Tăng số lượng cán bộ công tác tại phường, xã, thị trấn phù hợp với quy mô
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội liên quan đến đề nghị điều chỉnh quy định theo hướng tăng thêm về số lượng cán bộ công tác tại phường, xã, thị trấn, đặc biệt đối với các khu vực đông dân cư, đô thị hóa nhanh hiện nay, giúp cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Theo đó, Điều 6 và Điều 33 đã quy định số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được tính theo loại đơn vị hành chính cấp xã và giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh căn cứ số lượng đơn vị hành chính cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên lớn hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính để tính số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tăng thêm.
Nâng cao mức phụ cấp và mở rộng đối tượng hưởng phụ cấp
Cử tri Hà Nội kiến nghị xem xét nâng cao mức phụ cấp, mở rộng đối tượng hưởng phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Đối với các tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên, quy định có hai phó tổ trưởng tổ dân phố.
Đồng thời xem xét điều chỉnh mức phụ cấp đối với Chủ tịch Hội Người Cao tuổi cấp xã đối với các trường hợp không có lương hưu vì cùng làm Chủ tịch Hội song trường hợp có lương hưu được hưởng 1,5 mức lương tối thiểu, trường hợp không hưởng lương hưu chỉ được hưởng 0,87 mức lương tối thiểu.
Cùng với đó, cử tri đề nghị tiếp tục quan tâm, xem xét tổng thể để nâng mức lương, phụ cấp, mở rộng đối tượng được hưởng đối với các cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ bán chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố.
Trả lời các nội dung này, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Điều 34 Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và giao thẩm quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh quy định cụ thể mức phụ cấp của từng chức danh, mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố.
Khoản 2 Điều 20 Nghị định này quy định trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (trong đó có nhiệm vụ của Văn phòng Đảng ủy) được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định của chức danh kiêm nhiệm.
Nâng lương đối với cán bộ, công chức cấp xã
Về nâng lương đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP (trong đó có áp dụng đối với cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố), theo đó, từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở được điều chỉnh từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng.
Bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã và xếp vào diện cán bộ chuyên trách hoặc công chức
Liên quan đến kiến nghị bổ sung chức danh Văn phòng Đảng ủy cấp xã và xếp vào diện cán bộ chuyên trách hoặc công chức, Bộ Nội vụ cho biết, vấn đề này liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức hiện hành.
Bộ Nội vụ ghi nhận kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội để báo cáo cấp có thẩm quyền khi có chủ trương sửa đổi Luật này.
Bên cạnh đó, cử tri Hà Nội đề nghị có quy định liên thông giữa cán bộ thuộc tổ chức Đảng, đoàn thể ở phường với công chức phường và công chức từ cấp quận trở lên nhằm thuận lợi trong chuyển đổi vị trí, công tác giữa các đơn vị.
Bộ Nội vụ thường xuyên chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; nghiên cứu, xem xét đổi mới công tác tuyển dụng cán bộ cơ sở vì có nhiều yếu tố đặc thù khác với công chức ở các cơ quan khác.
Trả lời, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, Điểm c khoản 4 Điều 10 Nghị định 33 đã phân cấp cho UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đối với từng chức danh công chức cấp xã.
Đồng thời, Điều 35 quy định chế độ đào tạo, bồi dưỡng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị UBND thành phố Hà Nội chủ động, có kế hoạch cụ thể thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn.
Về liên thông cán bộ phường với công chức phường và công chức từ cấp quận trở lên, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng triển khai thực hiện việc sơ kết tổ chức chính quyền đô thị tại 3 thành phố, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quý IV/2023.
Trên cơ sở đó, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị cho phù hợp với thực tiễn./.