Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND

Bổ sung đối tượng truyền dạy nghề vào dự án Luật Việc làm

Đức Diệu 27/11/2024 16:25

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng cần bổ sung nhóm đối tượng truyền dạy nghề vào dự án Luật Việc làm để có căn cứ trả thù lao, chi phí.

Tham gia thảo luận tại hội trường (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) về dự án Luật Việc làm, đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH Đắk Nông cho rằng, đối với một số địa phương có đặc thù dân cư sinh sống bao gồm nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đang đối diện với khó khăn, vướng mắc liên quan đến vấn đề bảo tồn, duy trì nét văn hóa truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc riêng. Vì trên thực tế, đối tượng truyền nghề truyền thống không có chứng chỉ hành nghề nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong chi trả chế độ, khuyến khích họ tham gia trao truyền, giảng dạy các kỹ năng mà họ có từ sự kế thừa thế hệ trước và kinh nghiệm cá nhân. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhóm đối tượng này vào dự thảo Luật để luật hóa, từ đó ban hành các chế độ, chính sách phù hợp.

Hằng 27
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu nội dung quy định của Luật Việc làm cho phù hợp, đồng nhất với Bộ luật Lao động

Điểm d khoản 2 Điều 8 quy định: “Người lao động là người khuyết tật; người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng; người lao động nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng”. Đại biểu Hằng kiến nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì, mở rộng việc làm với mức lãi suất thấp hơn là: người lao động trong hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi thường xuyên đau ốm, không có khả năng lao động, không tự chăm sóc được bản thân.

Tại điểm a, khoản 1, Điều 23 về trình tự đăng ký lao động quy định: Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký lao động cùng với việc đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội”.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Lao động quy định trách nhiệm quản lý lao động của người sử dụng lao động: “Khai trình việc sử dụng lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bắt đầu hoạt động, định kỳ báo cáo tình hình thay đổi về lao động trong quá trình hoạt động với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh và thông báo cho cơ quan bảo hiểm xã hội”. Vì vậy, đề nghị tiếp tục rà soát, đối chiếu nội dung quy định của Luật này cho phù hợp, đồng nhất với Bộ luật Lao động.

Điểm 2, khoản 5, Điều 58 dự thảo Luật là điểm mới so với Luật hiện hành: “2. Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.

Tuy nhiên, tính khả thi của quy định này khi áp dụng vào thực tiễn chưa cao bởi vì khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu được số tiền mà doanh nghiệp chậm đóng hoặc trốn đóng mới trả lại cho người lao động thì khả năng thu hồi quá lâu; đề nghị cần xem xét lại quy định này cho phù hợp. Trong trường hợp vẫn giữ quy định này thì phải có thời hạn giữ, thời hạn trả tiền cụ thể, rõ ràng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động.

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bổ sung đối tượng truyền dạy nghề vào dự án Luật Việc làm
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO