Pháp luật

Cả nước thu hơn 117.000 tỷ đồng thi hành án dân sự

Hoàng Thanh 17/12/2024 12:46

Năm 2024, công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 621.000 việc được thi hành xong, thu được hơn 117.000 tỷ đồng.

Sáng 17/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Đồng chí Lê Thành Long Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ, dự và chỉ đạo hội nghị.

img_4050(2).jpg
Các đồng chí chủ trì hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông

Năm 2024, Bộ Tư pháp đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết. Bộ Tư pháp đã thẩm định 33 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 176 dự án, dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, ngành đã thẩm định 692 dự thảo. Các địa phương đã thẩm định 365 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và 8.058 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

6.099 văn bản quy phạm pháp luật đã được ngành tư pháp tiếp nhận, phân loại, kiểm tra. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản, các địa phương kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 văn bản quy phạm pháp luật.

Công tác thi hành án dân sự đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay, với hơn 621.000 việc được thi hành xong, thu được hơn 117.000 tỷ đồng, tăng hơn 45.000 việc và tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và triển khai Đề án 06 của Chính phủ. Đến nay, cả nước đã số hóa hơn 3 triệu sổ với 95,8 triệu dữ liệu, trong đó, đã cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử hơn 79,3 triệu dữ liệu và được kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công tác trợ giúp pháp lý đóng vai trò tích cực trong an sinh và phát triển kinh tế-xã hội. Cả nước đã thụ lý 63.361 vụ việc trợ giúp pháp lý, trong đó có 56.034 vụ việc tham gia tố tụng.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, Bộ, ngành Tư pháp xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 và đề ra một số giải pháp chủ yếu.

Bộ Tư pháp tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Bộ tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển KTXH năm 2025.

Ngành Tư pháp tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp.

Công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương được tăng cường. Ngành kịp thời báo cáo, tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành.

Công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao… tiếp tục được tăng cường.

x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Cả nước thu hơn 117.000 tỷ đồng thi hành án dân sự
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO