Cà phê đặc sản Đắk Nông
“Cà phê từ vùng trồng có điều kiện tự nhiên cùng với quy trình chăm sóc, thu hoạch, chế biến đặc biệt, khi thử nếm có hương vị riêng, đạt từ 80 điểm trở lên theo tiêu chuẩn đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) hoặc Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI)” sẽ được cấp chứng nhận cà phê đặc sản.
Sau hơn 5 năm canh tác theo hướng bền vững, rẫy cà phê 3 ha của gia đình anh Hồ Văn Hoan, thị trấn Đắk Mil (Đắk Mil), dần hình thành một hệ sinh thái với thảm cỏ, cây tạo tán, che bóng. Anh sử dụng các loại phân bón hữu cơ thay thế phân hóa học.
Ngoài thay đổi cách canh tác, anh còn thu hái cà phê có tỷ lệ quả chín cao, xay ướt và phơi trên giàn lưới. Sự thay đổi này đã giúp anh nâng cao chất lượng hạt cà phê.
Trong cuộc thi cà phê đặc sản năm 2022 tại Đắk Lắk, cà phê của anh Hoan đạt trên 80 điểm, đạt cà phê đặc sản, với mẻ cà phê gần 2 tấn nhân chế biến theo hình thức honey. Do chưa có đầu ra tốt, nên giá bán của anh Hoan cho lô cà phê này chỉ từ 70.000-80.000 đồng/kg, nhưng cũng cao hơn giá thị trường gần gấp đôi.
Đạt cà phê đặc sản giúp tôi chủ động và tự tin với quy trình chế biến đang áp dụng, giá bán cao hơn, tự tin tăng số lượng và chất lượng cà phê đặc sản trong những năm tới.
Anh Hồ Văn Hoan, thị trấn Đắk Mil, Đắk Mil, Đắk Nông
Ông Hoàng Châu Hồng, ở xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), đã áp dụng quy trình sơ chế, chế biến cà phê từ năm 2019 đến nay. Năm nay, ông mang đến Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam tại Đắk Lắk và đạt trên 80 điểm. Mẻ cà phê đặc sản 600 kg được ông bán cho các nhà rang xay với giá 120.000 đồng/kg.
Để đạt được tiêu chuẩn cà phê đặc sản, đòi hỏi rất nhiều công sức đầu tư của người sản xuất và sự thuận lợi của thời tiết ở thời điểm chế biến, mới cho kết quả như ý muốn. Chính vì thế, cà phê đặc sản có giá cao nhưng để có số lượng lớn thì không dễ.
Ông Hoàng Châu Hồng, ở xã Nhân Cơ, Đắk R'lấp, Đắk Nông
Theo đuổi quy trình sản xuất cà phê đặc sản từ năm 2014, bỏ rất nhiều công sức để học tập, mua máy móc thực hiện các quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao, rồi cà phê đặc sản, năm 2022, tin vui đã đến với anh Trần Văn Phú, ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) khi cà phê của anh đạt chứng nhận CQI với hơn 600 kg.
Năm 2022, tỉnh Đắk Nông có 5 vườn cà phê có mẫu dự thi đạt cà phê đặc sản, trong đó có 3 vườn đạt cà phê đặc sản do Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI) chứng nhận. 2 hộ dân đạt trên 80 điểm tại Cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam tổ chức tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Hơn 10 năm nay, người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông bắt đầu tái canh cà phê quy mô lớn. Người dân đã đưa các giống mới vào tái canh thay cho diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng, giúp tăng sản lượng cà phê. Trong quá trình lựa chọn giống, người dân tiếp cận nhiều hơn kiến thức về quy trình chăm sóc, quy trình sơ chế, chế biến cà phê sau thu hoạch.
Nhiều nông dân đã thay đổi lối canh tác để tối ưu hóa sản lượng và tìm cách nâng cao chất lượng cà phê. Người dân đã được tiếp cận với quy trình sơ chế, chế biến sau thu hoạch, được trang bị kiến thức để sản xuất cà phê, chế biến cà phê chất lượng cao.
Đắk Nông hiện có 135.000 ha cà phê, sản lượng 332.000 tấn/năm, đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên, sau Đắk Lắk, Lâm Đồng. Thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đã tập trung xây dựng vùng cà phê đặc sản theo tiêu chuẩn và quy trình đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới (SCA) và Viện Chất lượng cà phê thế giới (CQI). Người dân và các hợp tác xã đã chủ động sản xuất cà phê theo quy trình chất lượng cao, đặc sản với 225 ha, sản lượng 251 tấn/năm, tập trung nhiều tại Đắk Mil, Đắk Song, Krông Nô, Tuy Đức…
Những năm qua, một số cá nhân, tổ chức đã sản xuất, chế biến cà phê theo hướng cà phê đặc sản, đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam (VietNam Amazing Cup), trong đó, một số sản phẩm cà phê Robusta được công nhận đạt tiêu chuẩn đặc sản.
Cụ thể, năm 2019 có 2 sản phẩm được công nhận; năm 2020 có 3 sản phẩm được công nhận, năm 2021 có 2 sản phẩm được công nhận, năm 2022 có 5 sản phẩm được công nhận. Đây là nền tảng để phát triển các sản phẩm cà phê đặc sản tại một số vùng của tỉnh Đắk Nông.
Mục tiêu phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đến năm 2025, tỉnh có khoảng 1.000 ha sản xuất cà phê đặc sản, với sản lượng cà phê nhân chọn lọc đáp ứng chế biến sản phẩm cà phê đặc sản đạt 530 tấn trở lên.
Đến năm 2030, toàn tỉnh có diện tích sản xuất cà phê đặc sản dự kiến đạt khoảng 2.000 ha và sản lượng đạt 1.500 tấn trở lên (so với năm 2025 tăng gấp đôi về diện tích và tăng gần 2,83 lần về sản lượng). Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Đắk Nông yêu cầu tổ chức sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị, lấy hợp tác xã làm trung tâm, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường.
Các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất căn cứ vào lợi thế về điều kiện sinh thái và thị trường, xác định vùng tiềm năng trồng cà phê đặc sản, ưu tiên giữ gìn và phát triển vùng nguyên liệu truyền thống sản xuất cà phê đặc sản.