Truyện ngắn của Lê Quang Sáng
Bà Đào từ Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp hơn chục năm nay. Rẫy cà phê của bà nằm nghiêng nghiêng bên sườn đồi. Sớm mai, mặt trời chiếu xuống nhìn một màu xanh mướt. Chân rẫy là bờ sình lúc nào cũng xăm xắp nước. Bờ sình, bà trồng cỏ để nuôi bò. Cỏ lúc nào cũng xanh tốt do mỗi trận mưa nước từ sườn đồi chảy xuống mang theo đất màu, phân bón. Nhờ vạt cỏ mà mấy con bò lúc nào cũng no tròn. Mỗi năm, bò mẹ cho một bê con.
Mỗi buổi chiều khi mặt trời về phía bên kia sườn đồi là rẫy cà phê và bờ sình rợp mát. Bà Đào mang liềm xuống sình cắt mấy bó cỏ to. Khi thì vác, lúc thì đội, về cắt khúc bỏ vào chuồng cho bò ăn qua đêm.
Chiều chủ nhật, gần tối, trời đổ mưa to. Sau khi đi sinh hoạt hội phụ nữ ở thôn, như thường lệ, bà mang liềm cắt cỏ. Trời mưa, nước đục, đang lúi húi vừa cắt vừa bước. Xoẹt, rát chân.
Buông liềm, nhấc chân lên. Một miếng mảnh sành của bình hoa vỡ to bằng nửa cái bắp chuối ngay đầu mũi chân. May quá, mới xước nhẹ.
Tức sôi người, chả hiểu sao cái mảnh bình hoa lại ở đây. Trước khi trồng cỏ, bà cẩn thận đã cuốc đảo hết đất, dọn từng nhành cây khô, từng viên đá xếp gọn.
- Đúng rồi! bà chợt nghĩ ra. Thủ phạm là con Huế chả còn ai vào đây khác. Chiều qua bà còn nghe tiếng vợ chồng nó cười nói hả hê phía bên kia. Bên ấy, vợ chồng nó đang dọn để trồng rau muống nước. Chắc chắn, nó ném cái mảnh vỡ vào bãi cỏ nhà bà.
Bà Đào lượm mảnh vỡ ném sang sình nhà bà Huế. Xong, ôm bó cỏ về.
Từ triền dốc, bà Huế mang bó rau muống già đi xuống. Với cái cuốc, xới vài nhát để bỏ đám dây muống. Xới, đảo… Cạch, hình như có vật gì đập vào lưỡi cuốc. Cúi xuống, một miếng vỡ của bình hoa.
- Quái lạ, lúc chiều mình đã dọn rất kỹ chỗ này, sao giờ lại có nó? Bà suy nghĩ giây lát. Đúng rồi, chỉ có con mụ Đào ném sang. Vết chân bên sình nhà mụ còn đục nước, cái này mới, rất mới. Con mụ đanh đá mà cả thôn ai cũng ghét, thảo nào mà chả khi nào nhìn thấy chồng mụ. Sống kiểu đó thì chẳng thằng nào chịu được.
Bà Huế chả thèm suy nghĩ, nhặt miếng sành ném vào bụi cỏ tốt bên sình nhà bà Đào. Xả cục tức, bà cấy đám rau muống xuống bãi sình.
Hôm sau, mặt trời khuất sau đồi, bà Đào lại mang liềm xuống sình. Nhanh thật, đám cỏ này mới cắt cách đây mấy tuần, giờ đã lên ngang người. Mùa mưa, cỏ nhanh lắm. Tay trái ôm vạt cỏ, tay phải đưa liềm, cua một vòng, bó cỏ lớn nằm gọn trong tay bà.
Chân bước sang trái, bà Đào gật nẩy người như con gì cắn. Nhìn xuống, một vệt nước hồng lẫn màu đục nổi trên mắt cá chân. Vết cứa sâu hoắm. Một tay ôm chân, một tay bà giật nắm cỏ non cho vào miệng nhai. Một lúc, nhả miếng cỏ bịt vào vết thương. Bà bứt thêm nắm nữa buộc xung quanh vết cứa.
- Tiên sư nhà chúng nó, tao không để yên đâu. Tao ở đây hơn chục năm làm ăn thuận buồm xuôi gió. Từ ngày mày về đây…, mày hãm nhà tao, nhà tao xảy ra hết việc này đến việc khác. Tiên sư bố mày… Bà cầm liềm, cầm cả mảnh bình hoa vỡ, tập tễnh đi lên sườn đồi phía nhà bà Huế. Đến sân, nhìn vào, cửa nhà đóng chặt, khóa ngoài. Điên không thể nào điên hơn.
Bổ liềm đánh phập một phát vào cái khóa - Tiên sư bố chúng mày, chúng mày có giỏi vác cái mặt ra đây xem nào!
Quả đồi nhà bà Huế im lặng. - Chúng mày nhớ đấy.
Bà Đào tập tễnh đi xuống, lội qua sình về đồi nhà mình, quên cả bó cỏ mới cắt. Ném cái liềm và mảnh bình hoa vỡ vào gầm giường, chả thèm rửa chân, đổ người xuống giường đánh rầm một cái.
![]() |
Minh họa: Ngọc Tâm |
Sáng nay, bà Huế đi họp chi hội phụ nữ thôn. Bà chi hội trưởng thống nhất trong toàn chi hội về phong trào phụ nữ giúp nhau tiến bộ. Trong đó đẩy mạnh mô hình “hội viên cùng tiến” nghĩa là hội viên có điểm mạnh này sẽ ghép đôi với hội viên có điểm mạnh khác để hỗ trợ nhau.
Khi bà chi hội trưởng đọc đến danh sách phân công bà Huế và bà Đào giúp nhau cùng tiến. Bà Huế giãy nảy.
- Tôi không nhất trí, bà Đào là người không tốt. Các bà thấy đấy, cách đây mấy tháng, chi hội rà soát đề nghị thôn xem xét hộ nghèo, chính bà Đào đã kiên quyết phản ứng không đồng ý hộ nhà tôi. Bà ấy là người ích kỷ, mấy hôm nay tôi còn một việc không tiện nói ra ở đây, tôi và bà ấy không thể ghép cùng nhau được.
Bà chi hội trưởng ôn tồn giải thích: Để giúp nhau cùng tiến, trước hết chúng ta phải đoàn kết. Chi hội nhận thấy: Chị Đào vào Tây Nguyên đã lâu, có nhiều kinh nghiệm trong trồng cây công nghiệp. Mấy năm trước, chồng chị Đào bị bạo bệnh nên giờ gia đình neo người. Chị Huế mới vào Tây Nguyên nên trong sản xuất nhất là về nắm bắt thời tiết khí hậu chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà chị Huế lại đông người, có điều kiện về kinh tế hơn chị Đào. Thuận lợi hơn, hai gia đình ở cạnh nhau, chung một bờ sình, nhà bên này sáng đèn, nhà kia nhìn thấy. Chị Huế có thể giúp chị Đào về nhân công, chị Đào giúp chị Huế hướng dẫn chăm sóc vườn cây. Ví dụ như khi nào thì tưới cho cà phê nở hoa để đạt năng suất cao. Hoặc đơn giản gia đình này về quê thì nhờ gia đình kia trông coi giúp…
Bà chi hội trưởng nói một tràng dài. Cơn nóng trong người bà Huế cũng dịu dần. Bà nhớ thời gian đầu mới vào mua mảnh rẫy này, bà Đào cũng có tới chơi vài lần nhưng rồi không thấy sang nữa. Một lần đi họp chi hội bà nghe phong phanh là bà Đào cũng mê tín lắm, nghe bảo bà hay đi coi bói thấy ai không hợp với tuổi bà là bà không ưng. Thỉnh thoảng có nghe bên kia quả đồi tiếng bà Đào chửi đổng: Tiên sư bố nhà nó, mình mệnh hỏa mà lại bị con mệnh thủy nó ở bên kia quả đồi, nó chắn ngang lúc mặt trời mọc thì mình làm sao mà khá được. Bà Huế cũng không để ý bà Đào chửi ai.
- Mà sao hôm nay họp chi hội mụ Đào lại không đi, mấy lần trước đi họp mụ nói liên tục như máy khâu, cái gì mụ cũng ý kiến như thể chi hội là của riêng mụ - bà Huế nghĩ bụng.
- Chi hội đã phân công, mụ ấy lại không đi, chả biết mụ ấy có đồng ý không. Thôi thì mình xuống thang một nấc xem ý mụ sao. Cương thì cương, nhu thì nhu - miệng lẩm bẩm. Họp xong, bà Huế đi về nhà bà Đào.
Mặt trời xế chiều, bà Đào vẫn trên giường, mặc cho đàn bò đánh sừng cộc cộc vào tường gỗ. Mệt, đau, tức, sốt mấy ngày, vết thương sưng tấy, ăn uống bữa đực bữa cái, chủ yếu là mì tôm sống. Kệ, bà còn đói lả huống chi là bò.
- Chị Đào có nhà không?
Nghe tiếng ngoài cửa, giọng quen quen, bà Đào nhổm dậy, mặt nhăn nhó. Ai đấy?
- Em Huế đây!
Bà Đào liếc xéo ra ngoài cửa: Mày đến đây có việc gì. Cố gượng nhưng không ngồi dậy được.
- Chị bị sao thế?
- Còn sao nữa, tao giẫm vào cái mảnh sành của mày, mày đừng có giả vờ!
- Em vừa đi họp chi hội về, không biết chị ốm. Chi hội phân công em và chị thành cặp “hội viên cùng tiến” để giúp nhau.
Bà Huế đỡ bà Đào. Bà Đào cố xua tay nhưng đau quá đành bám cổ bà Huế, ngồi dậy, mặt quay vào tường, mắt nhìn xéo.
- Chị Đào ơi, sao nay bận gì mà không đi họp? Tiếng ồn ào phía cửa.
Quay mặt ra, bà Đào thấy bà Hồng cùng mấy bà trong chi hội. Bà Hạnh đi sau cùng, tay cầm mảnh bình hoa bị vỡ.
- Các chị đến có việc gì thế?
- Nay chi hội họp bàn về việc phụ nữ giúp nhau cùng tiến, không thấy chị đi nên chúng tôi đến xem sao? Chị bị sốt lâu chưa? Tiếng bà Hồng chi hội trưởng nhẹ nhàng.
- Chúng em đến xem chị sao nay lại không đi họp, không biết là chị ốm, nên chả có quà cáp gì. Nãy đi qua đầu dốc vào nhà chị nhặt được cái mảnh này, tiện tay em cầm về đây luôn để gom lại cho gọn không ai giẫm phải thì khổ. Tiếng bà Hạnh lanh lảnh.
Cái này tôi mới cầm ở sình về mà! - bà Đào vừa nói vừa liếc mắt xuống gầm giường.
Bà Hạnh nhìn miếng vỡ dưới gầm giường giống mảnh bà đang cầm trên tay. Nhanh nhẹn, bà cầm lên ghép lại.
- Thành một bình hoa vừa vặn! Tiếng các bà hội viên cùng ồ lên.
- Vậy thì đây là hai mảnh của cùng một bình hoa. Một mảnh chắc hôm trời mưa to bị cuốn theo sườn đồi xuống sình.
Vết nhăn trên trán bà Đào giãn ra. Quay sang bà Huế, nhẹ nhàng: Vậy mà tôi cứ tưởng cô Huế vứt cái mảnh này từ bên kia sang. Xin lỗi nhé!
Hôm em trồng rau muống, em thấy, em biết là chị ném sang nên em ném trả lại, không ngờ lại làm chị bị cứa vào chân. Em xin lỗi, giá hôm đó em nhặt gọn lại, không vứt sang thì chị không bị như thế này. Từ nay em rút kinh nghiệm.
- Cũng tại chị, cứ nghĩ là em vứt sang, chứ lúc đầu mà nhặt để gọn lại thì chị cũng không bị như thế này rồi.
- Đây là chiếc bình bị vỡ, ai đó đã vứt trên đỉnh đồi dẫn đến sự hiểu lầm nhau giữa chị Đào và chị Huế, chị em chúng ta cần rút kinh nghiệm. Muốn xây dựng thôn xóm văn minh, chúng ta cần đoàn kết, quan tâm, thấu hiểu nhau. Và đây cũng là bài học để nâng cao ý thức trong việc thu gom, xử lý rác góp phần bảo vệ môi trường - tiếng bà Hồng chi hội trưởng.
- Chị Hồng cho em và chị Đào ký danh sách đăng ký thành đôi “hội viên cùng tiến”, lúc họp em chưa nhất trí nhưng giờ em đồng ý trăm phần trăm - bà Huế hăng hái.
Lúc mọi người nói chuyện, bà Hạnh ra giếng. Bà cầm bình hoa được ghép từ hai mảnh vỡ. Bên trong cắm mấy hoa dâm bụt đặt lên kệ tivi. Bà lanh lảnh: Cái này để lúc nào em kiếm tý keo gắn lại cho, nay cắm tạm mấy bông hoa này, dâm bụt thì thôn mình ai cũng có, cứ ngày thay một lần cho đẹp chị Đào ạ, trong bình em không đổ nước đâu. Em để lọ khô cho nó khỏi có mệnh thủy. Bình có hoa mà không có nước thì gọi là mệnh hoa - bà Hạnh cười tít cả mắt.
Tất cả nhìn bình hoa được ghép lành lặn, mấy bông dâm bụt chiều gió từ cửa sổ thổi vào đung đưa.
Vết thương ở chân bà Đào như nhẹ hẳn.