Bình Thuận cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính

Báo Nhân Dân| 31/08/2022 11:34

Tối 30/8, tại thành phố Phan Thiết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1992-2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh lân cận, kết nghĩa; Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận...dự lễ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ

Diễn văn do đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Bình Thuận, đọc tại buổi lễ nêu rõ, cách nay 30 năm, tỉnh Bình Thuận được tái thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Thuận Hải. 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương cùng sự nỗ lực tự thân của tỉnh, Bình Thuận đã có nhiều cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống nhân dân được nâng lên đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước được đầu tư hoàn thiện, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh hơn…

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của cả nước.

Sau 30 năm tái lập tỉnh, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, tìm chọn hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã vượt qua khó khăn, vươn lên, chuyển mình mạnh mẽ. Bình Thuận đã biết tận dụng các tiềm năng, biến khó khăn thành lợi thế, biến thách thức thành cơ hội, lấy phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng làm đột phá, xây dựng hệ thống thủy lợi bảo đảm nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân làm nền tảng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Tuy vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa được đầu tư đồng bộ để tạo động lực phát triển. Tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Liên kết vùng còn hạn chế. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có bước đột phá; các chỉ số về cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chuyển đổi số còn hạn chế; vẫn còn để xảy ra tình trạng vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước...

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận

Thủ tướng nhấn mạnh, với những tiềm năng, lợi thế và những nét độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương; những thành tựu 30 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận cần kế thừa thành quả đã đạt được, đã cố gắng rồi, phải cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng phải đoàn kết hơn nữa, đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa. Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; ngoại lực là quan trọng và đột phá, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong tình hình mới.

Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, Bình Thuận tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Thuận; phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân. Đây chính là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, trách nhiệm, liêm chính, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Đẩy mạnh chuyển đối số, cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm của đất nước. Quyết tâm phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột mà tỉnh đã xác định, chú ý cơ cấu lại từng thành phần kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả nền kinh tế.

Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né thành điểm đến hàng đầu khu vực. Khuyến khích phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi, điện khí LNG và năng lượng Hydrogen, đưa Bình Thuận trở thành trung tâm năng lượng tầm quốc gia. Từng bước phát triển công nghiệp, nông nghiệp chế biến gắn với các sản phẩm lợi thế của địa phương. Chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy "phát triển sản xuất nông nghiệp" sang tư duy "phát triển kinh tế nông nghiệp", nông nghiệp sản xuất lớn, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, hiện đại, bền vững, giá trị gia tăng cao. Phát triển mạnh kinh tế biển. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, không gian biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học biển.

Khẩn trương xây dựng Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, xác định rõ cơ hội nổi trội, tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh cùng các giải pháp thực hiện phù hợp điều kiện, hoàn cảnh địa phương để phát triển nhanh, bền vững. Đẩy mạnh liên kết vùng, nội vùng, phát huy hiệu quả hơn vị trí địa lý thuận lợi do sát vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác công tư, đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội; quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hợp lý, hiệu quả, nhất là các dự án hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Rà soát, cương quyết cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, manh mún, chậm tiến độ, dồn nguồn lực tập trung cho các dự án lớn, trọng điểm, có tác động lan tỏa.

Quang cảnh buổi lễ

Cần chú ý bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, tuyệt đối không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ sớm, ngay từ cơ sở.

Không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19; triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; kiên quyết không để dịch bệnh diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang cùng những thành tựu to lớn đã đạt được sau 30 năm tái lập tỉnh; với khát vọng và quyết tâm lớn; với bản lĩnh và nghị lực; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng Chính phủ tin tưởng và chắc chắn rằng, Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo baodaknong.org.vn
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-nuoc/binh-thuan-can-day-manh-chuyen-doi-so-cai-cach-hanh-chinh-94855.html
Copy Link
https://baodaknong.org.vn/thoi-su-trong-nuoc/binh-thuan-can-day-manh-chuyen-doi-so-cai-cach-hanh-chinh-94855.html
    Nổi bật
        Mới nhất
        Bình Thuận cần đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO