Video clip:
Tại điểm cầu Đắk Nông, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trọng Yên cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham dự hội nghị.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Nông |
Từ năm 2014 đến nay, tổng kinh phí các địa phương đã hỗ trợ cho nông hộ để phát triển chăn nuôi là trên 832 tỷ đồng. Các nguồn hỗ trợ đều phục vụ người dân thực hiện các mục tiêu như: Phối giống nhân tạo cho gia súc; mua con giống gia súc, gia cầm; xử lý chất thải…
Theo đánh giá, Quyết định số 50 đã tác động tích cực đến chăn nuôi nông hộ; góp phần tăng thu nhập từ 5-15% cho nông hộ. Quyết định góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chăn nuôi hiệu quả, an toàn sinh học.
Tuy nhiên, qua thực tế ở các địa phương, việc thực hiện Quyết định số 50 vẫn còn những khó khăn như: Hạn chế về vật tư, kỹ thuật; mức hỗ trợ không cao; hồ sơ, thủ tục xin hỗ trợ còn phức tạp đối với người dân; người chăn nuôi thiếu kinh phí đối ứng...
Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT khẳng định, chăn nuôi nông hộ có vai trò quan trọng đối với ngành chăn nuôi nước ta. Chăn nuôi nông hộ đã góp phần nâng cao tỷ trọng, giá trị chăn nuôi trong nông nghiệp. Nông hộ đã quan tâm nhiều hơn đến khâu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Để đáp ứng yêu cầu mới của chăn nuôi nông hộ, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, sản xuất các con giống đặc sản, liên kết để tạo đầu ra ổn định...
Việc thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2045, rất cần có chính sách để tạo nguồn lực hỗ trợ chăn nuôi; làm sao phải nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, giảm thiểu tổn thương đối với ngành chăn nuôi.
Do đó, Cục Chăn nuôi và các địa phương cần sớm đề xuất xây dựng quy định về chính sách đầu tư, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, làm tiền đề triển khai chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trong những giai đoạn tiếp theo.