Khám phá rừng Động Châu ở Quảng Bình, Việt Nam. (Ảnh: KIÊN TRẦN) |
Hơn 500 quan chức chính phủ và các chuyên gia đến từ khoảng 120 quốc gia đã tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Du lịch Thế giới 2023 diễn ra ở Riyadh (Saudi Arabia) trong các ngày 27 và 28/9. Chủ đề của Ngày Du lịch Thế giới năm nay là “Du lịch và đầu tư xanh”, nhằm kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc bảo vệ môi trường và phát triển toàn diện, bền vững “ngành công nghiệp không khói”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh: Liên hợp quốc nhận thấy nhu cầu thiết yếu về đầu tư xanh để xây dựng một ngành du lịch mang lại nhiều lợi ích cho con người và hành tinh.
Sau một thời gian dài ảm đạm vì dịch Covid-19, gam màu tươi sáng đã xuất hiện trở lại trên bức tranh du lịch toàn cầu. Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) cho biết, từ tháng 1 đến tháng 7/2023, có 700 triệu lượt người đã đi du lịch quốc tế, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. UNWTO ước tính, lượng du khách quốc tế năm 2023 có thể đạt mức 80-95% của mức trước đại dịch.
Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, mang lại doanh thu, tạo việc làm và thúc đẩy trao đổi văn hóa. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch quá mức lại có những tác động tiêu cực, như gây suy thoái môi trường, làm xáo trộn cuộc sống người dân bản địa và ảnh hưởng đến trải nghiệm của chính du khách. Biến đổi khí hậu cũng đang là vấn đề nổi cộm với ngành du lịch.
Những điểm đến vốn thu hút nhiều du khách ở Địa Trung Hải lại là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thời tiết khắc nghiệt. Trong mùa hè vừa qua, ở Hy Lạp, hàng nghìn du khách đã phải sơ tán khỏi các đảo Rhodes và Corfu do nắng nóng kéo theo cháy rừng. Sân bay quốc tế Rhodes trở thành khu cắm trại bất đắc dĩ của du khách. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp diễn, ngành du lịch châu Âu sẽ đối mặt thách thức không nhỏ khi các du khách thay đổi thói quen du lịch.
Trong bối cảnh nhiều thách thức bủa vây, các hoạt động du lịch bền vững càng được khuyến khích để cân bằng giữa lợi ích kinh tế với trách nhiệm môi trường, xã hội. Nhiều nước trên thế giới đã đầu tư xanh hóa các cơ sở hạ tầng, khuyến khích chuyển đổi số, bảo tồn văn hóa... để phát triển du lịch bền vững.
Từ năm 2024, chính quyền tỉnh Bali của Indonesia sẽ cho phép sử dụng một phần của khoản thuế 150.000 rupiah/người áp dụng với du khách nước ngoài cho các dự án bảo tồn văn hóa và xử lý rác thải. Tại Nhật Bản, sự quá tải khách du lịch dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi và tắc đường.
Để đối phó vấn đề này, chính quyền thành phố Kyoto đề ra những biện pháp như: chấm dứt việc bán “thẻ xe buýt một ngày”, loại thẻ cho phép đi lại bằng xe buýt không giới hạn trong ngày, và thúc đẩy sử dụng “thẻ xe buýt/tàu điện ngầm một ngày” để khuyến khích sử dụng tàu điện ngầm; thành lập khu vực giữ hành lý tạm thời tại ga Kyoto để tạo điều kiện cho khách đến các điểm tham quan mà không cần đem theo hành lý...
Mới đây, Chính phủ Iceland lên kế hoạch áp thuế du lịch giúp bảo vệ môi trường tự nhiên trước tình trạng du lịch quá tải. Nhiều địa điểm phổ biến khác ở châu Âu như Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan)... đã áp dụng thuế du lịch. Đây cũng là nguồn tài trợ cho các dự án hạ tầng công cộng, góp phần khắc phục thiệt hại do đám đông gây ra và hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững.
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tư duy về du lịch và cho thấy thế giới cần phải xây dựng ngành du lịch theo hướng linh hoạt, bền vững, thân thiện với môi trường hơn, có sức chống chọi tốt hơn với rủi ro, khủng hoảng. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, du lịch là động lực mạnh mẽ cho sự tiến bộ và hiểu biết lẫn nhau; thực hiện du lịch bền vững là đầu tư vào tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.