Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Bộ Y tế trả lời cử tri Đắk Nông 8 vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế

Đức Diệu tổng hợp 11/10/2023 18:31

Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Nông vừa có tổng hợp trả lời cử tri Đắk Nông tại Kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa XV của các bộ, ngành. Riêng về lĩnh vực y tế, Bộ y tế đã trả lời cử tri 8 nhóm vấn đề cụ thể sau:

1. Vấn đề thứ nhất

Cử tri Đắk Nông: Qua đại dịch Covid-19 cho thấy năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng, các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập. Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, cử tri tỉnh Đắk Nông kiến nghị Quốc hội rà soát, ban hành các chính sách, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, trang thiết bị trong nước.

Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

- Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất dược, sinh phẩm, vắc xin

Những năm gần đây, cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội, quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Dược Việt Nam đã và đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ; tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Nhằm đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ thuộc phát minh, thuốc công nghệ cao từ các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia, và đạt được định hướng Việt Nam là một trong các trung tâm dược phẩm khu vực, ngày 17/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030-2045 với quan điểm phát triển: “Thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường vào năm 2025, đạt khoảng 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường vào năm 2030 và Việt Nam trở thành trung tâm dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuộc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD. Một trong những dự án trọng điểm được kêu gọi đầu tư là xây dựng mới 02 cơ sở hạ tầng khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư FIE chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, thuốc generic có dạng bào chế công nghệ cao, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc sinh học giá trị kinh tế cao tại miền Bắc, miền Nam và miền Trung”.

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các tiêu chí cụ thể của Doanh nghiệp Dược được bổ sung vào Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo quy định của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP được ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế cũng đang tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Dược, trong đó, bổ sung các quy định, định hướng cho việc đầu tư, phát triển sản xuất thuốc mới, thuốc phát minh, thuốc biệt dược, thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc công nghệ cao. Đồng thời rà soát, sửa đổi các văn bản hướng dẫn, cải cách thủ tục hành chính; áp dụng công nghệ tin học trong quản lý để tăng cường năng lực hiệu quả quản lý, giảm thời gian cấp phép, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai nghiên cứu, sản xuất thuốc.

- Tạo điều kiện thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế

Ngày 05/9/2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2385/QĐ-BYT và cập nhật bổ sung tại Quyết định số 1870/QĐ-BYT ngày 17/4/2023 về việc ban hành kế hoạch triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thiết bị y tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế. Nội dung chính sách được ưu tiên nghiên cứu trong dự án Luật ban hành các chính sách về ưu đãi, thúc đẩy sản xuất trong nước đối với thiết bị y tế nhằm tăng cường nguồn cung giảm giá thành và đảm bảo an ninh y tế.

2. Vấn đề thứ hai

Cử tri Đắk Nông: Việc thanh toán chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19 tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ “Về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19” quy định: “c) Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm Sars-Cov-2 tại cơ sở y tế” thì được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19 theo định mức 300.000 đồng/người/ngày.

Trên thực tế, khi dịch Covid-19 bùng phát, tất cả các địa phương đều thực hiện giãn cách xã hội, cấm tập trung đông đúc, việc tập trung lấy mẫu làm xét nghiệm Covid-19 tại cộng đồng, cán bộ y tế phải đi đến từng nhà để lấy mẫu tầm soát. Tuy nhiên, những cán bộ y tế này lại không được hưởng chế độ phụ cấp chống dịch Covid-19 theo định mức 300.000 đồng/người/ngày vì lý do không phải là người “trực tiếp làm xét nghiệm Sars-Cov-2 tại cơ sở y tế”. Cử tri kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại quy định này theo hướng “Người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm Sars-Cov-2” để phù hợp với thực tiễn.

Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

Đối với cán bộ y tế phải đi đến từng nhà để lấy mẫu tầm soát không được hưởng chế độ phụ cấp theo định mức 300.000 đồng/người/ngày quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, các cán bộ này được hưởng các chế độ quy định tại các nội dung khác của Nghị quyết số 16/NQ-CP và Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19; Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Khoản 8, Điều 4 Nghị quyết số 16/NQ-CP có quy định các cơ quan, đơn vị được sử dụng nguồn thu dịch vụ, nguồn ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài để chi phụ cấp phòng, chống dịch cho các đối tượng chưa được quy định trong Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ.

