Làm việc xuyên trưa, với hơn 30 ý kiến được các đại biểu được trao đổi tại buổi làm việc của Bộ Y tế và tỉnh Đắk Nông nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang tồn tại của ngành Y tế địa phương.
Ngày 14/8, Đoàn công tác Bộ Y tế do PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Nông về công tác y tế trên địa bàn.
Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh; Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo, năm 2024, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao 6 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế cho ngành Y tế. Đến nay, các chỉ tiêu đang thực hiện theo lộ trình. Trong đó, 2 chỉ tiêu khả năng đạt là giường bệnh/vạn dân và chỉ tiêu về tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Các chỉ tiêu chưa đạt gồm số bác sĩ/vạn dân; chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia BHYT; chỉ tiêu về tiêm chủng mở rộng cho trẻ em...
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh và ngành Y tế Đắk Nông đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc liên quan việc đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị; nguồn thu từ dịch vụ còn hạn chế; công tác tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế còn gặp khó khăn...
Việc cắt giảm biên chế cũng gây nhiều khó khăn cho ngành Y tế, không bảo đảm để đạt số bác sĩ trên vạn dân theo chỉ tiêu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 8,9 bác sĩ/vạn dân vào năm 2025 và 11 bác sĩ/vạn dân vào năm 2030. Công suất sử dụng giường bệnh, tình trạng chuyển tuyến vẫn còn là nỗi trăn trở của ngành Y tế Đắk Nông hiện nay.
Tại một số cơ sở Y tế còn thiếu bác sĩ có trình độ cao. Chính sách thu hút chưa đủ mạnh để giữ chân được các bác sĩ sau khi đi đào tạo về công tác tại địa phương. Cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư nhưng hiện nay nhiều đơn vị đã xuống cấp, thiếu trang thiết bị y tế kỹ thuật cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hồ Văn Mười, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến những đóng góp của Bộ Y tế cho tỉnh Đắk Nông, đồng thời nhấn mạnh, thuận lợi trong thực hiện công tác y tế trên địa bàn tỉnh đó là sự quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, ngành Y tế.
Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang được đầu tư nâng cấp; Dự án Bệnh viện Xuyên Á ở huyện Cư Jút đã khởi công… sẽ tạo hướng phát triển cho ngành Y tế Đắk Nông.
Tuy nhiên, với nhiều khó khăn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười đề nghị Trung ương có chính sách ưu tiên phát triển y tế cho các tỉnh miền núi nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng. Bộ Y tế tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa, ưu tiên hơn nữa trong việc triển khai các chương trình, dự án, các hạng mục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới. Bộ chỉ đạo các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ cho Đắk Nông trong đào tạo các kỹ thuật chuyên môn cao cho đội ngũ y, bác sĩ Đắk Nông.
Đồng chí Hồ Văn Mười yêu cầu Sở Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham dự, cụ thể hóa bằng hành động cụ thể để triển khai đầy đủ, hiệu quả.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đối với ngành Y tế tỉnh Đắk Nông và mong tỉnh tiếp tục quan tâm, củng cố, nâng cao chất lượng, nhân lực ngành Y tế.
Thứ Trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh tận dụng tối đa các nguồn lực đầu tư cho ngành Y tế. Tỉnh và ngành Y tế Đắk Nông tiếp tục chỉ đạo sát để nâng cao tỷ lệ tiêm chủng và tỷ lệ tham gia BHYT nhất là tại các vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS được coi là những vùng lõm của các tỷ lệ nói trên.
Để phát triển ngành Dược liệu, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Viện Dược liệu làm việc với tỉnh để nghiên cứu, xác định vùng; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện.
Các đề xuất của tỉnh về thành lập các trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Y học cổ truyền, phục hồi chức năng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị cần thực hiện theo lộ trình, khi đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực thì mới phát triển lên thành trung tâm.
Hiện không đủ điều kiện để thành lập Trung tâm Huyết học truyền máu ở Đắk Nông, do đó Thứ trưởng đề nghị Viện Huyết học tham mưu lại phân vùng, khu vực, linh hoạt chuyển Đắk Nông vào vùng Đông Nam Bộ để tiếp ứng máu, huyết tương cho công tác cứu, chữa bệnh của Đắk Nông kịp thời trong những trường hợp khẩn.