Bộ GTVT có trách nhiệm chính việc chậm tiến độ đường Hồ Chí Minh

vnexpress.net| 07/06/2022 08:52

Giải trình trước Quốc hội về tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh chiều 6/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn thể hai lần thừa nhận trách nhiệm khi chậm tiến độ thông toàn tuyến.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Hoàng Phong

Ông Thể nói, đường Hồ Chí Minh rất đặc biệt nên Chính phủ tập trung triển khai. Giai đoạn 2000-2010, tiến độ dự án rất tốt. Giai đoạn 2011-2025, dự án được bố trí nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế 2008-2010, được sự thống nhất của Bộ Chính trị, Chính phủ đã dừng, giãn nhiều dự án nhằm kiểm soát lạm phát. Vì vậy, giai đoạn 2011-2015, hầu như các dự án lớn, trong đó có đường Hồ Chí Minh phải dừng.

Từ năm 2016, các dự án được triển khai trở lại, trong đó tập trung cho cao tốc Bắc Nam phía Đông và nhiều dự án trọng điểm. Vì thế, nguồn lực dành cho đường Hồ Chí Minh rất ít. "Vì những lý do như thế, chúng ta không đủ nguồn lực", ông Thể giải thích lý do một số đoạn, tuyến triển khai chậm.

Nguyên nhân tiếp theo Bộ trưởng Thể nêu ra là đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực địa chất, thời tiết phức tạp, nhiều đoạn rất ít dân. Quá trình triển khai gặp khó khăn không chỉ về giải phóng mặt bằng mà còn vượt qua thời tiết, địa hình.

Về chủ quan, ông Thể thừa nhận "trách nhiệm chính vẫn là Bộ Giao thông Vận tải và một số bộ, ngành có liên quan trong tham mưu với Chính phủ, Quốc hội để rà soát, bố trí vốn".

Ông Thể cũng cho rằng, trong chừng mực nào đó, Quốc hội cũng có một phần trách nhiệm về bố trí vốn. "Khi bố trí vốn thì phải có Chính phủ, Quốc hội và không có vốn thì không làm được. Nguyên nhân chủ quan này đúng và cũng có một phần là trách nhiệm của các địa phương khi triển khai chậm, vướng mặt bằng, vướng điều kiện thi công", Bộ trưởng Thể nói.

Chính phủ đã rút kinh nghiệm từ dự án đường Hồ Chí Minh cho các dự án trọng điểm quốc gia hiện nay và giai đoạn sắp tới. "Với sự quyết liệt của Chính phủ và địa phương, chúng tôi nghĩ rằng giai đoạn sắp tới của đường Hồ Chí Minh và các dự án khác sẽ thực hiện tốt", ông Thể nêu quyết tâm trước Quốc hội.

Hai đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận, đã bố trí được 4.450 tỷ đồng. Đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến đã được lập hồ sơ trong năm 2022. "Chúng tôi sẽ tranh thủ nguồn lực có thể có được trong năm nay và giai đoạn sắp tới để đầu tư", ông Thể nói.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội xây dựng kế hoạch trong giai đoạn 2026-2030, tập trung nguồn lực cho đường Hồ Chí Minh, nhất là nâng cấp những đoạn có quy hoạch cao tốc; các đoạn còn lại "cố gắng bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng".

Theo nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2020 hoàn thành nối thông tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), quy mô tối thiểu hai làn xe với chiều dài 2.744 km. Đến nay các đơn vị đã hoàn thành 2.362 km, đạt 86% và 258 km tuyến nhánh; đang triển khai 211 km; còn lại còn 171 km chưa bố trí được vốn (dự kiến cần 10.700 tỷ đồng).

Tổng mức đầu tư các dự án thành phần để nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh (giai đoạn hai làn xe) là 99.100 tỷ đồng. Các dự án thành phần đã và đang đầu tư có tổng mức 88.400 tỷ đồng. Chính phủ đã bố trí 79.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án. Thời gian tới, Chính phủ sẽ cân đối nguồn lực đầu tư hai dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/bo-gtvt-co-trach-nhiem-chinh-viec-cham-tien-do-duong-ho-chi-minh-93410.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/chinh-tri/bo-gtvt-co-trach-nhiem-chinh-viec-cham-tien-do-duong-ho-chi-minh-93410.html

    Nổi bật

        Mới nhất
        Bộ GTVT có trách nhiệm chính việc chậm tiến độ đường Hồ Chí Minh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO