Hãng tin Bloomberg ngày 8/3 nhận định chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã tránh được suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, nhưng giờ đây, mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới đang bao trùm khu vực.
Điều này là do chi phí quá lớn của các chính phủ châu Âu để chống lại sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Bloomberg đưa tin lạm phát cơ bản trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), không bao gồm giá năng lượng và lương thực, đã đạt mức cao kỷ lục 5,6% trong tháng Hai và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như sẽ tăng lãi suất lên mức kỷ lục 4% để phù hợp. Tuy nhiên, chiến lược này có rủi ro. Nếu không thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, một vòng luẩn quẩn mới của việc tăng giá do tiền lương tăng có thể bắt đầu.
Ban lãnh đạo ECB liên tục tăng lãi suất cơ bản khiến chi phí cho các khoản vay cao hơn bao giờ hết. Điều này có nghĩa là chính phủ các nước châu Âu sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tài trợ cho một chương trình hỗ trợ kinh tế để bảo vệ trước cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng.
Bài báo kết luận nếu có thể tránh được một cuộc suy thoái, thì đó không phải là do các ngân hàng trung ương đã lựa chọn thời điểm hoàn hảo, mà bởi các chính phủ đã nỗ lực rất nhiều để chi tiền - gần 1.000 tỷ USD - để bảo vệ các hộ gia đình và giúp Đức dễ dàng đảo ngược sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Sẽ không dễ để lặp lại kỳ tích này trong năm 2023. Chi tiêu bị trì hoãn trong khi chi phí đi vay tăng.
Ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo nền kinh tế EU đã tránh được suy thoái và đỉnh lạm phát trong khu vực đã qua. Lạm phát cơ bản ở các nước thành viên EU cũng tiếp tục tăng và chi phí điện vẫn ở mức cao. Vì lý do này, EU dự đoán ECB sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tín dụng./.