Bước chuyển mình của rau, củ Đắk Nông
Sản xuất rau, củ ở Đắk Nông ngày càng quy mô, chuyên nghiệp hóa, dần hình thành các chuỗi giá trị bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Hàng trăm hộ dân tại xã Quảng Sơn đã hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp – Dược liệu – Dịch vụ - Thương mại Thịnh Phát (HTX Thịnh Phát) để trồng cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm sau đó được Công ty CJ Foods Việt Nam thu mua, chế biến thành kim chi xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Toản, Giám đốc HTX Thịnh Phát, chất lượng kim chi làm từ cải thảo Quảng Sơn không thua kém sản phẩm truyền thống của Hàn Quốc.
.jpg)
Từ năm 2022, HTX Thịnh Phát được Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất cải thảo VietGAP. Điều này giúp người dân có đầu ra ổn định, thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ sang chuyên canh, quy mô lớn.
Ông Bế Văn Chiến, nông dân tại bon N’ting, xã Quảng Sơn, cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ trồng rau theo cách truyền thống, sản xuất nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Nhưng từ khi tham gia chuỗi liên kết, sản phẩm làm ra được bao tiêu, giá cả ổn định, cuộc sống cải thiện rõ rệt”.
Ông K’Siêng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Sơn, nhận định rằng, sản xuất theo VietGAP đã giúp cải thiện chất lượng nông sản địa phương.

“Bà con dần thay đổi thói quen mạnh ai nấy làm sang sản xuất có trách nhiệm, tạo ra sản phẩm đồng nhất về chất lượng và giá trị”, ông K’Siêng chia sẻ.
Nhờ mô hình này, năng suất cải thảo đạt trung bình 30 tấn/ha/vụ, những hộ chăm sóc tốt có thể đạt tới 60 tấn. Trong 3 năm qua, các hộ trồng cải thảo có thể thu về khoảng 200 triệu đồng/ha/năm. Mỗi tháng, HTX Thịnh Phát cung cấp từ 50 - 100 tấn cải thảo VietGAP cho đối tác xuất khẩu.
Đắk Nông hiện có 1.730ha trồng rau, củ các loại, với sản lượng đạt gần 26.000 tấn. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm vẫn tiêu thụ trong nước, sản lượng xuất khẩu còn khiêm tốn.
Sản xuất rau, củ đã có những tín hiệu tích cực với hơn 6.000 tấn xuất khẩu trong năm 2024. Điều này cho thấy, ngành hàng này đang có xu hướng phát triển bền vững, hướng tới những thị trường lớn, xuất khẩu.
.jpg)
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, một số đơn vị như HTX Thịnh Phát, Công ty Cổ phần Nông nghiệp sạch Đắk Nông đã tiên phong đưa rau, củ ra thị trường quốc tế.
Quy trình sản xuất của nhiều nông hộ, doanh nghiệp đã có sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết đang giảm dần.
Ông Nguyễn Văn Chương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Giống nông, lâm nghiệp Đắk Nông cho biết, để ổn định đầu ra cho nông sản, việc sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận như VietGAP hay hữu cơ là điều kiện bắt buộc.
.jpg)
“Chúng ta cần phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn, có liên kết chặt chẽ giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp để bảo đảm nguồn cung ổn định”, ông Chương nhấn mạnh.
Đắk Nông đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững. Trong đó, việc quy hoạch các vùng chuyên canh rau, củ, quả tại các huyện Đắk Glong, Đắk Song và Đắk R’lấp là một bước đi quan trọng. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, HTX để người dân dễ dàng liên kết và tìm đầu ra cho sản phẩm.
.jpg)
Ngành Nông nghiệp Đắk Nông sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cải thiện chất lượng sản xuất, đồng thời nâng cao khả năng bảo quản và chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm.
“Chỉ khi tạo dựng được chuỗi liên kết bền vững giữa sản xuất - chế biến - tiêu thụ, ngành rau, củ, quả của Đắk Nông mới có thể khai thác hết tiềm năng và mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Chương khẳng định.