Hiện nay tình hình dịch Covid-19 cơ bản đã ổn định và được kiểm soát, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu thực hiện xây dựng chính sách cho những đợt dịch bệnh nhóm A sau này. Bộ Y tế đã có văn bản báo cáo chuyển dịch bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B. Do đó, đối với chế độ phụ cấp đặc thù phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thuộc nhóm B, thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phù cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

3. Vấn đề thứ ba

Cử tri Đắk Nông: Chế độ trực cho cán bộ y tế, chế độ phẫu thuật, thủ thuật rất thấp (hiện đang áp dụng theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 đã quá 10 năm); định mức chi thường xuyên cho các trạm y tế ít; mức lương của bác sĩ mới ra trường chưa tương xứng với thời gian đào tạo nên rất khó giữ chân bác sĩ giỏi tại bệnh viện công, mức ưu đãi dược sĩ chưa cân đối với khối lượng công việc. Đối với các chương trình mục tiêu, kinh phí chuyển nguồn lấy từ chi thường xuyên dẫn đến không có kinh phí hoạt động, khi triển khai thực hiện đạt hiệu quả không cao.

Lực lượng phụ trách công nghệ thông tin tại các đơn vị y tế có khối lượng công việc nhiều do tin học hóa cùng chuyển đổi số toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh. Nhất là trong đợt chống dịch Covid-19 hầu như huy động toàn bộ lực lượng này, nắm giữ vai trò quan trọng về thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, quản lý người cách ly, giám sát khu cách ly, số hóa chuyển đổi số để đảm bảo hệ thống trong điều trị Covid-19, tham gia trực gác và nhiều nhiệm vụ khác nên rất dễ lây nhiễm và áp lực công việc.

Tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 05/01/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, hiện nay những người làm nhiệm vụ văn thư kiêm lưu trữ thuộc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông vẫn chưa được xem xét hưởng chế độ này.

Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành trung ương quan tâm sớm có chính sách lương khởi điểm cho nhân viên y tế, bổ sung chính sách phụ cấp thâm niên nghề để tạo điều kiện yên tâm công tác; có chính sách hỗ trợ, tăng mức hưởng, phụ cấp ở một số nội dung đã nêu trên.

Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

Ngày 6/9/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8476/VPCP-KTTH về việc triển khai Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII; trong đó nêu rõ “Từ nay dến khi ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, không xem xét, ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các chế độ chính sách tiền lương hiện hành”. Do vậy, Bộ Y tế chưa triển khai sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho cán bộ y tế; trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành một số Nghị quyết như Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đã được thay thế bằng Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong đó có nâng mức phụ cấp thường trực phòng, chống dịch; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2021; Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 06/8/2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV; Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ Y tế đã tham mưu xây dựng và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 về giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó có nội dung nghiên cứu, sửa đổi Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 và Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009.

Trong thời gian tới, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tiền lương Nhà nước và Bộ Nội vụ về mức phụ cấp theo nghề áp dụng đối với công chức, viên chức ngành Y tế, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng văn bản để hướng dẫn thực hiện.

4. Vấn đề thứ tư

Cử tri Đắk Nông: Tỉnh Đắk Nông có nguồn thu tại các cơ sở y tế chủ yếu dựa vào nguồn thu từ khám bệnh Bảo hiểm y tế, kèm theo sự kiểm soát các quy định của bảo hiểm y tế trong thanh quyết toán dẫn đến có sự mâu thuẫn lộ trình tự chủ. Các quy định và hướng dẫn trong công tác xã hội hóa y tế công lập còn nhiều bất cập, dễ sai sót khi triển khai. Đề nghị các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn cụ thể về thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, niên độ tài chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (hiện ảnh hưởng rất nhiều đến số liệu quyết toán tài chính hằng năm của đơn vị), hướng dẫn cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

a) Về thanh quyết toán kinh phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, niên độ tài chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định “Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”. Quy định này nhằm mục đích để các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế nhận được ý kiến phản ánh từ các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh: Việc xác định tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định tại Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP rất phức tạp, phụ thuộc vào chi phí năm trước liền kề và chi phí phát sinh trong năm tại cơ sở y tế do 09 nhóm nguyên nhân; trong khi 09 nhóm nguyên nhân này chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố khách quan làm phát sinh chi phí khám, chữa bệnh tại bệnh viện. Thêm vào đó, việc xác định hệ số hóa chất, vật tư y tế rất khó khăn. Từ đó dẫn đến khi xác định tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thường vượt so với chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được giám định, đủ điều kiện quyết toán như các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh phản ánh.

Trên cơ sở đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế đề nghị bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và trình Chính phủ cho phép áp dụng từ năm 2019. Hiện nay, dự thảo Nghị định đã trình Chính phủ ban hành. Nghị quyết được ban hành sẽ giải quyết triệt để vấn đề này.

Về niên độ tài chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế:

- Các quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội được quy định tại Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

+ Việc tạm ứng kinh phí của cơ quan bảo hiểm xã hội cho cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được thực hiện hàng quý trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước và tạm ứng một lần bằng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Việc thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan bảo hiểm xã hội được thực hiện hàng quý. Trong 15 ngày đầu mỗi quý, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế quý trước cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

+ Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám, chữa bệnh, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thông báo kết quả giám định và số quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bao gồm chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế cho cơ sở khám, chữa bệnh.

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thông báo số quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội phải hoàn thành việc thanh toán với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

+ Việc thẩm định quyết toán năm đối với Quỹ bảo hiểm xã hội và thanh toán số kinh phí chưa sử dụng hết (nếu có) đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được thực hiện trước ngày 01 tháng 10 năm sau.

Như vậy, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định rõ các thời hạn trong tạm ứng, thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh về thời hạn quyết toán Quỹ bảo hiểm y tế, trong quá trình xây dựng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp.

b) Về cơ chế xã hội hóa trong lĩnh vực y tế

Về cơ chế xã hội hóa, liên doanh liên kết: Để tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp y tế - dân số huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư, phát triển, tăng tính tự chủ, năng động của của đơn vị và nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp ngành y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân, đồng thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc hiện nay tại các Bộ, ngành có liên quan trong việc liên doanh, liên kết, thuê tài sản, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số, tạo hành lang pháp lý phù hợp tình hình hiện nay trong lĩnh vực y tế - dân số, Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Khám, chữa bệnh trong đó có quy định về xã hội hóa lĩnh vực y tế.

Về thu hút, ưu đãi đầu tư đối với hoạt động sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế, Bộ Y tế đang nghiên cứu, trao đổi với các Bộ, ngành có liên quan về việc xây dựng chi tiết cụ thể loại hình, tiêu chí, quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở hoạt động sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm để báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung hoạt động sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư y tế vào Danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để áp dụng chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về cơ chế tự chủ tại các cơ sở y tế công lập như sau:

(1) Đẩy mạnh xã hội hóa, các đơn vị, nhất là các bệnh viện được vay vốn, liên doanh, liên kết, huy động các nguồ lực ngooài ngân sách đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị. Khuyến khích các hình thức hợp tác công – tư, kể cả tại tuyến cơ sở để chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên tắc bảo đảm công khai, minh bạch. Khuyến khích các cơ sở y tế hợp tác công – tư, hợp tác giữa các cơ sở y tế công để đầu tư vào phân khúc dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu.

(2) Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, về đầu tư công, về đấu thầu; tăng cường phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị theo nguyên tắc: các đơn vị có mức độ tự chủ tài chính cao thì được tự chủ cao hơn trong việc thực hiện xã hội hóa nhưng phải thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch.

(3) Xã hội hóa huy động vốn đầu tư cho cả hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao và hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu, khuyến khích xã hội hóa để phát triển phân khúc dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân; bảo đảm các điều kiện để các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, cận nghèo được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế, bảo đảm an sinh xã hội.

(4) Giá các dịch vụ xã hội hóa được tính đúng, tính đủ để có nguồn chi trả các chi phí đã đầu tư.

5. Vấn đề thứ năm

Cử tri Đắk Nông: Việc thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế còn nhiều bất cập, chẳng hạn chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2019 và 2020 đến nay vẫn chưa thanh toán dứt điểm. Tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong năm là chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm trước liền kề tại cơ sở đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thẩm định quyết toán, cộng hệ số điều chỉnh do biến động, cộng thêm phần chi phí phát sinh tăng giảm trong năm chưa phù hợp, gây khó khăn khi giải trình chi phí tăng tại đơn vị. Do đó, kiến nghị các Bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo thanh quyết toán nguồn kinh phí khám chữa bệnh còn thiếu tại các đơn vị khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 đến nay. Các đơn vị đã chi phí vào công tác khám chữa bệnh cho người bệnh thì đề nghị thanh toán theo thực tế phát sinh.

* Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

Điều 24 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định: “Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế”. Quy định này nhằm mục đích để các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, Bộ Y tế nhận được ý kiến phản ánh từ các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh: Việc xác định tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế được quy định tạiĐiều 24 Nghịđịnh số 146/2018/NĐ-CP rất phức tạp, phụ thuộc vào chi phí năm trước liền kề và chi phí phát sinh trong năm tại cơ sở y tế do 09 nhóm nguyên nhân; trong khi 9 nhóm nguyên nhân này chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố khách quan làm phát sinh chi phí khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Thêm vào đó, việc xác định hệ số k ề thuộc, hóa chất, k vật tư y tế rất khó khan. Từ đó dẫn đến khi xácđịnh tổng mức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thường vượt so với chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã được giám định, đủ điều kiện quyết toán như các địa phương, cơ sở khám, chữa bệnh phản ánh.

Bộ Y tế đang xây dựng Nghị định sửa đổi, sửa đổi Nghị định số 146/2018/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định về tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và cho phép áp dụng từ năm 2019. Dự thảo Nghị định đang được tiếp thu hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ quyết định trong thời gian tới, Nghị quyết ban hành là cơ sở để sớm giải quyết vướng mắc, bất cập này trong thanh quyết toán khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

6. Vấn đề thứ sáu

Cử tri Đắk Nông: Tại điểm a khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 05/2023/NĐ- CP ngày 15/02/2023 “Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ- CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập” quy định: “a) Mức phụ cấp 100% áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại Trạm y tế xã, phường, thị trấn, Phòng khám đa khoa khu vực, Nhà hộ sinh, Trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương và bệnh viện tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trc thuộc trung ương.

Theo quy định trên, mức phụ cấp 100% chỉ áp dụng đối với các đối tượng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng, làm chuyên môn tại các trạm Y tế và Trung tâm Y tế huyện, bệnh viện tuyến huyện. Tuy nhiên nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ chung của toàn đơn vị. Trong thời gian dịch bệnh, từ bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ hành chính - kế toán, dân số cho đến nhân viên bảo vệ, lái xe đều tham gia phòng, chống dịch. Để đảm bảo sự công bằng đối với viên chức, người lao động làm việc gián tiếp tại cơ sở y tế, đề nghị bổ sung chế độ phụ cấp nghề đối với đội ngũ này. Đồng thời Bộ Y tế cần có Thông tư hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Nghị định số 05/2023/NĐ- CP ngày 15/02/2023.

* Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

a) Trong thời gian dịch Covid-19, để kịp thời động viên tất cả các đối tượng tham gia phòng, chống dịch, trong đó có viên chức truyền thông giáo dục sức khỏe, dân số kế hoạch hóa gia đình, nhân viên làm công việc xét nghiệm, Chính phủđã quy định chế độ phụ cấp chống dịch tại một số văn bản như sau:

- Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thùtrong phòng, chống dịch Covid-19 (thực hiện trong thời gian từ ngày 29/3/2020 đến ngày 08/02/2021), trong đó quy định chế độ phụ cấp chống dịch cho cán bộ y tế, người lao động tham gia phòng, chống dịch: (1) Mức 300.000 đồng/người/ngày đối với người đi giám sát, điều tra,, xác minh dịch, người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc bệnh dịch tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; (2) Mức 200.000 đồng/người/ngày đối với người vận chuyển người bệnh, bệnh phẩm; bảo quản tử thi người bệnh; người giặt đồ vải, quần áo bác sĩ, bệnh nhân; thu gom vỏ chai, lọ, hộp hóa chất; bảo vệ khu điều trị cách ly; vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh trong khu cách ly tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cán bộ y tế thực hiện giám sát dịch tễ, theo dõi y tế tại cơ sở cách ly y tế tại nhà và cơ sở cách ly y tế theo chỉ định của cơ quan quản lý nhà nước; (3) Mức 150.000 đồng/người/ngày đối với người thực hiện nhiệm vụ (không phải là chuyên môn y tế) tại cơ sở cách ly tập trung; người tham gia cưỡng chế cách ly y tế; người phiên dịch, đội cấp cứu 115, kíp vận chuyển người bị cách ly.

- Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thay thế Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020 của Chính phủ; trong đó quy định các mức phụ cấp chống dịch: Mức 300.000 đồng/người/ngày, mức 200.000 đồng/người/ngày, mức 150.000 đồng/người/ngày tương ứng với các đối tượng tham gia phòng, chống dịch ở mức độ công việc khác nhau.

- Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 quy định chế độ chống dịch cho các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên là 120.000 đồng/người/ngày; chế độ phụ cấp tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 miễn phí được 7.500 đồng/mũi tiêm/kíp tiêm chủng.

- Nghị quyết số 145/NQ-CP ngày 19/11/2021 về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, điều chỉnh chế độ đối với người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các đơn vị, địa phương có số lượng nhiễm Covid-19 cao các mức 450.000 đồng/người/ngày, 300.000 đồng/người/ngày, 225.000 đồng/người/ngày, 150.000 đồng/người/ngày theo số ngày thực tế tham gia chống dịch theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Như vậy, viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhân viên làm công tác xét nghiệm nếu thuộc đối tượng tại điểm 1, điểm 2 nêu trên thì đều được hưởng các phụ cấp theo quy định.

b) Quá trình xây dựng Nghị định 05/2023/NĐ-CP

Sau 02 năm phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Để góp phần giữ chân và bảo đảm nguồn nhân lực y tế thường xuyên, trực tiếp làm công tác y tế dự phòng đáp ứng nhu cầu chống dịch bệnh, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2022 – 2023, trong đó đồng ý chủ trương điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40-70% lên mức 100%. Đây là căn cứ để Chính phủ ban hành Nghị định 05/2023/NĐ-CP trong đó quy định mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở áp dụng từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2023; đối tượng hưởng là viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng (bao gồm cả kiểm dịch y tế biên giới); làm chuyên môn y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh; trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành thành phố trực thuộc trung ương đã và đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức từ 40-70% quy định tại Nghị định số 56/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/NĐ-CP. Viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình đang được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức 30% nên không thuộc đối tượng quy định tại Kết luận số 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị, vì vậy không có cơ sở để đưa vào đối tượng của Nghị định 05/2023/NĐ-CP.

c) Bảo đảm đãi ngộ xứng đáng và cải cách tiền lương đối với cán bộ y tế

Y tế cơ sở và y tế dự phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống y tế nhưng lại là những đơn vị khó khan nhất của ngành y tế, do đó trong thời gian tới cần có các chính sách phù hợp để thu hút, duy trì cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn thường xuyên, liên tục làm việc trong lĩnh vực này.

Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng của Quốc hội; trong đó có nhiệm vụ, giải pháp: “Nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ, nhân viên y tế nói chung, y tế cơ sở, y tế dự phòng nói riêng tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ và đặc thù công việc theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Khuyến khích các địa phương có chính sách thu hút cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ sở và trong lĩnh vực y tế dự phòng”. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết nêu trên. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét các chế độ tiền lương, phụ cấp, đãi ngộ thỏa đáng, phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức y tế (trong đó có viên chức dân số - kế hoạch hóa gia đình), nhân viên y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội.

7. Vấn đề thứ bảy

Cử tri Đắk Nông: Tại khoản 4 Điều 44 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ “Về quản lý trang thiết bị y tế” quy định: “4. Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán”.

Trong khi chưa có lộ trình kê khai và doanh nghiệp chưa có giá kê khai của các vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất (là trang thiết bị y tế); Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế không có giá kê khai làm cho các Cơ sở y tế công lập không mua sắm được các vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất cho hoạt động thường xuyên, dẫn đến phải chuyển bệnh nhân ra bệnh viện tư hoặc bệnh nhân tự mua vật tư y tế để Bệnh viện sử dụng cho bệnh nhân có Bảo hiểm y tế. Đến ngày 03/03/2023, vướng mắc của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP được tháo gỡ bằng Nghị định số 07/2023/NĐ-CP nhưng các Cơ sở y tế công lập bị ảnh hưởng tới uy tín, mất, giảm bệnh nhân đến khám, chữa bệnh, giảm nguồn thu, không thể tự chủ được. Đề nghị các Bộ, ngành có liên quan đưa ra giải pháp khắc phục những thiệt hại về kinh tế, tài chính nêu trên.

* Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

Triển khai Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã xây dựng Cổng thông tin điện tử kê khai giá trang thiết bị y tế để các doanh nghiệp thực hiện kê khai giá trang thiết bị y tế theo đúng thời hạn quy định và tổ chức tập huấn (theo hình thức trực tuyến) cho các cơ sở y tế và doanh nghiệp trên cả nước để thống nhất triển khai thực hiện.

Việc khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế được xác định vướng mắc từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành, Chính phủ, Bộ Y tế đã triển khai các nội dung sau:

- Khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định: “Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán” do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định: Chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Nội dung, hình thức, trình tự thủ tục kê khai giá trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về giá hoặc trên trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

- Bộ trưởng Bộ Y tếđã ban hành Quyết định số 2385/QĐ-BYT ngày 05/9/2022 và cập nhật bổ sung tại Quyết định số 18/QĐ-BYT ngày 17/4/2023 về việc Ban hành kế hoạch triển khai lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thiết bị y tế để hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý trang thiết bị y tế, dự kiến trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật vào tháng 10/2023 nhằm hoàn thiện quy định về quản lý thiết bị y tế theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế; đảm bảo chất lượng thiết bị y tế minh bạch, cạnh tranh lành mạnh.

- Tham gia ý kiến phối hợp với các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công,… để hoàn thiện quy định của pháp luật trong quản lý về thiết bị y tế.

8. Vấn đề thứ tám

Cử tri Đắk Nông: Hiện nay tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng trên một số địa bàn không đạt đầy đủ các chỉ tiêu. Đặc biệt năm 2022, tỷ lệ tiêm chủng cũng không đạt một số chỉ tiêu mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vắc xin, cùng với đó là thời gian gián đoạn cung ứng vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng. Căn cứ Công văn số 1810/BYT-KH-TC ngày 03/4/2023 của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên, trong đó kinh phí mua sắm vắc xin TCMR do ngân sách địa phương chi trả từ năm 2023 trở đi. Vì thế gây khó khăn cho địa phương trong việc triển khai đấu thầu, cung ứng không kịp thời để sử dụng trong năm 2023. Bên cạnh đó, một số loại vắc xin phải nhập khẩu DPT-VGB-Hib (SII) và IPV, các vắc xin sản xuất trong nước phải đặt hàng trước với các đơn vị sản xuất vắc xin.

Do đó, cử tri kiến nghị theo hai phương án: (1) Tiếp tục mua sắm tập trung ở Trung ương, cấp phát vắc xin về địa phương theo nhu cầu, địa phương chuyển trả kinh phí theo số lượng mua; (2) Bộ Y tế triển khai đấu thầu tập trung với các đơn vị cung ứng, có được khung giá của các loại vắc xin. Địa phương sẽ triển khai hợp đồng với nhà cung ứng theo giá đấu thầu của Bộ Y tế.

* Bộ Y tế trả lời: (Công văn số 5627/BYT-VPB1, ngày 06/9/2023)

Trên cơ sở đề xuất, kiến nghị của các địa phương, Bộ Y tế đã tổng hợp và có Tờ trình số 669/TTr-BYT ngày 21/5/2023 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện mua sắm vắc xin cho Chương tình tiêm chủng mở rộng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngày 13/6/2023 Bộ Y tế đã có văn bản tham gia ý kiến với Bộ Tài chính về dự thảo Tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng.

Ngày 10/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng. Theo đó, năm 2023, ngân sách trung ương sẽ tiếp tục bố trí cho Bộ Y tế để mua vắc xin tiêm chủng mở rộng cho tất cả các địa phương trên toàn quốc từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, rà soát, báo cáo nhu cầu vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2023 gửi Bộ Y tế.

Đồng thời, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị sản xuất vắc xin trực thuộc Bộ Y tế khẩn trương tiến hành sản xuất vắc xin tiêm chủng mở rộng trên cơ sở dự kiến nhu cầu về số lượng do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung cấp. Viện Vắc sinh và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu và xem xét khả năng hỗ trợ, tài trợ một số lượng vắc xin DPT (bạch cầu – ho gà - uốn ván) để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp hiện đang thiếu cho tiêm chủng mở rộng. Để bảo đảm sớm có vắc xin DPT-VGB-Hib (vắc xin 5 trong 1), Bộ Y tế đã làm việc với các nhà tài trợ trong nước và các tổ chức quốc tế (WHO, UNICEF) để hỗ trợ vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng để triển khai trước đối với các tỉnh khó khăn.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bộ Y tế trả lời cử tri Đắk Nông 8 vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO