Công nghiệp - Xây dựng

Bối rối với đất làm vật liệu xây dựng

Lê Phước 06/07/2023 06:22

Đất dùng để làm vật liệu san lấp mặt bằng có phải là khoáng sản hay không đang là câu hỏi khiến nhiều cơ quan, đơn vị chức năng bối rối. Nhiều công trình xây dựng ở Đắk Nông đang đình trệ vì sự bối rối này.

Thời gian qua, nhiều công trình trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phải ngừng thi công vì thiếu nguồn vật liệu san lấp mặt bằng. Nhu cầu đất dùng để san lấp là rất lớn, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ  đất nào được cấp phép.

Trước thực trạng trên, nhiều đơn vị, cá nhân đã tự ý đào đắp, khai thác đất trái phép để xây dựng các công trình dân sinh, công trình Nhà nước. Điều này không chỉ sai quy định mà còn gây biến dạng địa hình, phá vỡ cảnh quan tự nhiên.

anh-1-san-lap(1).jpg
Một quả đồi lớn ở trung tâm TP. Gia Nghĩa nham nhở vì múc đất trái phép

Thời gian qua, tại nhiều cuộc họp, lãnh đạo một số đơn vị, địa phương có nhiều ý kiến bàn luận xoay quanh vấn đề đất dùng để san lấp mặt bằng.

Nhiều ý kiến cho rằng, đất san lấp không có trong danh sách khoáng sản làm vật liệu xây dựng (VLXD) thông thường (quy định tại khoản 1, điều 64, Luật Khoáng sản 2010). Do đó, không thể xem đất san lấp là khoáng sản.

Đây không phải chỉ là câu chuyện riêng ở Đắk Nông. Không ít địa phương khi triển khai thực tế đang phân vân đối với vấn đề này. Bối rối, nhiều tỉnh, thành phố đã gửi văn bản hỏi Bộ TN-MT để được giải thích.

Bộ TN-MT trả lời rằng, đất để san lấp là tên gọi chung của các sản phẩm phong hóa triệt để hoặc bán phong hóa từ các loại đá trên bề mặt trái đất.

Khái niệm đất san lấp chỉ là cách gọi thông thường để chỉ đất sét không đạt chất lượng làm gạch ngói để sử dụng san lấp. Do đó, đất san lấp là khoáng sản làm VLXD thông thường.

Tại điều 2, Luật Khoáng sản 2010 quy định, khoáng sản là khoáng vật, khoáng chất có ích được tích tụ tự nhiên ở thể rắn, thể lỏng, thể khí tồn tại trong lòng đất, trên mặt đất, bao gồm cả khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ.

Khai thác khoáng sản là hoạt động nhằm thu hồi khoáng sản, bao gồm xây dựng cơ bản mỏ, khai đào, phân loại, làm giàu các hoạt động có liên quan.

Theo Phó Giám đốc Sở TN-MT Đắk Nông Võ Văn Minh, khai thác đất làm vật liệu san lấp là hoạt động khai thác khoáng sản. Bởi vì, khai thác đất có sử dụng khoáng vật, khoáng chất trong đất vào mục đích san lấp là khoáng sản có ích.

Hơn nữa, việc khai thác vật liệu san lấp có hoạt động đào đất để thu hồi và vận chuyển về khu vực san lấp.

anh-2-san-lap(1).jpg
Đất dùng để phục vụ san lấp là khoáng sản, phải cấp phép mới được khai thác

Sở TN-MT Đắk Nông khẳng định, quan điểm cho rằng đất san lấp không phải là VLXD thông thường là chưa chính xác. Cần xác định hàm lượng, chất lượng các thành phần, khoáng vật, khoáng chất trong đất để khẳng định đất có phải là VLXD thông thường hay không. Từ đó, có thể xác định khoáng sản đất thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh hay Bộ TN-MT.

Khoản 1, điều 64, Luật Khoáng sản 2010 quy định cụ thể loại khoáng sản làm VLXD thông thường. Trong đó quy định, nếu đất làm vật liệu san lấp có khoáng vật, khoáng chất thì được xác định là VLXD thông thường và thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh (quy định tại khoản 2, điều 82, Luật Khoáng sản 2010).

Ngược lại, nếu đất san lấp không có chứa các thành phần khoáng vật, khoáng chất thì không được xem là khoáng sản làm VLXD thông thường. Khi đó, thẩm quyền cấp phép khai thác khoáng sản sẽ là của Bộ TN-MT.

x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bối rối với đất làm vật liệu xây dựng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO