Bon làng Đắk Nông ngày càng đổi thay
Đến Đắk Nông hôm nay, hình ảnh “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho những cung đường được trải nhựa, bê tông dài tít tắp nối các thôn, buôn, bon, bản.
Đắk Nông hiện có 713 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố (trong đó 486 thôn, 121 bon, 18 buôn, 9 bản, 79 tổ dân phố). Tỉnh Đắk Nông có 40 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có hơn 47.600 hộ, 221.000 người, chiếm tỷ lệ gần 32% so với dân số toàn tỉnh. Đắk Nông có 3 DTTS tại chỗ là M’nông, Mạ, và Ê đê với tổng số hơn 15.800 hộ với 71.700 người chiếm hơn 10% so với dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 32% so với tổng số DTTS.
Ngay sau ngày tái lập tỉnh Đắk Nông, nhờ sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS và sự đồng hành của người dân, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã đổi thay rõ rệt. Điều này ngày càng tạo nên sự phấn khởi, tin tưởng của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước và chính quyền các cấp.
Ghé thăm buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, Đắk Nông, nơi sinh sống của đồng bào Ê đê đúng thời điểm bà con đang tất bật thu hoạch hồ tiêu, tưới nước đợt 3 cho cây cà phê, không khó để chúng ta nhận thấy được sự đổi thay nơi đây. Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ngày càng nhiều; những vườn đậu, cây sắn kém hiệu quả trước kia đã được người dân chuyển đổi thành những vườn cà phê, hồ tiêu, lúa xanh mướt.
Điều vui mừng hơn đối với bà con là tuyến đường chính từ buôn dẫn đến các buôn Buôr, Ea Pô, Trum đã được đầu tư sửa chữa, giúp người dân thuận lợi đi lại và vận chuyển hàng hóa.
Trưởng buôn Nui Y Bin Êban vui mừng chia sẻ: "Buôn đã được Nhà nước đưa điện về, nhiều hộ gia đình được sử dụng nước sạch, đường giao thông được bê tông hóa, sạch sẽ. Bà con đồng lòng chung sức xây dựng nông thôn mới khang trang, đời sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Điều đáng mừng nhất là thanh niên trong buôn biết giữ gìn văn hóa, phát triển các mô hình kinh tế. Buôn cũng đã hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới nên bà con cũng phấn khởi lắm".
Chia sẻ về câu chuyện làm kinh tế trong buôn, anh Y Phích Priêng cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chỉ thực sự khá lên từ khi biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Ngoài việc trồng lúa, gia đình tôi trồng thêm hơn 1 ha cà phê và nuôi gà. Nhờ vậy, thu nhập của gia đình mỗi năm khoảng hơn 150 triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định hơn”.
Được biết, ở xã Tâm Thắng, không chỉ có buôn Nui mà còn có các buôn như: Ea Pô, Buôr, Trum cũng được Đảng, Nhà nước hỗ trợ, đầu tư nhiều mặt về kinh tế. Vì vậy, đời sống người dân từng bước được nâng cao.
Kinh tế phát triển, nhiều giá trị văn hóa truyền thống cũng được người Ê đê gìn giữ, phát huy. Hiện nay, trên địa bàn 4 buôn ở xã Tâm Thắng còn giữ gìn nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gồm: 7 bộ cồng chiêng cổ; hàng chục nhà dài thuyền thống, trong đó có nhiều ngôi nhà dài cổ ở buôn Buôr, Ea Pô. Các buôn đều có đội cồng chiêng, đội văn nghệ, hàng chục nghệ nhân đan lát, dệt thổ cẩm truyền thống.
Theo ông Nguyễn Sỹ Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng, phát huy những kết quả đạt được, Tâm Thắng tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, xã khuyến khích đồng bào Ê đê ở các buôn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã quan tâm công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm; huy động nguồn lực thực hiện các hoạt động an sinh xã hội…, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Xã biên giới Thuận Hà, huyện Đắk Song, Đắk Nông được thành lập theo Nghị định 155/2007/NĐ-CP ngày 18/10/2007 của Chính phủ, trên cơ sở điều chỉnh diện tích tự nhiên và dân số của các xã Đắk Song (nay là Nam Bình), Đắk N’Drung và Thuận Hạnh (huyện Đắk Song). Xã có diện tích tự nhiên hơn 5.643 ha, gồm 5 thôn và 2 bản, có 7.180 dân; trong đó có đông đồng bào DTTS phía Bắc vào an cư, lập nghiệp.
Sau gần 17 năm xây dựng, phát triển, xã đã có nhiều đổi thay đáng kể. Hạ tầng được xây dựng, đời sống văn hóa, xã hội ngày được nâng cao. Thuận Hà được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,07%. Xã đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình như trụ sở làm việc của cơ quan, công trình điện, giao thông, thủy lợi, cơ sở y tế và trường học...
