Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công

THI UYÊN - Nhật Quang| 06/12/2023 15:34

Với sự hỗ trợ của khoảng 50 chuyên gia cấp cao, Pháp đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam tiến tới số hóa khoảng 80% các thủ tục hành chính.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 1
Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ Pháp, Stanislas Guérini. Ảnh: Nhật Quang

Nhận lời mời của Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ Pháp Stanislas Guérini đã sang thăm Việt Nam vào cuối tháng 11/2023.

Chuyến thăm Việt Nam lần này nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên một Bộ trưởng Công vụ Pháp đến thăm Việt Nam.

Nhân dịp này, Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn Bộ trưởng Stanislas Guérini về những trọng tâm hợp tác trong lĩnh vực hành chính công giữa Việt Nam và Pháp.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 1
Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ Pháp, Stanislas Guérini. Ảnh: Nhật Quang

Ba thách thức chung

PV: Thưa Bộ trưởng, chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công là một trong các mảng hợp tác rất chặt chẽ giữa Việt Nam và Pháp. Trong quá trình hợp tác, Bộ trưởng đánh giá thế nào về quá trình chuyển đổi số của nền hành chính công Việt Nam?

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Tôi có thể khẳng định rằng, áp dụng chuyển đổi số vào lĩnh vực hành chính công là một trong những mảng hợp tác ngày càng được đẩy mạnh giữa Pháp và Việt Nam. Đặc biệt là sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe vào năm 2018, quá trình hợp tác này đã được tăng cường hơn rất nhiều. Cụ thể, với sự hỗ trợ của khoảng 50 chuyên gia cấp cao, Pháp đặt mục tiêu hỗ trợ Việt Nam tiến tới số hóa khoảng 80% các thủ tục hành chính.

Cá nhân tôi rất ấn tượng trước tốc độ chuyển đổi số của Chính phủ Việt Nam. Hai nước đã chia sẻ với nhau rất nhiều kinh nghiệm để đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thiết lập các cơ sở dữ liệu mở. Bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm của mình, Pháp cũng học hỏi rất nhiều từ quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Quả thực, quá trình chuyển đổi số đã đặt ra nhiều thách thức, yêu cầu chung cho cả hai nước.

Pháp đã hỗ trợ chính quyền Việt Nam trong các dự án ưu tiên số hóa với 2 triệu euro và hơn 50 chuyên gia. Nhờ đó, Pháp đã góp phần hình thành Cổng dịch vụ công Việt Nam ngay từ khi thành lập vào tháng 12/2019.

Cụ thể, sau khi hình thành các cơ sở dữ liệu mở, cả hai Chính phủ đều cần tạo ra sự kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan hành chính, đặc biệt là cấp địa phương. Từ đó, các cấp cần tiến tới đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Muốn vậy, ngoài bắt tay vào quá trình số hóa chuyển đổi số, hai nước cũng phải tái tổ chức lại các cơ quan hành chính của mình.

Trong giai đoạn hợp tác ban đầu, Pháp đã chuyển giao cho phía Việt Nam một cuốn sổ tay chia sẻ các kinh nghiệm của Pháp trong quá trình chuyển đổi số với các cơ quan hành chính. Đây là một kết quả rất cụ thể trong quá trình hợp tác giữa hai bên.

Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm rằng, chúng ta không nên tạo ra một sự đối lập giữa số hóa và quan hệ trực tiếp giữa con người với con người. Một trong những trọng tâm chiến lược của Pháp về số hóa các thủ tục hành chính là chúng tôi vẫn duy trì các điểm kết nối trực tiếp giữa công dân với chính quyền. Khi người dân cần họ vẫn có thể tiếp xúc trực tiếp với những con người thật.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 2
Bộ trưởng Stanislas Guérini. Ảnh: Nhật Quang

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách cẩn trọng

PV: Bộ trưởng có nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong việc áp dụng chuyển đổi số vào hành chính công trong thời gian tới? Hai nước có thể thu được những cơ hội và lợi ích cụ thể nào?

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Trong chuyến đi này, tôi luôn trao đổi với các đối tác Việt Nam về những thách thức quan trọng mà hai nước có thể hợp tác cùng giải quyết. Như tôi đã đề cập, vấn đề đầu tiên là phải hình thành các cơ sở dữ liệu mở. Tuy nhiên hình thành thôi là không đủ, các cơ quan chức năng phải khai thác tốt các cơ sở dữ liệu này để phục vụ cho công tác điều hành các chính sách công.

