Ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về 9 lĩnh vực. Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã gửi báo cáo bổ sung một số nội dung thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lĩnh vực công thương.
Có gì mới?
Liên quan đến đảm bảo cung ứng điện, ông Diên cho biết, hằng năm, để đảm bảo công tác điều hành cung ứng điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải điện theo dự báo, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho cả năm; đồng thời xây dựng kế hoạch cung ứng điện riêng cho các tháng cao điểm nắng nóng.
Hơn nữa, cuối quý I, trên cơ sở cập nhật, tính toán, dự báo nhu cầu phụ tải tăng cao, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, cập nhật, điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện cho phù hợp tình hình thực tế.
“Đây là điểm mới trong công tác điều hành cung ứng điện và vận hành hệ thống điện quốc gia, đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình”, ông Diên cho hay.
Ngoài ra, với vai trò quản lý ngành, Bộ Công Thương đã phê duyệt biểu đồ/kế hoạch cung cấp và thường xuyên giám sát việc cung cấp nhiên liệu sơ cấp (than, khí) cho sản xuất điện, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện.
Về khả năng đáp ứng điện trong năm nay, "tư lệnh ngành" Công Thương cho hay, trong tháng 7, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống đã được thực hiện tốt, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân cả nước.
"Vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải"
Thống kê cho thấy, lũy kế 7 tháng năm, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt 174,113 tỷ kWh, cao hơn 11,70% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 56,06% so với kế hoạch (310,6 tỷ kWh).
Trong tháng 7, lưu lượng nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục tăng so với trung bình nhiều năm nên một số hồ thủy điện đã thực hiện xả nước theo quy trình vận hành liên hồ chứa và theo chỉ đạo của Ủy ban Phòng chống lụt bão Trung ương.
Đối với các tháng còn lại năm nay, theo ông Diên, trên cơ sở tính toán cập nhật và đề nghị của EVN, ngay trong tháng 4, Bộ Công Thương đã ban hành điều chỉnh kế hoạch cung ứng điện tháng cao điểm mùa khô và cho cả năm 2024.
“Việc điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện đảm bảo tính linh hoạt, bám sát thực tiễn nhằm chủ động trong mọi tình hình”, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.
Theo báo cáo của EVN, việc cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong thời gian còn lại của năm, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, tăng trưởng điện năng được dự báo tiếp tục tăng cao đến hết năm, dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10.
“Trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm”, ông Diên nhìn nhận.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương khẳng định sẽ thường xuyên theo dõi, giám sát việc cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu), tình hình vận hành các nguồn điện và đôn đốc, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp để đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2024.
Về đảm bảo nhiên liệu (than và khí) cho sản xuất điện, để đảm bảo cấp đủ, ổn định than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương đã phê duyệt điều chỉnh biểu đồ cấp than các tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 7) và cả năm 2024.
Dự kiến nhu cầu than các tháng mùa khô khoảng 28 triệu tấn, cả năm khoảng 75 triệu tấn. Điều này đã giúp các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện than và các đơn vị sản xuất than chủ động trong việc chuẩn bị nguồn than cho sản xuất điện năm 2024, góp phần đảm bảo an ninh cung ứng điện.
Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp ổn định khí cho sản xuất điện, Bộ Công Thương đã phê duyệt kế hoạch cấp khí cho sản xuất điện năm 2024, theo đó dự kiến sản lượng khí cấp cho sản xuất điện năm 2024 từ 4,191-4,470 tỷ m3.