Đời sống

Cả làng làm cơm cúng ngày Thương binh - Liệt sĩ

Đắc Thành 27/07/2023 08:31

Dịp 27/7, gia đình nào trong làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ) cũng làm mâm cơm cúng tưởng nhớ người thân đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

ADQuảng cáo

Cách trung tâm TP Tam Kỳ hơn 5 km, làng Thạch Tân có 262 hộ dân, trong đó có 59 bà mẹ Việt Nam anh hùng và 203 liệt sĩ. Trong chiến tranh, từ năm 1965 đến 1967, người dân nơi đây dùng dụng cụ thô sơ đào địa đạo Kỳ Anh dài 32 km trên vùng cát nhằm nuôi giấu cán bộ. Tháng 5/1997, địa đạo được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.

Đã trở thành thông lệ, đến ngày 27/7, bà Huỳnh Thị Từ cùng con cháu làm mâm cúng anh trai là liệt sĩ Huỳnh Xuân, hy sinh 1969. "Dù có nghèo khó thì đến ngày thương binh liệt sĩ tôi vẫn làm mâm cơm hoặc mua trái cây đặt lên bàn thờ tưởng nhớ anh trai và những người khác đã ngã xuống vì độc lập dân tộc", bà cho biết.

Bà Từ chuẩn bị lễ vật gồm hoa quả, bánh kẹo, vàng mã, cau trầu, rượu và các món ăn, chia làm hai mâm. Một mâm bà đặt ở gian thờ anh trai, một mâm đặt ngoài sân nhà để cúng cô bác - những người hi sinh trong chiến tranh.

Bà Huỳnh Thị Khoa (bên phải) và em gái Huỳnh Thị Loan, con của liệt sĩ Huỳnh Xuân, hiện sinh sống ở Đăk Lăk. Đến ngày 27/7, hai bà về quê để cúng bố.

"Do ở xa nên vài năm hai chị em mới sắp xếp về cúng một lần. Những lần không về được, cứ ngày 27/7 hai chị em cúng tại nhà mình", bà Khoa nói và cho hay đây là truyền thống của gia đình.

Cách nhà bà Từ khoảng 200 m, ông Nguyễn Ngọc Ấn, con trai liệt sĩ Nguyễn Tri, hi sinh năm 1968, đã chuẩn bị xong đồ cúng gồm hoa quả, bánh kẹo, bánh đa, thịt luộc, cá rán, nem, tôm hấp... bày ra bàn rồi rót rượu làm lễ cúng.

ADQuảng cáo

"Với tôi, 27/7 là ngày quan trọng. Ngoài ngày giỗ riêng của từng người thân, đây là ngày giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ", ông nói và cho biết sau này già yếu sẽ dặn con cháu tiếp nối truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Lâm (chị gái ông Ấn) thắp hương, đặt hoa quả chuẩn bị lễ cúng cho bố. Gia đình có sáu anh chị em, nhưng mất ba người trong chiến tranh.

Việc hương khói cho bố do bà Lâm đảm nhận. Đất nước hòa bình, nhà nước có chế độ hương khói đối với người có công. "Nhận tiền hỗ trợ, không riêng gì tôi mà các gia đình ở Thạch Tân đều làm mâm cơm cúng trong ngày 27/7", bà Lâm nói.

Khác với những người trong thôn soạn mâm cơm, bà Trần Thị Thơ có mẹ là Việt Nam hùng và ba người thân là liệt sĩ, dọn hoa quả, bánh kẹo, rượu, cau trầu thắp hương cúng. "Năm nay con cháu đi làm ăn nên tôi cúng bánh trái", bà giải thích.

Nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ được chính quyền xây dựng tại làng.

Ông Huỳnh Kim Ta, trưởng thôn Thạch Tân, có bà nội và mẹ là bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng cha, anh trai, chị gái là liệt sĩ, cho biết dịp 27/7 ông lại ra đây thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.

"Gần đây khu công nghiệp Tam Thăng hình thành, con em trong làng đi làm nên nhiều gia đình chuyển qua cúng ngày 26/7 hoặc vào thứ bảy, chủ nhật để tập trung đông đủ con cháu", ông Ta nói.

Quảng Nam có hơn 65.000 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, trên 30.000 người mang thương tật suốt đời, 6.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Đây cũng là tỉnh có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất cả nước, với 15.298 mẹ.

Cả làng cúng ngày thương binh liệt sĩ
ADQuảng cáo
Theo vnexpress.net
https://vnexpress.net/ca-lang-lam-com-cung-ngay-thuong-binh-liet-si-4634261.html?gidzl=Zb26FOdkltACIe0uX_2wTeHBWpwOehHnpqlODSgZvYhBIDmpmQItUC0VWMAKehueaXtJCZCoYWvyZkoxTW
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cả làng làm cơm cúng ngày Thương binh - Liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO