Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba

Nguyên Lý (TTXVN/Vietnam+)| 14/09/2023 08:20

Chuyến thăm Việt Nam lịch sử bất chấp nguy hiểm của lãnh tụ Cuba Fidel Castro - “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước.

Bieu tuong cua tinh doan ket dac biet giua Viet Nam va Cuba hinh anh 1
Tổng Tư lệnh Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc míttinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. (Ảnh: TTXVN)

Tròn 50 năm, lãnh tụ Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Trị, trở thành vị lãnh tụ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến nơi này, sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973).

Chuyến thăm lịch sử bất chấp khó khăn, nguy hiểm của lãnh tụ Fidel Castro - “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam, mãi mãi trở thành biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung, gắn bó cùng lý tưởng cao đẹp chống chủ nghĩa đế quốc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Phóng viên TTXVN có hai bài viết nhân sự kiện lịch sử này với chủ đề “Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba.”

Bài 1: Những ký ức về “người bạn lớn” của nhân dân Việt Nam

Giữa tháng 9/1973, lãnh tụ Cuba Fidel Castro đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Quảng Trị. Trong tâm khảm cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta ai ai cũng nhớ đến lãnh tụ Fidel Castro - “người bạn lớn” của Việt Nam hiên ngang, dũng cảm nhưng luôn gần gũi, thân thiết và sâu sát với từng nơi ông đặt chân đến.

Lãnh tụ Cuba đã đến thăm nhiều nơi vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, khi vùng đất này vẫn còn vương mùi thuốc súng.

Nhiều nơi lãnh tụ Fidel Castro đến thăm cũng chỉ cách bờ Nam sông Thạch Hãn hơn 10km - nơi lúc bấy giờ địch còn tạm chiếm đóng và luôn chĩa nòng pháo về phía Bắc sông Thạch Hãn.

Lãnh tụ Fidel Castro đã đi bộ từ cầu Đông Hà, thị xã Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà) ngược lên phía Tây (nay là đường Trần Hưng Đạo) để thị sát những lô cốt, vũ khí của địch bỏ lại và chứng kiến nỗ lực của quân và dân Quảng Trị xây dựng lại quê hương sau chiến tranh.

Tiếp đó, lãnh tụ Fidel Castro ngược lên Đường 9 đến thăm Cao điểm 241 ở xã Cam Thành, huyện Cam Lộ và Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ; thăm Dốc Miếu (huyện Gio Linh) là căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ có phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara.

Sáng 15/9/1973, lãnh tụ Fidel Castro dẫn đầu phái đoàn của Cuba đến Cao điểm 241 trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta. Tại đây, lãnh tụ Cuba phất cao lá cờ truyền thống của Sư đoàn 304 trên cao điểm 241 vẫn còn ngổn ngang xác xe tăng và khí tài của Quân đội Mỹ.

Ông Dương Tú Anh, 87 tuổi, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ kể lại ở những nơi lãnh tụ Fidel Castro đến cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta tiếp đón hết sức nồng nhiệt và chân thành khi xếp hàng dài, cùng những tràng vỗ tay liên hồi, rền vang. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân ta đều dành sự cảm phục với lãnh tụ Fidel Castro, bởi là nguyên thủ quốc gia nhưng ông rất gần gũi, thân thiết và không sợ hiểm nguy.

Bieu tuong cua tinh doan ket dac biet giua Viet Nam va Cuba hinh anh 2

Tại buổi míttinh ở Cao điểm 241, lãnh tụ Fidel Castro đã diễn thuyết hơn nửa giờ. Ông đã được các cán bộ, chiến sỹ trao tặng lá cờ Bách chiến Bách thắng lấp lánh Huân chương của đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế.

Cầm lá cờ trên tay, lãnh tụ Fidel Castro hô to trước đông đảo chiến sỹ: “Các đồng chí hãy mang lá cờ Bách chiến Bách thắng này cắm tại Sài Gòn. Hẹn gặp lại tại Sài Gòn sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.”

Trong suốt hơn 30 phút diễn thuyết, lãnh tụ Cuba ca ngợi lòng dũng cảm, sự can trường, chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta; tình đoàn kết đặc biệt, thủy chung giữa Việt Nam và Cuba.

Sự hiện diện của vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên ở vùng đất vừa mới được giải phóng Quảng Trị đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân Quảng Trị còn nhớ mãi hình ảnh lãnh tụ Cuba đến thăm Căn cứ Dốc Miếu ở huyện Gio Linh vào đầu giờ chiều 15/9/1973. Dốc Miếu là căn cứ quân sự nổi tiếng của Quân đội Mỹ gần với giới tuyến (Vĩ tuyến 17 cầu Hiền Lương- sông Bến Hải) và có phòng tuyến hàng rào điện tử McNamara, để ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam.

Sau 50 năm, bà Hoàng Thị Chẩm (73 tuổi, thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh) nữ du kích 9 lần được phong “Dũng sỹ diệt Mỹ” giai đoạn 1969-1972, vẫn giữ bức ảnh được bắt tay với lãnh tụ Fidel Castro tại Căn cứ Dốc Miếu.

Bà Chẩm luôn trân trọng gìn giữ và xem bức ảnh này là kỷ vật vô giá. Bà kể lại, khoảng gần giữa tháng 9/1973, nhận được thông báo của cấp trên là chuẩn bị “đi công tác,” bà không biết đi công tác là đi đâu, chỉ nghĩ cấp trên cử đi học do quê hương Gio Linh đã được giải phóng.

Để chuẩn bị “đi công tác,” bà được mẹ mua cho bộ áo mới. Đến tối 14/9/1973, cấp trên báo sáng 15/9 sẽ bắt đầu “đi công tác” và tập trung ở Căn căn Dốc Miếu. Sáng 15/9/1973 bà cùng các nữ du kích tiêu biểu, cán bộ, chiến sỹ tập trung ở Căn cứ Dốc Miếu như thông báo.

Tập trung ở đây đến đầu giờ chiều thì nhận được tin từ cấp trên: “15 phút nữa sẽ được đón lãnh tụ Cuba Fidel Castro từ Đông Hà ra thăm.”

Xúc động và tự hào, bà Chẩm kể tiếp, mọi người có mặt tại Căn cứ Dốc Miếu đều rất bất ngờ và tự hào khi được đón lãnh tụ Cuba. Đến Căn căn cứ Dốc Miếu, lãnh tụ Fidel Castro đi một quãng đường trên đồi để thị sát, tận mắt chứng kiến căn cứ quân sự quan trọng của Quân đội Mỹ còn ngổn ngang bom đạn.

Bà Chẩm còn nhớ rõ khoảnh khắc lãnh tụ Cuba ân cần thăm hỏi, động viên từng cán bộ, chiến sỹ có mặt tại Căn cứ Dốc Miếu.

Bà nhớ lại trong sự xúc động, lãnh tụ Fidel Castro rất gần gũi, thân thiện với mọi người. Ông bắt tay những nữ du kích tiêu biểu và cán bộ, chiến sỹ có mặt ở Dốc Miếu.

Khi lãnh tụ Fidel Castro bắt tay bà, ông dừng lại nhìn kỹ khuôn mặt, bày tỏ trân trọng và cảm phục một cô gái mới 20 tuổi đã chiến đấu anh dũng kiên cường, lập được nhiều chiến công ngay ở một trong những nơi ác liệt nhất trong kháng chiến chống Mỹ. Do đó bà luôn tự hào và trân trọng khoảnh khắc được lãnh tụ Cuba bắt tay và động viên.

"Mỗi hình ảnh, lời nói, cử chỉ của lãnh tụ Phidel Castro đều in sâu trong lòng cán bộ, chiến sỹ và nhân dân; đồng thời là sự cổ vũ mạnh mẽ đối với toàn thể nhân dân Quảng Trị nói riêng, miền Nam Việt Nam nói chung," bà Chẩm chia sẻ.

Chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến vùng đất vừa mới được giải phóng ở Quảng Trị, đã trở thành nguồn động viên và cổ vũ lớn lao để quân và dân ta “đánh cho Ngụy nhào,” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước mùa Xuân năm 1975.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Bình, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chuyến thăm của lãnh tụ Fidel Castro đến Việt Nam thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa hai dân tộc. Cuba tiếp tục tái khẳng định là người bạn chiến đấu của nhân dân Việt Nam, đặc biệt là với cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân miền Nam Việt Nam mà người đại diện chân chính là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Tại cuộc míttinh ở vùng giải phóng Quảng Trị, lãnh tụ Fidel Castro nhấn mạnh: “Nhân dân Việt Nam luôn luôn là một dân tộc thống nhất và tự do. Không có một dân tộc nào trong thời đại ngày nay đã chiến đấu một cách gian khổ như nhân dân Việt Nam vì độc lập của mình. Thắng lợi to lớn thắng lợi thần kỳ của Việt Nam”./.

Bài 2: Dấu ấn sâu đậm của Cuba trên vùng đất “lửa” Quảng Trị

Theo www.vietnamplus.vn
https://www.vietnamplus.vn/nhung-ky-uc-ve-nguoi-ban-lon-fidel-castro-cua-nhan-dan-viet-nam/894249.vnp
Copy Link
https://www.vietnamplus.vn/nhung-ky-uc-ve-nguoi-ban-lon-fidel-castro-cua-nhan-dan-viet-nam/894249.vnp

    Nổi bật

        Mới nhất
        Biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Cuba
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO