Bộ Tài chính nói gì về ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh?

PV| 09/01/2025 09:45

Cơ sở đặt ra ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh được xây dựng dựa trên số liệu thống kê trên Hệ thống ứng dụng quản lý thuế. Năm 2025, nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu đề xuất điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Ngưỡng nợ thuế để hoãn xuất cảnh đối với cá nhân khoảng 2.100 USD là phù hợp

Theo quy định, các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm: cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế (NNT) là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề xung quanh ngưỡng nợ thuế để đủ điều kiện thông báo hoãn xuất cảnh.

Tại họp báo chiều ngày 7/1 của Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho rằng, việc quy định tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế là giải pháp đã được quy định và thực hiện từ lâu theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Từ thực tiễn triển khai, quy định này đã mang lại hiệu quả tốt đối với công tác thu hồi nợ của cơ quan Thuế. Tuy nhiên, hiện nay chưa quy định cụ thể về ngưỡng số tiền.

Quá trình thực hiện chính sách, cơ quan Thuế ghi nhận một số phản hồi từ người nộp thuế, cá nhân có số nợ nhỏ nhưng vẫn bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Theo ông Mai Sơn, tiếp thu những phản hồi này, một mặt, ngành Thuế đã đẩy mạnh hơn việc thông báo đến NNT về nghĩa vụ nợ để hoàn thành đúng hạn. Đồng thời, tích cực phối hợp với cơ quan xuất nhập cảnh để giải quyết thủ tục nhanh nhất khi phát hiện nợ thuế trong quá trình xuất cảnh, sau đó liên thông giải quyết nhanh nhất.

Đối với các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế đã thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của NNT thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi "Thông báo tạm hoãn xuất cảnh" đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi NNT được biết và hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Bộ Tài chính nói gì về ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh
(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, ngành Thuế đã triển khai nhiều kênh thông tin để thông báo, nhắc nhở, cảnh báo NNT về nghĩa vụ nộp thuế, trong đó có thông báo qua ứng dụng thuế điện tử eTax Mobile và cả nhắn tin tới NNT, do đó NNT nợ thuế phải có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ thuế.

Trong quá trình áp dụng triển khai các biện pháp quản lý nợ thuế trên cả nước, cơ quan thuế nhận được nhiều phản ánh từ NNT về việc bất ngờ nhận được thông báo tạm hoãn xuất cảnh..., cũng như những phản ứng đối phó của NNT như thay đổi người đại diện pháp luật khi có thông báo tạm hoãn xuất cảnh. Trước tình hình trên, cơ quan thuế chủ động nắm bắt thông tin phản ánh, rà soát đảm bảo NNT nhận được thông tin nợ thuế, thông tin về thông báo tạm hoãn xuất cảnh.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cũng cho biết, cơ quan Thuế đã báo cáo Bộ Tài chính trình lên Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó đề xuất áp dụng tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền thuế nợ từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên đã quá thời hạn nộp theo quy định trên 120 ngày.

Theo số liệu thống kê trên hệ thống ứng dụng quản lý thuế, hiện có khoảng 380 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 10 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 100 triệu đồng trở lên. Khoảng 81 nghìn cá nhân là cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế từ 50 triệu đồng trở lên và doanh nghiệp có số tiền nợ thuế từ 500 triệu đồng trở lên… Đây là cơ sở để đặt ra ngưỡng áp dụng.

Ngoài ra, nghiên cứu kinh nghiệm áp dụng chính sách này tại một số quốc gia cũng cho thấy, những cá nhân có khoản nợ thuế trong khoảng 2.000 USD (đối với Malaysia) và là 40.000 USD (đối với Hoa Kỳ) thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh. Do đó, theo Tổng cục Thuế, ngưỡng đối với cá nhân tại Việt Nam khoảng 2.100 USD (tương đương 50 triệu đồng) là phù hợp.

Có nhiều hoạt động quản lý thuế đối với nhóm người nổi tiếng

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cũng cho biết, theo pháp luật, tất cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, không phân biệt là người nổi tiếng hay không, nếu phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh thì phải có nghĩa vụ kê khai và chịu trách nhiệm nộp thuế cho ngân sách Nhà nước. 

Như vậy, người nổi tiếng, các YouTuber, TikToker, streamer… mà có thu nhập từ các nền tảng trực tuyến sẽ đều là các đối tượng phải chịu thuế.

Bên cạnh đó, cơ quan tư vấn thuế có trách nhiệm tuyên truyền, hỗ trợ cũng như đưa ra các giải pháp để kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm (nếu có) để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân người nộp thuế.

Thời gian qua, Tổng cục Thuế đã có nhiều hoạt động quản lý thuế đối với nhóm người nổi tiếng. 

Riêng với các trường hợp là người nổi tiếng tham gia các phiên livestream (bán hàng trực tuyến), tiếp thị liên kết, Tổng cục Thuế cũng đã có chỉ đạo đến cơ quan các cấp để tăng cường quản lý... 

Tổng cục Thuế đã có danh sách những người có doanh số lớn từ việc bán hàng qua thương mại điện tử và được đưa vào danh sách thực hiện phân loại tiêu chí rủi ro, thanh tra, kiểm tra.

Thống kê trên cả nước, số cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên diện rà soát là 76.428 cá nhân; số đã xử lý vi phạm là 30.029 cá nhân với số tiền truy thu, xử phạt là 1.223 tỷ đồng.

Liên quan tới việc đồng nhất mã số thuế với số định danh cá nhân, phóng viên bày tỏ về các trường hợp 1 cá nhân có 2 - 3 mã số, ông Mai Sơn cho biết, triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử theo Đề án 06, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp về chia sẻ dữ liệu, truy vấn dữ liệu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế rà soát, chuẩn hóa thông tin mã số thuế cá nhân.

Tính đến hết tháng 12/2024, khoảng 95% số lượng mã số thuế cá nhân thuộc đối tượng phải rà soát và có thể rà soát đã được chuẩn hóa thông tin khớp đúng với Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, hiện còn 5% là nhiều đối tượng khó tìm kiếm, dữ liệu chưa được đồng bộ nên còn tiếp tục rà soát. 

Các trường hợp có nhiều mã số thuế hầu hết do trong quá khứ phát sinh giao dịch dân sự từ các giấy tờ nhân thân khác nhau (chứng minh thư nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân)…

Ông Mai Sơn cho biết, cơ bản đến nay, các trường hợp này cũng đã được đồng bộ vào 1 mã số do người nộp thuế lựa chọn và sau này sử dụng thống nhất.

Theo thuongtruong.com.vn
https://thuongtruong.com.vn/news/bo-tai-chinh-noi-gi-ve-nguong-no-thue-bi-tam-hoan-xuat-canh-132067.html
Copy Link
https://thuongtruong.com.vn/news/bo-tai-chinh-noi-gi-ve-nguong-no-thue-bi-tam-hoan-xuat-canh-132067.html
x

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bộ Tài chính nói gì về ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO