Buôn Ma Thuột cần hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới”
Tối 10/3, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023.
Sau đây là toàn văn bài phát biểu:
Thưa các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban, Bộ, Ngành Trung ương và địa phương;
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk;
Thưa các vị khách quốc tế;
Thưa quý vị đại biểu, khách quý và đồng chí, đồng bào!
Hôm nay, trên quê hương Tây Nguyên - Đắk Lắk tươi đẹp, mến khách, giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng, mang đầy không khí vui tươi, ấm áp của mùa lễ hội, tôi rất vinh dự được thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự chương trình Khai mạc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới”; và ý nghĩa hơn nữa khi Lễ hội diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột (10/3/1975 - 10/3/2023) - chiến thắng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy toàn thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại lễ khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hoàng Gia |
Thưa đồng chí, đồng bào!
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đóng vai trò hết sức quan trọng; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định “nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu hecta, chiếm trên 90% diện tích tự nhiên, khoảng 1,3 triệu hecta là đất đỏ Bazan màu mỡ cùng với khí hậu thuận lợi, Tây Nguyên thích hợp cho phát triển lâm nghiệp, cây công nghiệp, cây ăn quả, đặc biệt là cây cà phê.
Tây Nguyên nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng từ lâu đã nổi danh với những vùng cà phê bạt ngàn và được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Với vị trí trung tâm của vùng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng, lợi thế từ điều kiện tự nhiên đến truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng để phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã có sự đoàn kết, quyết tâm nỗ lực, phấn đấu và đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng, từng bước chuyển mình, phấn đấu vươn lên trở thành địa phương phát triển, giàu mạnh, có nhiều sản phẩm đặc sản, đặc biệt về sản phẩm nông nghiệp đã trở thành một trong những thương hiệu cà phê nổi tiếng trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu tham dự Lễ khai mạc Lễ hội Cà phê lần thứ 8 năm 2023. Ảnh: Hoàng Gia |
Thương hiệu cà phê của Việt Nam từ lâu đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil) đạt gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỷ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu trên 53 tỷ USD của ngành nông nghiệp, trong đó nguồn cà phê Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng, với thương hiệu và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” nổi tiếng, đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là những nền tảng để hương vị cà phê Việt Nam và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng tiếp tục lan tỏa đến những thị trường tiềm năng mới.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam cũng vẫn đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để có thể duy trì đà phát triển trong thời gian tới.
Hiện nay, giá trị cà phê Việt Nam chủ yếu vẫn thuộc phân khúc cấp thấp; xuất khẩu chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô; tổ chức sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ; chất lượng chưa đồng đều; công nghệ chế biến sâu còn hạn chế là một trong những thách thức khi phải đáp ứng các thị trường lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm ngày càng cao.
Trong thời gian tới, để phát triển bền vững ngành cà phê, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp và ngành cà phê. Thực hiện hiệu quả kế hoạch tái canh cây cà phê, hướng tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại gắn với bảo quản, chế biến sâu và thị trường tiêu thụ. Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị sản xuất cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch. Đẩy mạnh và khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng và thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa; phải xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Chú trọng xúc tiến, hình thành được các mối liên kết chặt chẽ, bền vững giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê; phát triển thương mại điện tử, đa dạng kênh tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kết nối giữa người sản xuất với thị trường tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với hương vị đặc biệt, đặc thù được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng ngày càng cao; gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.
Bên cạnh đó, để nâng tầm giá trị và đặc trưng của nông sản Việt Nam, nâng cao đời sống người nông dân, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, sát cánh, đồng hành hỗ trợ, định hướng giúp các địa phương trong phát triển ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng cà phê nói riêng.
Với sự chủ động, sáng tạo trong cách làm của nhiều địa phương, trong đó có Đắk Lắk nhằm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp và đổi mới cách thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, chúng ta tin tưởng rằng nông sản Việt Nam nói chung và cà phê Việt Nam nói riêng sẽ ngày càng khẳng định được chất lượng, uy tín và thương hiệu, có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và thế giới.
Thưa đồng chí, đồng bào!
Sau 4 năm do phải tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 với chủ đề “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” được tổ chức lần này có ý nghĩa rất quan trọng, là dịp để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước, người nông dân, người yêu chuộng hương vị cà phê tham quan, thưởng thức, gặp gỡ, trao đổi, liên kết, xúc tiến đầu tư mở rộng thị trường, qua đó góp phần quan trọng nâng tầm cà phê Việt. Đồng thời cũng là dịp thúc đẩy quảng bá hình ảnh, tiềm năng, lợi thế của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung nhằm thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu văn hóa, du lịch. Đây là vùng đất có nền văn hóa lâu đời, đặc sắc với Trường ca Đam San huyền thoại của đồng bào Êđê, các lễ hội gắn với “Không gian văn hóa Cồng Chiêng” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Bên cạnh đó, Lễ hội cũng là một cơ hội biểu dương, ghi nhận những thành tích đã đạt được của tỉnh Đắk Lắk về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua; đồng thời, biểu dương những nỗ lực của tỉnh và các bộ, ban, ngành Trung ương trong công tác phối hợp tổ chức, với nhiều hoạt động rất phong phú, thiết thực, gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống nhằm tôn vinh người sản xuất, các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh cà phê của tỉnh Đắk Lắk, các tỉnh Tây Nguyên và cả nước nói chung…
Buôn Ma Thuột là thành phố chiến lược của vùng Tây Nguyên, hội tụ các yếu tố về cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, giàu bản sắc văn hóa, được Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách đầu tư phát triển, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên và là “Thành phố cà phê của thế giới” theo Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị. Đây là cơ hội và cũng là điều kiện thuận lợi mà Đảng, Nhà nước dành cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và tỉnh Đắk Lắk. Chúng ta luôn mong muốn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực hơn nữa, tăng cường đổi mới, phát huy tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khắc phục khó khăn, tận dụng các tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển mạnh mẽ, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của khu vực Tây Nguyên.
Hôm nay, vinh dự đến với “Buôn Ma Thuột - Điểm đến của cà phê thế giới” tôi xin thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trân trọng gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các vị khách quý và đồng bào lời chúc mạnh khỏe và hạnh phúc. Chúc Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đắk Lắk đạt được nhiều thắng lợi mới. Chúc Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!