Đến nay, kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội. Công tác y tế, giáo dục, giải quyết việc làm có nhiều chuyển biến tích cực. Quốc phòng-an ninh được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, hoạt động hiệu quả. Có được những thành công trên là nhờ sự chung sức, chung lòng của người dân ở các thôn, bản trên địa bàn xã.
Ông Lý A Bảo, bản Đầm Giỏ vui mừng cho biết: “Từ khi tái lập tỉnh Đắk Nông năm 2004 đến nay, các cấp, ngành địa phương luôn quan tâm, triển khai tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân. Các chương trình, dự án hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, vùng sâu – xa được thực hiện đầy đủ trên tất cả các mặt văn hóa, kinh tế, an ninh… Đến nay, các thôn, buôn, bon, bản, vùng đồng bào DTTS đã có nhà văn hóa khang trang cho người dân sinh hoạt cộng đồng; đường giao thông được cứng hóa, nhựa hóa; cuộc sống của người dân đang đổi thay, phát triển”.
Không riêng gì đồng bào dân tộc Ê đê ở xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút hay đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng… xã Thuận Hà, huyện Đắk Song mà nhiều hộ đồng bào các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh cũng rất vui mừng, phấn khởi trước sự phát triển của tỉnh nhà.
Với sự quan tâm đặc biệt đến vùng DTTS, nhiều nghị quyết, chương trình, đề án của Trung ương được ban hành và triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Trong đó, Đắk Nông tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ 3 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Sau 20 năm tái lập, tỉnh Đắk Nông có bước đột phá vượt bậc cả về tốc độ và chất lượng phát triển. Các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh được triển khai có tác động tích cực tới đời sống đồng bào. Diện mạo vùng DTTS thay đổi cơ bản và đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Nhiều chương trình, chính sách dân tộc khác của Trung ương tạo động lực cho các hộ đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể như chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS nghèo ở thôn, bản, xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 132, 134, 159, 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chương trình định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/QĐ-TTg; chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg...
Cùng với đó, Đắk Nông đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, đáng chú ý là quy hoạch đưa 39 bon, buôn có đông đồng bào DTTS vào đầu tư và kêu gọi đầu tư; chương trình phát triển bền vững 12 bon, buôn; chương trình kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với 79 bon, buôn; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ DTTS...
Đồng bào DTTS được tạo điều kiện hỗ trợ sản xuất vươn lên thoát nghèo với các chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn sản xuất, kinh doanh. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… cũng được quan tâm đầu tư bằng nhiều chương trình thiết thực. Nổi bật như đề án nâng cao chất lượng học sinh DTTS; chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số; đề án bảo tồn và phát huy lễ hội - hoa văn - cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của dân tộc M’nông;…
Năm 2021, hộ nghèo toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 11,19%, trong đó đồng bào DTTS tại chỗ chiếm tỷ lệ 32,81%. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh giảm còn 7,97% (giảm 3,22%), hộ nghèo DTTS giảm 8,55%, riêng hộ nghèo DTTS tại chỗ là 24,56% (giảm 8,25%).
Toàn tỉnh hiện có 367 cơ sở giáo dục, hơn 60.700 học sinh DTTS. Giáo dục vùng đồng bào DTTS chuyển biến tích cực về số trường, học sinh, buổi học, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, chế độ chính sách.
Mạng lưới y tế ngày càng phát triển; 100% các trạm y tế có bác sỹ; 100% thôn, bản có cộng tác viên dân số. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em và cho cộng đồng DTTS luôn được quan tâm.
Các công trình hạ tầng thiết yếu được xây dựng như: đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, nhà văn hóa… 71/71 xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia. Mạng lưới giao thông được nâng cấp hoàn thiện. Tỷ lệ nhựa hóa đường giao thông toàn tỉnh từ 10% năm 2004 lên trên 70% cuối năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh có 36/60 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 16 tiêu chí và không còn xã nào dưới 10 tiêu chí.
Hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật trong đồng bào DTTS có sự phát triển rõ nét. Các giá trị văn hoá truyền thống đồng bào DTTS như lễ hội, cồng chiêng, nhạc cụ dân gian, sử thi, dân ca và nghề thủ công truyền thống, dệt thổ cẩm… được bảo tồn, giữ gìn và tạo điều kiện phát huy. Gần 50 lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ được khôi phục, phục dựng…
Đến Đắk Nông hôm nay, hình ảnh “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” dần lùi vào dĩ vãng, để nhường chỗ cho những cung đường được trải nhựa, bê tông dài tít tắp nối các thôn, buôn, bon, bản. Đời sống đồng bào DTTS đổi thay hằng ngày. Các thôn, buôn, bon, bản đồng bào DTTS đã được bảo đảm an sinh xã hội, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân giữa vùng đồng bào DTTS so với bình quân chung của tỉnh.
Nội dung, hình ảnh: Y Krăk
Trình bày, đồ họa: Phong Vũ