Ca Huế - Di sản độc đáo của vùng đất cố đô

Nguyễn Hồng (t.h)| 14/05/2021 08:31

Ca Huế khởi nguồn từ hát cửa quyền trong cung vua phủ chúa, với hình thức diễn xướng mang tính bác học dành cho giới thượng lưu say mê nghệ thuật. Theo thời gian, lối hát thính phòng này dần được dân gian hóa để có điều kiện đến được với nhiều tầng lớp công chúng.

Sự hình thành và phát triển

Ca Huế được phát triển vào khoảng thế kỷ thứ XVII, trở thành thú chơi tao nhã của các hoàng thân quốc thích, gia đình danh gia vọng tộc trong suốt thời gian dài khi Huế là thủ phủ xứ Đàng Trong, sau đó là kinh đô của cả nước dưới triều Nguyễn, đạt đến đỉnh cao từ thời Minh Mạng (1820-1840) đến thời Tự Đức (1848-1883).

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương

Ca Huế phát triển cùng với sự tham gia sáng tác, biểu diễn của nhiều văn nhân, nho sĩ, quan lại, các ca nương, nhạc công tài năng dưới triều Nguyễn. Ca Huế lan tỏa ra dân gian, hòa quyện với dòng âm nhạc dân gian Huế đang khởi sắc, tạo nên bản sắc mang tính địa phương rõ nét.

Môi trường diễn xướng

Môi trường diễn xướng của ca Huế thường ở trong một không gian hẹp, số lượng người trình diễn và người nghe hạn chế, do tính chất của âm nhạc mang tính tâm tình, tự sự. Ca Huế có đặc điểm không trình diễn trước đám đông hoặc hát dưới ánh mặt trời.

Số lượng người trình diễn cho một buổi ca Huế có khoảng từ 8 đến 10 người, trong đó, số lượng nhạc công có từ 5 đến 6 người. Ca sĩ, nhạc công sẽ hòa đàn và hát các bài bản trong các nhạc mục của ca Huế. Biên chế của dàn nhạc phải sử dụng đạt chuẩn 4 hoặc 5 nhạc cụ trong dàn ngũ tuyệt cổ điển, bao gồm: đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tranh, đàn tam và tuỳ theo từng trường hợp có thể không có cây đàn tam và bổ sung thêm cây đàn bầu với đầy đủ biên chế của dàn ngũ tuyệt, hoặc có thể dùng dàn “tứ tuyệt” bao gồm các nhạc cụ: Nguyệt, nhị, tỳ và đàn tranh hoặc đầy đủ hơn là dàn lục ngự: tam, tỳ, nhị, nguyệt, tranh, bầu.

Nét đặc sắc rất riêng của ca Huế

Cùng với ca trù miền Bắc, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca Huế là một trong ba thể loại nhạc thính phòng đạt trình độ phát triển bậc nhất trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, đứng thứ hai về bề dày lịch sử, và là thể loại duy nhất ra đời trong chốn cung đình.

Ca Huế có một hệ thống bài bản vô cùng đa dạng và phong phú bao gồm khoảng 60 tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc theo hai điệu thức lớn là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc là những lời ca mang âm điệu vui tươi, trang trọng còn điệu Nam lại mang những âm điệu chứa cảm xúc buồn, ai oán, nỉ non.

Khi nhắc đến dân ca Huế, người ta sẽ nhắc đến những điệu hò mái nhì, mái đẩy, khoan thai, dàn trải, ngọt ngào như tâm hồn người xứ Huế hay những điệu lý bay bổng, mượt mà như lý con sáo, lý hoài xuân, lý tình tang…

Sự giao thoa văn hóa truyền thống và hiện đại

Ngày nay, ca Huế đã được “bình dân hóa” để mọi du khách đến đây đều được thưởng thức ca Huế trên sông Hương và yêu Huế hơn. Những câu hát, điệu hò cùng giọng điệu Huế ngọt ngào và dễ thương làm say đắm lòng người, cho du khách cảm giác xao xuyến, bâng khuâng đến lạ!

Hiện nay, ngoài sử dụng nhạc cụ dân tộc để chơi âm nhạc truyền thống, các nhạc công còn chơi cả những bản nhạc nước ngoài quen thuộc. Đây chính là một nét mới trong việc tổ chức ca Huế trên sông Hương nhằm phục vụ các du khách đến từ các quốc gia khác nhau, giúp họ thêm yêu mến các nhạc cụ truyền thống của dân tộc.

Là thể loại âm nhạc mang đầy đủ các điều kiện, tiêu chí của dòng âm nhạc cộng hưởng giữa dân gian, chuyên nghiệp và bác học của thể loại thính phòng, một thể loại âm nhạc đỉnh cao trong toàn bộ các di sản âm nhạc truyền thống Việt Nam, ca Huế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 8/6/2015.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/ca-hue-di-san-doc-dao-cua-vung-dat-co-do-86237.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/ca-hue-di-san-doc-dao-cua-vung-dat-co-do-86237.html
x
    Nổi bật
        Mới nhất
        Ca Huế - Di sản độc đáo của vùng đất cố đô
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO