỷ lệ hái chín đạt 100%. Các đơn vị đến tận rẫy thương lượng muốn thu mua khoảng 25 tấn cà phê tươi của gia đình với giá có lúc đến 20.000 đồng/kg để chế biến cà phê sạch, đặc sản. Tuy giá cà phê tươi cao, nhưng gia đình chỉ bán 5 tấn.
Anh Nguyễn Văn Luyên, cũng ở xã Đức Minh, có 2,5ha cà phê dây đang thu hoạch. Anh Luyên cho biết, năm nay do giá cà phê nhân tăng cao giá cà phê tươi cũng tăng mạnh.
Từ đầu tháng 1 đến nay, giá cà phê tươi thường duy trì ở mức 17.000 đồng/kg, có thời điểm gần 21.000 đồng/kg. Các công ty, đại lý, HTX, thương lái đến tận vườn thương lượng với nông dân thu mua cà phê tươi.
"Họ đưa cả nhân công đến hái cà phê, có xe chở luôn, nhưng chúng tôi vẫn không dám bán nhiều. Chúng tôi được biết nguồn cung cà phê nhân trên thế giới đang khan hiếm. Dự báo năm 2024, giá cà phê nhân sẽ tăng cao, nên tôi đang chờ đợi”, Luyên chia sẻ.
Anh Võ Đình Danh, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Đắk Mil cho biết: Nhiều doanh nghiệp, công ty, HTX, thương lái không chỉ ở Đắk Mil mà các vùng khác cũng đến địa bàn thu mua cà phê tươi. Điều này tạo ra sự cạnh tranh về giá mạnh mẽ so với các năm trước.
Đa số các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong khâu thu mua cà phê tươi do nông dân bán ra ít. Nông dân chủ yếu phơi cà phê khô để đợi giá cao hơn mới bán.
“Các đơn vị chế biến cà phê chất lượng cao như chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn trong thu mua cà phê tươi. Chúng tôi phải mua giá cao, chịu sự cạnh tranh khốc liệt. Bởi, chế biến cà phê chất lượng cao cần phải mua cà phê tươi, tỷ lệ quả chín từ 80-100%, sau đó chúng tôi về phơi, sấy đúng kỹ thuật mới ra thành phẩm đạt chất lượng tốt”, anh Danh chia sẻ.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị sốt sắng thu mua cà phê tươi. Nguyên nhân chính do trước đó nhiều đơn vị đã hợp đồng với các đối tác về số lượng cà phê nhân, nhưng đến thời điểm giao hàng nông dân bán ra dè dặt.
Những năm gần đây, nông dân giảm số lượng cà phê nhân ký gửi tại các đại lý. Ngoài ra, sản lượng cà phê năm nay nhiều vùng giảm, dẫn đến thiếu nguồn cung, trong khi đó nguồn cà phê dự trữ của các nước trên thế giới giảm mạnh.
Đắk Nông hiện có 141.000ha, sản lượng khoảng 361.000 tấn. Trong đó, huyện Đắk Mil có khoảng 21.200ha, sản lượng trên 47.750 tấn nhân. Nông dân Đắk Mil ngày càng chú trọng chọn trồng các giống cà phê cho năng suất, chất lượng cao và sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt của Việt Nam, quốc tế, từ đó tạo uy tín, thương hiệu cho sản phẩm.