Thứ hai, hai nước có thể tăng cường hơn nữa hợp tác trong công tác đào tạo công chức và những người thực thi chính sách.

Thứ ba, Pháp và Việt Nam có thể cùng nhau khai thác những cơ hội mà tiến bộ của khoa học công nghệ đang đem lại. Thí dụ, áp dụng trí tuệ nhân tạo vào hành chính công là một lĩnh vực mà cả hai nước có thể cùng học hỏi, chia sẻ.

Trên thực tế, trí tuệ nhân tạo là một xu hướng đang diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra. Để có thể giải quyết những thách thức mà trí tuệ nhân tạo mang lại, tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải khiêm tốn. Đây là một quá trình chuyển đổi rất lớn. Cách tiếp cận của Chính phủ Pháp thì vẫn đang dừng ở thử nghiệm. Tức là, chúng tôi cần tiếp tục đánh giá tác động của công nghệ này lên các hoạt động trong xã hội như: tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ giữa chính quyền và người dân, tác động của trí tuệ nhân tạo đối với công ăn việc làm,… Chúng ta cần phải thích nghi bằng cách nỗ lực đào tạo và xây dựng những kỹ năng mới.

Mặt khác, sử dụng công nghệ để bảo vệ dữ liệu là một lĩnh vực cũng không kém phần quan trọng. Đây là điều kiện tiên quyết để khai thác tốt các cơ sở dữ liệu mở, bởi khi Chính phủ có khả năng bảo vệ tốt các cơ sở dữ liệu cá nhân này thì lòng tin từ công chúng mới được tạo lập. Chỉ có như vậy, Chính phủ mới có thể phát triển các các cơ sở dữ liệu mở.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 3
Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ Pháp, Stanislas Guérini trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam. Ảnh: Nhật Quang

PV: Thưa Bộ trưởng, Pháp đã áp dụng các kế hoạch và chính sách về bảng lương và phúc lợi như thế nào để tăng sự hài lòng và động lực cho công chức? Theo Bộ trưởng, đâu là điểm khác biệt giữa Việt Nam và Pháp trong khía cạnh này?

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Ở Pháp, chúng tôi có một chế độ tiền lương cho công chức dựa trên chức vụ đảm nhiệm, mức độ trách nhiệm cũng như là vị trí việc làm. Đây là một bảng lương cho phép chúng tôi bảo đảm sự công bằng giữa các công chức trong công việc của mình. Một trong những thách thức mà chúng tôi cũng đang thực hiện là chế độ tiền thưởng. Khi một ai đó hăng say trong công việc, đạt được những kết quả tốt thì Bộ cần có chế độ để có thể khích lệ.

Tiền lương cho cán bộ, công chức cũng là một chủ đề hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Cụ thể, trong buổi làm việc ngày hôm qua giữa tôi và bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam, chúng tôi cũng đã đề cập đến chủ đề chế độ tiền lương cho cán bộ công chức. Hai nước sẽ tiếp tục làm việc, hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm.

Pháp cũng như Việt Nam đều có mức lương tối thiểu. Bên cạnh đó, chúng tôi còn thiết lập một bảng lương để công chức Pháp có thể cải thiện mức thu nhập theo quá trình phát triển sự nghiệp với những dấu mốc và trách nhiệm rõ ràng.

Công chức trẻ hôm nay là lãnh đạo cho ngày mai

PV:Để nâng cao năng lực và năng suất làm việc của công chức, Pháp có đã có những khóa đào tạo và cơ sở đào tạo nào thưa Bộ trưởng? Hai nước có thể hợp tác như thế nào đào tạo công chức nói chung, công chức trẻ và là nữ nói riêng?

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Có thể nói, hợp tác giữa Pháp và Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo công chức đã được xác lập từ rất lâu rồi. Cho tới thời điểm hiện tại, có khoảng 300 công chức bậc cao cấp cao của Việt Nam đã từng theo học tại các trường đào tạo cán bộ, công chức của Pháp.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 4
Bộ trưởng Stanislas Guérini. Ảnh: Nhật Quang

Cũng mới gần đây, chính bản thân tôi đã có dịp tiếp đón một đoàn cán bộ trẻ gồm 14 người với số lượng cán bộ nam, nữ cân bằng, tới thăm bộ và làm việc với Bộ trưởng Chuyển đổi và Công vụ tại Pháp. Họ đều là những cán bộ trẻ rất có triển vọng của Việt Nam sang Pháp để theo học một khóa đào tạo.

