Ngày 8/10, buổi sáng, Trung ương họp phiên bế mạc tại Hội trường. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Bộ Chính trị điều hành Hội nghị.
Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị đối với các nội dung Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến:
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về:
- Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023, kế hoạch năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026 và lộ trình thực hiện chế độ tiền lương mới;
- Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về:
- Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
- Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;
- Về Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031; về thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng.
Đồng chí Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trình bày dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, góp nhiều ý kiến sâu sắc, toàn diện vào Tờ trình và các Báo cáo của Ban cán sự đảng, Chính phủ về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 - 2024, trong đó, tập trung thảo luận, phân tích sâu những đặc điểm nổi bật của năm 2023, làm rõ những kết quả đã đạt được, những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, những khó khăn, vướng mắc phải giải quyết, những thách thức phải tiếp tục vượt qua.
Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương xác định những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024; sự cần thiết, đúng đắn của việc thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024.
Về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất nhận định, trong 10 năm qua, đất nước ta đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, thể hiện ngày càng rõ tính ưu việt của chế độ ta: Kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển ổn định và hài hòa hơn.
Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trên mọi miền đất nước được nâng lên. Việt Nam là quốc gia đi đầu trong việc giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội vẫn còn bộc lộ không ít những hạn chế, yếu kém cần sớm có giải pháp khắc phục.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Nghị quyết lần này xác định rõ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các chính sách xã hội để hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.