Kinh tế

Ca cao Đắk Nông nâng tầm giá trị

Mẫn Doanh 26/07/2023 09:23

Hạn chế xuất bán thô, thông qua chế biến sâu nâng cao giá trị quả ca cao đang là hướng đi của các công ty, doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Từ hạt ca cao khô… đến thanh chocolate thơm ngon

Năm 2020, Công ty TNHH MTV Cà phê Hương quê Đắk Nông tại thôn Đức An, xã Thuận An (Đắk Mil) tham gia lĩnh vực sản xuất, chế biến ca cao. Theo ông Nguyễn Văn Quý, Giám đốc Công ty, huyện Đắk Mil là nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây ca cao. Diện tích trồng ca cao đứng đầu trong tỉnh, khoảng hơn 200 ha. Để nâng cao giá trị của loại nông sản này, đơn vị đầu tư gần 1 tỷ đồng nhập 8 máy chế biến ca cao. Công ty tập trung vào khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm ca cao bột.

Ông Quý cho biết, công ty hạn chế xuất bán thô các loại nông sản. Thông qua chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tăng thu nhập cho đơn vị và các hộ dân.

Sản phẩm ca cao bột của công ty chế biến từ 100% ca cao nguyên chất nên tạo được sự khác biệt, được thị trường đánh giá rất cao. Với máy móc hiện đại cùng quy trình khép kín cho ra sản phẩm bột ca cao chất lượng và an toàn. Bột có màu nâu đỏ, mịn, dễ dàng khuấy tan và không vón cục. Khi pha sẽ có mùi thơm dịu, đắng đậm đà và hậu vị hơi chua thanh. Năm 2021, sản phẩm cao cao bột Hương quê Đắk Nông được công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao. Sản phẩm hiện có mặt trên tất cả 21 siêu thị Coop.Mart thuộc hệ thống Sài Gòn Coop tại TP. Hồ Chí Minh và 42 tỉnh, thành phố trên cả nước…

“Tôi muốn nông sản hạn chế xuất bán thô để qua chế biến nông sản nâng cao được giá trị và khẳng định thương hiệu trên thị trường. Trong kinh doanh, tôi nhận thấy khi người tiêu dùng chọn sản phẩm từ thương hiệu họ đã sử dụng thì thương hiệu đã có chỗ đứng. Qua chế biến, giá trị nông sản được nâng lên và vùng nguyên liệu cũng dần được khẳng định. Cách chế biến ca cao nguyên chất 100% của công ty đã tạo nên sự khác biệt trên thị trường”, ông Quý chia sẻ.

ca-cao-huong-que.png
Đồ họa: MD

2 sản phẩm bột ca cao và chocolate Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô, tại thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) được công nhận đạt OCOP hạng 3 sao năm 2021. Theo Giám đốc HTX Vũ Văn Nghĩa, đơn vị liên kết với người dân các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil... tạo dựng được vùng nguyên liệu cây ca cao rộng gần 140 ha. Để tìm thị trường đầu ra, bước đầu HTX đã đưa sản phẩm đi phân tích thành phần. Qua đó đạt tiêu chuẩn, điều kiện tham gia vào Tổ chức Thương mại Công bằng, một trong những tổ chức thương mại có uy tín trong và ngoài nước. Để sản xuất ca cao theo quy trình và hình thành vùng nguyên liệu đạt chuẩn, HTX đầu tư máy móc, từng bước chế biến, tạo ra các sản phẩm ca cao có chất lượng cao, giảm dần sản phẩm thô. HTX hướng đến chế biến sâu nông sản, giúp nâng cao giá trị, tạo ra nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân trồng ca cao.

ADQuảng cáo

Hiện nay, giá bán bột ca cao nguyên chất của HTX ở mức từ 370.000 – 420.000 đồng/kg; thanh chocolate khoảng 600.000 đồng/kg. Đơn vị tích cực, chú trọng tham gia bán hàng trên các nền tảng số để sản phẩm của HTX tiếp cận với khách hàng nhanh và hiệu quả nhất. Từ đó góp phần đẩy mạnh sức mua cho các sản phẩm

img_2463(1).jpg
Quy trình sản xuất bảo đảm quy trình, nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng

Đưa sản phẩm ca cao vươn xa

Mạnh dạn thử nghiệm ở lĩnh vực ca cao, đội ngũ quản lý và điều hành Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Gia Nghĩa) đã đưa các sản phẩm chế biến từ ca cao Đắk Nông có mặt trên thị trường trong và ngoài nước. Công ty dành nhiều thời gian để xây dựng vùng nguyên liệu sạch, nắm bắt kỹ thuật chế biến riêng. Đạt được chất lượng và đặc trưng hương vị riêng, các sản phẩm như rượu ca cao, bột ca cao, sô cô la… ngày càng tạo được uy tín, thương hiệu trên thị trường. Công ty đang tập trung mọi nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm từ ca cao thông qua hoạt động du lịch trải nghiệm lồng ghép với văn hóa địa phương. Du khách có thể đến tham quan nhà xưởng sản xuất, quy trình chế biến và trực tiếp thực hiện các công đoạn làm ra sản phẩm ca cao. Từ đó giúp sản phẩm được giới thiệu sâu rộng đến khách hàng trong và ngoài tỉnh nhiều hơn.

img_0575.jpg
Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông giới thiệu vùng nguyên liệu cao cao sạch tại huyện Đắk Song cho du khách

Anh Lê Văn Phong, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông cho biết: “Công ty liên kết với các hộ nông dân trồng ca cao hữu cơ, tạo ra quả ca cao chất lượng, hướng đến chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, mang lại sự lựa chọn phong phú cho khách hàng. Với tiềm năng từ loại nông sản đặc trưng này, công ty mong muốn tạo sự gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân; nâng cao giá trị quả cao cao Đắk Nông và thương hiệu nông sản Đắk Nông”.

Với quy trình chế biến không sử dụng các chất phụ gia, nguyên liệu sạch nên các sản phẩm được khách hàng đánh giá cao. Sản phẩm bột ca cao nguyên chất sản xuất qua nhiều công đoạn kỹ lưỡng và tỉ mỉ, với máy móc hiện đại cùng quy trình khép kín. Sản phẩm này đang được tỉnh hỗ trợ các thủ tục, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Theo Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng OCOP, hạng 5 sao là hạng cao nhất, là sản phẩm quốc gia có thể xuất khẩu với số điểm từ 90 đến 100 điểm.

Tỉnh Đắk Nông có khoảng 400 ha ca cao, tập trung chủ yếu tại huyện Đắk Mil (Công ty Đức Lập diện tích tập trung gần 170 ha), các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Song… Cây ca cao được trồng chuyên canh hoặc xen với cây điều, cao su. Năng suất ca cao có thể đạt từ 2,5 - 3 tấn/ha. Với điều kiện giá thu mua hạt thô trung bình 60.000 – 70.000 đồng/kg.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ca cao Đắk Nông nâng tầm giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO