Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin ngày 5/7 tuyên bố bạo loạn đã chấm dứt trên toàn bộ "đất nước hình lục lăng."
Phát biểu trước Thượng viện Pháp, Bộ trưởng Darmanin nhấn mạnh: “Chúng ta đang chứng kiến sự yên tĩnh trở lại trên khắp nước Pháp."
Tuy nhiên, ông cũng khẳng định Bộ Nội vụ Pháp vẫn đang duy trì mức độ cảnh giác cao.
Cùng ngày, giới chức Pháp đã tiến hành điều tra cái chết của một người đàn ông bị cho là trúng đạn cao su của cảnh sát trong những cuộc bạo loạn ở thành phố Marseille, khi nước này đang tính toán thiệt hại của làn sóng bạo loạn đô thị nghiêm trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua.
Các công tố viên ở Marseille - thành phố cảng miền Nam nước Pháp bị tàn phá bởi một số vụ đụng độ hồi cuối tuần qua - cho biết một người đàn ông 27 tuổi được phát hiện tử vong vào rạng sáng 2/7 do đau tim.
Công tố viên Dominique Laurens xác nhận ông đã mở cuộc điều tra về “cái chết liên quan đến hành vi sử dụng vũ khí,” trong đó nạn nhân bị sốc nặng, nhiều khả năng do bị trúng một loại đạn cao su."
Đây là trường hợp đầu tiên được báo cáo thiệt mạng trong làn sóng bạo loạn kéo dài suốt 1 tuần, bùng phát sau vụ cảnh sát bắn chết một thiếu niên 17 tuổi gốc Bắc Phi vì không chấp hành hiệu lệnh dừng xe trong khi tham gia giao thông ở ngoại ô phía Tây thủ đô Paris hôm 27/6.
Biểu tình đã khiến Thủ tướng Elisabeth Borne tuyên bố hủy bỏ các sự kiện quy mô lớn trên toàn quốc.
Ngày 4/7, Nghiệp đoàn Giới chủ (MEDEF) - liên đoàn lao động lớn nhất nước Pháp - ước tính làn sóng biểu tình bạo loạn bùng phát từ tuần trước ở nước này đến nay đã gây thiệt hại lên tới hơn 1 tỷ USD.
Theo MEDEF, 200 cơ sở kinh doanh, 300 chi nhánh ngân hàng và 250 cửa hàng thuốc lá đã bị cướp phá, gây thiệt hại 1,1 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm thiệt hại đối với trường học, tòa thị chính và trung tâm cộng đồng.
Người đứng đầu MEDEF Geoffroy Roux de Bézieux đánh giá mức độ thiệt hại có thể sẽ gia tăng do lượng đặt phòng khách sạn dự báo giảm vào mùa Hè năm nay vì lo ngại tình hình bạo loạn.
Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron xác nhận ông đã gặp các thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do làn sóng bạo loạn.
Nguồn tin từ giới chức Pháp tiết lộ Tổng thống Macron hy vọng sớm bắt đầu “quá trình làm rõ vụ việc để tìm hiểu lý do sâu xa dẫn đến những sự kiện này."
Tìm cách giải quyết làn sóng bạo lực bùng phát ở Pháp đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với Tổng thống Macron kể từ khi ông nhậm chức vào năm 2017./.