Bên cạnh đó, bình đẳng giới trong nghề nghiệp là một trong những quyết tâm mà cả Chính phủ Pháp và Việt Nam đang hướng tới. Tôi đánh giá rất cao mong muốn thúc đẩy số lượng và chất lượng lãnh đạo nữ của Bộ trưởng Nội vụ Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi các cơ quan công vụ thì phải thu hút những người tài từ mọi nơi, bao gồm cả lực lượng cán bộ nữ.

Tháng 9/2022, khóa bồi dưỡng "Nâng cao năng lực lãnh đạo, chuyển đổi số và cải cách hành chính công" dành cho cán bộ quản lý trẻ và cán bộ quản lý nữ chính quyền địa phương Việt Nam đã được tổ chức tại Trường Quản trị Normandie (Pháp).

Đây là sự kiện đầu tiên hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính về việc xây dựng và triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ, cán bộ nữ chính quyền địa phương và bộ, ngành Trung ương giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030.

Tôi xin giải thích lý do vì sao mà chúng ta cần phải đầu tư nhiều nỗ lực trong việc đào tạo các cán bộ, trẻ công chức trẻ; cán bộ, trẻ công chức là nữ. Trước hết, đây là một trong các điều kiện giúp hai nước chuyển đổi nền hành chính công thành công. Cả Việt Nam và Pháp đều đang trải qua quá trình già hóa dân số. Trong tương lai, một lực lượng lớn công chức sẽ đến tuổi nghỉ hưu. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị, đào tạo thế hệ lãnh đạo tiếp nối từ ngay bây giờ. Chính những cán bộ trẻ, cán bộ nữ ngày hôm nay sẽ là những người thực thi chính sách trong ngày mai.

Về cách thức đào tạo, không chỉ dừng lại ở hình thức đào tạo trực tiếp, Pháp cũng đã tổ chức những lớp học trực tuyến cho cán bộ, công chức Việt Nam. Mới đây, khóa đào tạo trực tuyến cho 50 cán bộ, công chức Việt Nam về năng lực lãnh đạo và chuyển đổi là một minh chứng.

Về cơ sở đào tạo, bên cạnh Viện Dịch vụ Công Quốc gia Pháp (INSP) - nơi đào tạo công chức cấp cao, Pháp cũng có nhiều cơ sở đào tạo công chức cấp trung. Tôi tin tưởng rằng, đào tạo cán bộ, công chức thì một công việc tối quan trọng và cần thiết để hai bên có thể là vượt qua những thách thức đã nêu.

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công ảnh 5
Bộ trưởng Stanislas Guérini. Ảnh: Nhật Quang

Việt Nam và Pháp hợp tác phòng, chống tham nhũng

PV:Thưa Bộ trưởng, Pháp đã có những tiêu chuẩn và quy định về đạo đức trong dịch vụ công như thế nào? Bởi đây là một tiêu chí rất khó đo lường, định lượng, Pháp đã dùng cách nào để đánh giá đạo đức công vụ?

Bộ trưởng Stanislas Guérini: Đạo đức công vụ là mối quan tâm lớn của Pháp. Tất cả các Bộ đều có bộ quy chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của riêng mình. Công chức thuộc Bộ có nghĩa vụ thực thi các quy chuẩn này. Đây cũng là bộ công cụ để ngăn ngừa xung đột lợi ích, nhất là khi công chức thiết lập quan hệ cá nhân với các tác nhân bên ngoài như doanh nghiệp.

Ngoài ra, Pháp cũng có những cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng. Thí dụ một vài cái tên như: Cơ quan độc lập về minh bạch đời sống công, Cơ quan chống tham nhũng quốc gia,...

Chống tham nhũng là một trong những trục chính trong hợp tác giữa Pháp và Việt Nam. Tôi cũng đánh giá cao những quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Chỉ khi công tác phòng, chống tham nhũng được thực hiện tốt, các cơ quan hành chính của Chính phủ mới có thể hoạt động hiệu quả, giúp đất nước vượt qua những thách thức của thời đại.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/bo-truong-stanislas-guerini-phap-se-ho-tro-viet-nam-so-hoa-80-cac-thu-tuc-hanh-chinh-cong-post786109.html
Copy Link
https://nhandan.vn/bo-truong-stanislas-guerini-phap-se-ho-tro-viet-nam-so-hoa-80-cac-thu-tuc-hanh-chinh-cong-post786109.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bộ trưởng Stanislas Guérini: Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam số hóa 80% các thủ tục hành chính công
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO