Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã bổ sung vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.
Trước tình trạng thiếu nhân sự nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 1512/BGTVT-TCCB kiến nghị Bộ Nội vụ cho phép ký hợp đồng lao động tại các đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Hiện Cục Đăng kiểm đã thực hiện theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm liên quan tới nhân sự, tài chính, không hưởng lương ngân sách, có đề xuất được ký hợp đồng lao động để bổ sung nhân sự thiếu hụt. Việc ký hợp đồng được thực hiện tới khi Cục Đăng kiểm tuyển dụng đủ viên chức theo quy định.
Bộ Nội vụ cho biết, theo Công văn của Bộ Giao thông vận tải, 17 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải xác định là đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên.
Do đó, nếu đã được được xác định là đơn vị sự nghiệp tự chủ chi thường xuyên theo đúng quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (quy định cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) thì việc ký kết hợp đồng lao động làm chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 9 và các quy định khác có liên quan tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP (quy định về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập).
Khoản 1 Điều 9 Nghị định 111/2022/NĐ-CP nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ký kết hợp đồng lao động để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở vị trí việc làm do viên chức đảm nhiệm theo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của đơn vị.